Cần xử lý quyết liệt nạn khai thác cát tại Cần Giờ
- Tạm giữ 3 tàu cát tặc trên sông Lạch Tray
- Vì lợi nhuận, “cát tặc” bất chấp kỷ cương
- Cát tặc đe dọa giết chết những con sông khắp hành tinh
Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh ra quyết định xử phạt hành chính, tịch thu 2 tàu hút cát “khủng” với trị giá hơn chục tỷ đồng. Đây là 2 tàu khai thác cát trái phép đầu tiên bị tịch thu từ trước đến nay...
Trước đó, tại khu vực sông Soài Rạp - Cần Giờ, Phòng Cảnh sát đường thủy Công an TP Hồ Chí Minh tuần tra, phát hiện tàu số đăng ký BG - 0568 có 1.080m3 cát không rõ nguồn gốc, không hồ sơ giấy tờ liên quan phương tiện vận chuyển.
Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 9 người do Nguyễn Văn Thanh (ngụ tỉnh Hải Dương) làm thuyền trưởng. Nguyễn Xuân Hùng (ngụ tỉnh Ninh Bình) làm quản lý và 7 thuyền viên, tổ chức khai thác cát trái phép tại vùng biển Cồn Ngựa, Cần Giờ. Tại khu vực Vàm Láng, sông Soài Rạp (thuộc ấp Lý Hòa Hiệp, huyện Cần Giờ), lực lượng Công an cũng phát hiện một tàu hút khác số đăng ký NĐ – 2816, trên tàu có 675m3 cát không rõ nguồn gốc, không có hồ sơ giấy tờ liên quan phương tiện vận chuyển.
Tàu khai thác cát trái phép tại Cần Giờ bị lực lượng Công an tịch thu. |
Trên tàu có 7 người do Nguyễn Văn Quý (ngụ tỉnh Đồng Tháp) làm thuyền trưởng và 6 thuyền viên. Lực lượng Công an phối hợp đã lập biên bản tạm giữ phương tiện, xác minh xử lý.
Được biết, tàu hút cát số đăng ký BG - 0568 thuộc sở hữu của Công ty TNHH TM & DV Thành Bắc (Công ty Thành Bắc, trụ sở ở đường Lý Thái Tổ, phường Trần Phú, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) do ông Vũ Thành Bắc làm Giám đốc, đại diện pháp luật. Ngày 28-5, ông Bắc đại diện Công ty Thành Bắc ký hợp đồng cho ông Nguyễn Văn Chội (HKTT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thuê tàu hút BG - 0568 để khai thác với giá cho thuê 200 triệu đồng/tháng. Sau khi thuê tàu, ông Chội thuê Nguyễn Văn Thanh làm thuyền trưởng, Nguyễn Xuân Hùng làm quản lý và 7 người khác làm thuyền viên để khai thác cát trái phép.
Còn tàu hút cát số đăng ký NĐ - 2816 thuộc sở hữu Công ty CP vận tải Biển Đại Việt (trụ sở thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) do bà Đào Thị Phượng làm Giám đốc. Ngày 28-4, ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc công ty ký hợp đồng tay cho Dương Thanh Cần thuê giá 100 triệu đồng. Sau khi thuê, Cần giao cho Nguyễn Văn Quý làm thuyền trưởng và thuê thuyền viên điều khiển đến vùng biển Cần Giờ để khai thác trái phép.
Khi tàu hút cát bị thu giữ, ông Bắc và ông Trường đều phản ứng cho rằng, Công ty Thành Bắc và Công ty Biển Đại Việt chỉ cho thuê tàu chứ không biết các đối tượng thuê để hút cát trái phép. Tuy nhiên, với kết quả đã được xác minh làm rõ, ngày 12-9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Nguyễn Văn Quý và Nguyễn Văn Chội với hành vi: “Vi phạm về khai thác khoáng sản mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp khối lượng khai thác từ 50m3 trở lên” vi phạm điều 44 Nghị định số 33/2017/NĐ - CP. Đồng thời, phạt tiền ông Chội và Quý mỗi người 50 triệu đồng, tịch thu toàn bộ cát tang vật và phương tiện dùng để bơm hút cát trái phép”. Qua xác minh, tàu hút số đăng ký BG – 0568 trị giá gần 5,6 tỷ đồng và tàu hút số đăng ký NĐ - 2816 trị giá hơn 4,7 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ngoài “điểm nóng” Cần Giờ thì tại các vùng có sông nước như: Quận 9, Nhà Bè, Củ Chi... tình trạng khai thác cát trái phép vẫn lén lút diễn ra. Các đối tượng khai thác cát phần lớn ở các tỉnh phía Bắc như: Hải Phòng, Bắc Giang, Nam Định... và thời điểm các đối tượng thường chọn để “hành nghề” từ 11-12h đêm tranh thủ “hút” đến 2-3h sáng thì rút. Cát sau khi hút sẽ được các đối tượng tiêu thụ tại các công trình xây dựng. Nếu là cát nước mặn (khai thác ở biển) thì phải qua công đoạn rửa mặn rồi trộn với cát nước ngọt mới đưa đi tiêu thụ.
Giá bán trực tiếp tàu ra thị trường 110-120.000 đồng/m3 cát san lấp và 200.000 đồng/m3 cát xây dựng. “Chỉ cần hút 2-3 giờ thì đầy tàu chứa khoảng 800m3 đến 1.000m3 cát. Một đêm, hàng ngàn khối cát bị hút như vậy. Các đối tượng này rất manh động và coi thường pháp luật. Chính quyền địa phương biết nhưng không không có thẩm quyền xử lý”, một trinh sát Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết.
Ngoài lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tuần tra, phát hiện tàu hút cát lậu. Trong thời gian qua, Bộ đội Biên phòng bắt, xử lý nhiều vụ vận chuyển cát không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc cát. Mới đây nhất, ngày 30-10, Đồn Biên phòng Cần Thạnh – Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh phát hiện 4 sà lan đang bơm hút cát trái phép tại khu vực Cồn Ngựa, huyện Cần Giờ, chứa trong khoang hơn 1.000m3 không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Các sà lan này cũng có “địa chỉ” ở các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Nam Định…
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, từ năm 2013 đến nay, TP Hồ Chí Minh không cấp bất kỳ giấy phép nào về khai thác cát trên địa bàn TP. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tại địa bàn huyện Cần Giờ, cơ quan chức năng đã xử lý 32 vụ khai thác cát trái phép.
Tuy nhiên, việc khai thác cát từ trước đến nay chưa có trường hợp nào xử lý hình sự, hầu hết là phát hiện khi vận chuyển không có hóa đơn chứng từ nên cơ quan chức năng chỉ tịch thu cát. Nhiều ý kiến cho rằng, việc khai thác cát trái phép mang lại lợi nhuận rất lớn, nhưng việc xử lý hành chính chưa đủ sức răn đe, cần khởi tố hình sự những đối tượng khai thác cát trái phép.
Luật sư Nguyễn Văn Tài, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, trong luật hiện chưa có quy định khởi tố về hành vi khai thác cát trái phép. Nếu kiểm tra phát hiện vận chuyển cát không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc thì chỉ tịch thu cát tang vật. Còn nếu có hành vi khai thác cát thì sẽ bị tịch thu tang vật, phương tiện dùng để khai thác cát trái phép, và đây là chế tài cao nhất được quy định tại khoản 4, điều 44 Nghị định 33/2017/NĐ-CP. |