'Mầm xanh' trên vùng biển đá

Thứ Hai, 08/06/2015, 17:00
Đặt chân lên vùng địa đầu Tổ quốc, chúng tôi không khỏi nao lòng trước những cung đường huyền thoại với trùng điệp núi đồi, những ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp. Bức tranh thiên nhiên và bức tranh cuộc sống con người nơi đây cứ đan quyện vào nhau, khiến chúng tôi hết ngỡ ngàng này sang ngỡ ngàng khác.

“Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi”

Xuất phát từ Hà Nội, sau 16 tiếng đồng hồ vượt qua 421 cây số, chúng tôi dừng chân tại thị trấn Mèo Vạc. Nối liền Mèo Vạc với cao nguyên đá Đồng Văn là con đèo huyền thoại mang tên Mã Pí Lèng. Người ta vẫn thường ví Mã Pí Lèng là “sống mũi của con ngựa”, (theo những người Mông bản địa thì tên đúng của đèo là Máo Pì Lèng, dịch ra là “sống mũi mèo”) hay khắc nghiệt hơn, họ nói đây là “dốc ngựa đi thì truỵ thai mà chết”, nghĩa là đường đi khó đến mức ngay cả ngựa đi cũng phải lạc hơi, kiệt sức. Con đường mà chúng tôi đi qua mang tên “con đường hạnh phúc”. Như nhà văn Nguyên Ngọc nói, “con đường hạnh phúc” giống như một “kim tự tháp” của Việt Nam. Đến đây, tôi lại được nghe câu chuyện của 50 năm trước đó về “18 tháng treo mình trên vách đá”, sự hi sinh và cống hiến của hàng vạn trai tráng mạn vùng núi phía bắc với vài triệu ngày công để xây dựng được con đường dài khoảng 200km này. Dấu tích để lại đã được trưng bày trong bảo tàng văn hoá đặt tại thành phố Hà Giang.

Mã Pí Lèng đẹp quá! Từ đây nhìn xuống, con sông Nho Quế bắt nguồn từ Mù Cảng, Vân Nam, Trung Quốc đổ về Ðồng Văn, Mèo Vạc, Hà Giang, lắt lẻo chảy giữa hai dãy núi. Theo ghi chép, trước kia sông nằm trên mặt đá,vắt hững hờ qua đèo Mã Pí Lèng, rồi qua hàng triệu năm kiến tạo, lưỡi nước dữ ăn mòn cứa đứt đôi khối đá, tạo nên những thành quách rợn người như ngày nay. Thì ra, người ta ví Nho Quế là con sông thác ghềnh nhất Việt Nam bởi nó như lưỡi kiếm vĩ đại suốt nghìn năm, chém đứt lìa cao nguyên đá Đồng Văn là vì như vậy.

Từ đèo Mã Pí Lèng, chạy xe khoảng 2 tiếng thì tới được Lũng Cú – Đồng Văn. Người ta nói, nếu hình dung đường biên giới Việt – Trung như một chóp nón, thì hai điểm thấp nhất nằm ở A-pa-chải (Điện Biên), Sa Vĩ (Móng Cái), còn chóp là Lũng Cú, tâm đỉnh của Lũng Cú chính là ngọn núi Rồng (Long Sơn). Đường lên cột cờ Lũng Cú khoảng 1,5 cây số, phải vượt qua 389 bậc thang đá và leo thêm 140 bậc thang xoắn ốc ngay trong lòng cột cờ thì lên đến đỉnh - nơi có lá cờ đỏ sao vàng, rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em,phần phật tung bay trong gió. Tôi nhớ, đại tá Lê Trân -  chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Đồng Văn, cũng chính là tác giả của con số 389 bậc đá đã từng phát biểu:  “Cột cờ Lũng Cú tượng trưng cho ý chí và sự kiên định bảo vệ từng tấc đến từng mỏm đá của Tổ quốc, đó cũng là khát vọng của những người lính biên cương chúng tôi. Vì thế tôi đề nghị với ban xây dựng cột cờ nên chọn con số 389(bậc) là một con số “tiến” và nếu cộng lại thì tròn 10. Đó là con số cuối cùng, tột đỉnh, như một lời thề”.

Đứng ở đây phóng tầm mắt xuống có thể thấy trọn hình hài đất Mẹ, thu được cả hình sông thế núi vào tầm mắt. Ở vùng địa đầu Tổ quốc, dưới lá cờ đỏ sao vàng, những người trẻ chúng tôi chẳng thể nói hết cảm xúc khi đặt tay lên ngực trái của mình và hát vang bài “Quốc ca” hùng tráng. Đi vì nhiều lý do, nhưng lý do chúng tôi thấy cao cả nhất, đúng đắn nhất là đi để thấy đất nước mình đẹp đến nhường nào; đi để thấy cuộc sống của đồng bào mình còn nhiều lắm khó khăn; đi để đánh thức tình yêu đất nước từ sâu trong tâm khảm.

Cuộc sống trên cao nguyên đá

Rời “mỏm tột Bắc” (theo chữ của nhà văn Nguyễn Tuân), chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình trên các cung đường dốc đứng, ngoằn ngoèo, mênh mông đá. Xen lẫn với những núi đá là  những mái nhà trình tường lợp ngói âm dương chênh vênh, ẩn hiện trong làn sương chiều bảng lảng. Ở vùng “đất không ba bước bằng, trời không ba ngày nắng”, giữa thẳm sâu của đá, trước nghiệt ngã của thiên nhiên là sức sống bền bỉ dẻo dai, là cuộc sống lao động kế tiếp nhau qua biết bao thế hệ của người dân nơi này. Sự khắc nghiệt của đất trời cùng với cái nghèo cái đói chẳng bao giờ dập tắt được khát vọng vươn lên của họ.

Người Mông ở đây lại có câu “Đời đá hang hốc, đứng ngồi chen nhau, suốt đời cọ cựa, với cái đói nghèo”. Sống với đá, họ cũng giống như đá. Cứng rắn và thầm lặng. Trên những triền đá tai mèo xám ngoét vẫn phất phơ những chiếc váy hoa xoè của người phụ nữ đi gùi đá trồng ngô. Giữa khoảng không rộng lớn vẫn nghe thấy tiếng lục lạc lẫn âm thanh chói tai của lưỡi cày cào kiết vào đá. Ở vùng đồng bằng, cày đất ruộng còn vất vả, huống chi đồng bào ở đây lại cày cả đá nữa! Cuộc sống của họ chỉ như vậy, quanh quẩn với việc lên núi bẩy đá, tìm đất trồng ngô, mà cũng chỉ có cây ngô mới sống được ở vùng này, nhẫn nại như con người vậy. Dáng đi của họ cứ đổ về phía trước, cặm cụi…lầm lũi. Thức ăn hằng ngày của đồng bào chỉ có mèn mén, quanh năm cũng chỉ có mèn mén. Ấy vậy mà trước của nhiều nhà vẫn trồng mấy khóm cẩm tú cầu nở bung như mâm xôi, thêm cả những khóm hồng Đà Lạt rộ đỏ.

Hà Giang – một bức tranh có cái đẹp bệ vệ của thiên nhiên, nét hoang sơ của rừng già núi đá, có nỗi buồn nghèn nghẹn khi nhìn vào cuộc sống lao động của con người. Mồ hôi chan nước mắt, chua xót bội phần, nhưng tiếng khèn vẫn cất lên từ những ngôi nhà vương nét thời gian, những điệu múa giao duyên vẫn rộn ràng trong những phiên chợ cùng những chảo thắng cố ngun ngút khói. . Những người “giữ sổ đỏ” cho nhà nước - họ cứ sống và làm việc, khắc khổ nhưng đầy thi vị.

Những đứa trẻ ngồi bên bờ vực.

Cảnh sắc hùng vĩ cứ ập vào mắt những con người ham xê dịch. Từ trên cao nhìn xuống, những con đường ngoằn ngoèo vắt vẻo ôm quanh sườn núi như sợi chỉ trắng bị sổ vải bám dính lấy tấm áo trấn thủ màu bạc phếch. Có nhiều điều làm tôi sửng sốt, nhưng lạ nhất lại là hình ảnh những đứa trẻ ngồi bên bờ vực, giữa ngun ngút đèo. Bóng dáng chúng nhỏ thó như bị nuốt chửng bởi trùng điệp những dãy núi đá hàng ngàn năm tuổi. Chúng ngồi bệt xuống mé đường hoặc chơ vơ trên những tấm bê tông đặt bên mép vực.

Cũng có khi, chúng tôi lại gặp những đứa trẻ trên dưới 10 tuổi đi trên đường còng lưng mang theo một gùi củi nặng, đôi khi là bó cây ngô khô, mồ hôi lấm tấm phủ trên khuôn mặt nhem nhuốc và bết vào cả váy áo. Cũng có những đứa trẻ lững thững đi trên đường, đầu trần, tay xách cặp lồng, đôi mắt nheo lại vì nắng . Dừng xe ven con dốc, tôi  xách theo túi kẹo đã chuẩn bị trước đó như một cái lệ của người dưới xuôi khi lên miền ngược, bọn trẻ nhao nhao xúm lại xoè tay chờ đến lượt mình. Đứa nào cũng đen nhẹm, quần áo xộc xệch lấm lem nhưng nụ cười thì tươi rói. Nhìn chúng háo hức, lòng tôi lại thấy có cái gì đó nằng nặng. Thời bây giờ, bọn trẻ dưới xuôi quen với những thức quà sang, ngay cả thịt cá cũng lười ăn chứ đừng nói đến kẹo, nhất là kẹo bình dân. Vậy mà với những đứa trẻ này, kẹo lại là một thức quà xa xỉ như chúng nói thì “chỉ những người ở xuôi lên mới có”.

Lúc tôi loay hoay chia kẹo thì bạn tôi bấm máy chụp hình. Khác với những đứa trẻ ở cửa khẩu Phó Bảng – biên giới Việt – Trung, trẻ con chỉ quanh quẩn ở nhà, trên rẫy ngô, thấy người lạ, chúng có vẻ sợ sệt và dè dặt. Người lớn cũng vậy. Nhìn thấy máy ảnh, chúng vội vàng ngồi sụp xuống che mặt hoặc núp sau những hàng rào đá, nhất là những bé gái. Còn ở đây, như một phản xạ tự nhiên, bọn trẻ ngước lên, nhìn thẳng vào ống kính. Hình như chúng đã quen với việc này khi bất cứ vị du khách hay kẻ vãng lai nào đến đây cũng muốn có một pô ảnh kỉ niệm với trẻ em miền núi.

Chia tay bọn trẻ lúc rám chiều để kịp đổ đèo sang Yên Minh – Quản Bạ, hình ảnh những đứa trẻ ngồi bên bờ vực và nụ cười hồn nhiên như cây rừng của chúng cứ theo tôi suốt dọc đường đi. Và cả ánh mắt nữa, trong veo như dòng suối bản.

Những người “nặng lòng với phong vân” chúng tôi lại vi vu trên những cung đường núi, nhiều khúc cua gấp đến thót tim nhưng thật khó để diễn tả hết cảm giác bay bổng như lúc này. Ở lưng chừng núi, nhìn được rất nhiều ngọn núi khác, gió tấp vào mặt và sương lởn vởn trên đỉnh đầu, rừng già núi đá nơi đây luôn ẩn chứa nét đẹp mê hồn. Đến bây giờ tôi mới hiểu, tại sao cao nguyên đá lại có thể lôi kéo, quyến rũ nhiều du khách đến vậy….

Nguyễn Hoa
.
.
.