Cần ngăn chặn tình trạng tận diệt thủy sản trong đầm, hồ tại Phú Yên

Thứ Tư, 16/01/2019, 09:31
Đi qua các đầm, vịnh ven biển và ao, bầu, sông, suối, kênh mương ở vùng nông thôn, miền núi Phú Yên sẽ bắt gặp những kiểu đánh bắt tôm, cá, cua, ghẹ… bằng ngư cụ tận diệt khiến cho nguồn lợi thủy sản có nguy cơ cạn kiệt, môi trường sinh thái bị xâm hại.

Đến đầm Ô Loan - một danh thắng quốc gia mở rộng đến các xã thuộc huyện Tuy An, chúng tôi chứng kiến nhiều người dân ở đó khai thác thủy sản (KTTS) bằng lờ bóng Thái Lan (LBTL) tựa như bẫy lồng. Khi mở bung ra, mỗi lờ bóng có hình hộp, dài hơn 15m, có kết cấu bởi những khung sắt hình chữ nhật đặt cách nhau khoảng 20cm và được bao bọc bằng lưới cước với mắt lưới ô vuông có kích thước 10-14mm.

Ông Nguyễn Văn Phương – một người dân ven đầm Ô Loan bức xúc: “Tôm, cá, cua, ghẹ… từ lớn đến nhỏ chui vào lờ bóng không sao thoát được. Mỗi đêm có cả ngàn lờ bóng của người dân ở các thôn, xóm ven đầm thả xuống đáy nước để giăng bẫy. Với chục lờ bóng, mỗi đêm một người dân thu được từ 300.000 - 500.000 đồng, đôi lúc gặp luồng tôm, cá có thể kiếm được tiền triệu...”.

Không chỉ riêng ở đầm Ô Loan, mà nhiều năm qua nạn KTTS bằng LBTL đã và đang bùng phát tại vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, vũng Lắm, biển Từ Nham ở thị xã Sông Cầu, vịnh Vũng Rô ở huyện Đông Hòa. Chỉ tay ra phía cửa biển Lễ Thịnh nối liền đầm Ô Loan, ông Lê Văn Dũng, trú ở thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An chia sẻ: “LBTL xuất hiện ở đây hơn 5 năm. Lúc đầu chỉ vài ba người đặt lờ bóng gần cửa Lễ Thịnh để cải thiện bữa ăn, đến khi thấy nhiều tôm, cá chui vào lờ bóng, những người dân đua nhau mua về để KTTS trong đầm Ô Loan. Chỉ vài tháng sau, LBTL đã trở thành ngư cụ phổ biến trên các đầm, vịnh, vũng… ven biển Phú Yên”...

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Tri Phương – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, hơn 20 năm về trước, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 01/1998/CT-TTg ngày 2-1-1998 về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để KTTS. Tại điều 6 Luật Thủy sản 2003 cũng đã nghiêm cấm hành vi sử dụng các loại chất nổ, chất độc, xung điện và các phương pháp có tính hủy diệt khác trong hoạt động thủy sản. 

Theo quy định tại Điều 7, Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019, những trường hợp sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để KTTS là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản. Tuy nhiên, do chưa có Nghị định, Thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Thủy sản 2017 nên chưa có căn cứ để xử lý những trường hợp khai thác thủy sản bằng LBTL. 

Theo đó, không riêng ở Phú Yên mà các địa phương khác cũng đang vấp phải trở ngại trong việc xử lý nạn khai thác thủy sản bằng LBTL, vì thế trong thời gian qua Sở NN-PTNT Phú Yên cùng các địa phương nỗ lực tuyên truyền vận động người dân thực hiện các biện pháp khai thác gắn liền bảo vệ và phát triển thủy sản trong khi chờ văn bản pháp luật hướng dẫn xử lý.

Hữu Toàn
.
.
.