Lần đầu không tăng khí thải các-bon sau hơn 40 năm

Thứ Năm, 09/04/2015, 10:29
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa công bố, lần đầu tiên trong hơn 40 năm qua, nền kinh tế thế giới phát triển mà không làm tăng lượng khí thải các – bon. Sự thay đổi này được lý giải có thể là do việc sử dụng hiệu quả năng lượng bền vững.

Theo tờ Washington Post đưa tin, trước năm 2014, bất cứ khi nào nền kinh tế thế giới tăng trưởng cũng đồng nghĩa với việc tăng phát thải các-bon đi-ô-xít trong khí quyển trái đất.

Mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố, trong năm 2014, nền kinh tế thế giới có tăng trưởng nhưng mức độ CO2 thì không.

Dù có nhiều dấu hiệu tích cực, tuy nhiên, nồng độ các-bon đi-ô-xít trong khí quyển vẫn cao.

Trước đây, việc giảm phát thải khí nhà kính là do nguyên nhân suy thoái kinh tế. Việc tăng trưởng kinh tế thường liên quan đến việc tăng sử dụng năng lượng, do đó làm tăng lượng khí thải. Việc tách biệt hai hệ quả, tăng trưởng nền kinh tế và tăng phát thải các-bon, chính là kết quả từ sự nỗ lực của các công ty năng lượng nhằm chống biến đổi khí hậu, IEA cho biết.

Năm ngoái, lượng khí thải các-bon đi-ô-xít toàn cầu đạt 32,3 tỷ tấn – con số tương đương với mức của năm 2013.

Cũng theo số liệu mới nhất của IEA, trong suốt 40 năm qua, mới chỉ có ba giai đoạn mức độ CO2 trong khí quyển không tăng là những năm đầu thập niên 1980, 1992 và 2009. Tuy nhiên, những năm này cũng gắn liền với sự bất ổn kinh tế toàn cầu. Riêng chỉ có năm 2014, nền kinh tế toàn cầu đã tăng 3%.

Giám đốc kinh tế của IEA, Fatih Birol, cho biết: “Điều này mang lại nhiều hy vọng về việc nhân loại có thể chung tay hành động nhằm đối mặt với tình hình biến đổi khí hậu, mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với con người hiện nay”.

Những thay đổi bước đầu này có sự đóng góp của Trung Quốc trong việc tăng cường sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo. Hơn hết, đó là nỗ lực của nhiều quốc gia trong Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) trong việc thúc đẩy các hình thức sử dụng năng lượng bền vững.

Tờ Washington Post cũng cho hay, chỉ số năng lượng sử dụng tính trên đầu người tại Mỹ sẽ giảm trong khi tổng sản phẩm quốc nội sẽ tăng lên trong tương lai.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đã chấm dứt. Hàm lượng CO2 trong khí quyển của Trái đất đã đạt mức kỷ lục trong năm 2013 và lượng khí nhà kính vẫn tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ông Fatih Birol lưu ý, các dữ liệu được đưa ra sẽ tạo bước tiến lớn nhằm chuẩn bị đàm phán thành lập Hiệp ước khí hậu toàn cầu tại Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc trong tháng 12 sắp tới.

Khánh Linh (tổng hợp theo The Verge)
.
.
.