Cảnh báo từ 20 tổ chức bảo tồn động vật hoang dã
Chiều 24-11, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho biết, tại Hội nghị thượngđỉnh G20, lần đầu tiên, nhóm 20 tổ chức bảo tồn hàng đầu thế giới (WC20) đã ban hành một tuyên bố chung gửi tới các nhà lãnh đạo kêu gọi khẩn cấp đầu tư bảo vệ đa dạng sinh học và giảm thiểu nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lai.
Theo WC20, dù chưa xác định được chắc chắn nguồn gốc của đại dịch hiện nay, các nhà khoa học đồng ý rằng tương tự như HIV, Ebola, SARS, cúm gia cầm và MERS, COVID-19 là bệnh lây truyền từ động vật sang con người, và rất có thể là do sự tiếp xúc, tương tác giữa con người với động vật hoang dã (ĐVHD) ngày một gia tăng.
WC20 cho biết, đầu tư bảo vệ thiên nhiên, bao gồm chấm dứt nạn phá rừng, kiểm soát hoạt động buôn bán ĐVHD và cải thiện sinh kế của cộng đồng địa phương phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên là một phần quan trọng trong nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Sự tiếp xúc, tương tác của con người với động vật ngày một gia tăng chính là nguy cơ bùng phát dịch bệnh (Ảnh: ENV). |
Chi phí đầu tư bảo vệ thiên nhiên chỉ bằng một phần nhỏ đối với thiệt hại kinh tế ước tính 26 nghìn tỷ USD mà COVID-19 đã gây ra. Theo một ước tính gần đây, nếu đầu tư 700 tỷ USD mỗi năm sẽ giúp phục hồi được đa dạng sinh học trên thế giới, chỉ bằng 1/40 tổn thất kinh tế do đại dịch COVID-19 đem lại. Phần lớn số tiền đầu tư bảo vệ thiên nhiên không cần phải từ nguồn đầu tư mới. Một phần đáng kể có thể lấy từ chính các loại hình đầu tư phát triển kinh tế làm tổn hại đến thiên nhiên, môi trường.