Đồng bằng sông Cửu Long:

Cần liên kết vùng trong phòng chống sạt lở bờ sông

Thứ Ba, 17/09/2019, 07:44
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục xảy ra sạt lở đất bờ sông.

Thời điểm sạt lở chủ yếu vào nửa đêm về sáng, đe dọa tính mạng và tài sản người dân. Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL đang diễn ra ngày càng phức tạp và có mức độ gia tăng về phạm vi. Toàn vùng có 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834km.

Người dân sống cạnh rạch Nha Mân (xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) vẫn còn nhớ vụ sạt lở cách nay chưa lâu. Khi đó đang ngon giấc thì nhiều người dân giật mình do có tiếng động lớn. 5 căn nhà liền kề của các hộ Nguyễn Thị Thảo, Lữ Tú Hạnh, Nguyễn Thành Nam, Đỗ Thị Tư và Lục Bá Ngưu đã đổ sụp xuống sông. Nhiều người dân nháo nhào bật dậy, thoát ra khỏi nhà. Đoạn sạt lở dài khoảng 30m, ăn sâu vào bờ 5m diễn ra rất nhanh. Đất sụp xuống từng mảng, tuyến đường bêtông phục vụ nhu cầu đi lại hơn 40 hộ dân cũng lún xuống nước. 

“Mỗi tối nghe tiếng động là sợ. Đồ vật, tài sản quan trọng trong nhà đều phải mang gửi chỗ khác”, bà Lê Thị Huỳnh Hoa, hộ dân ngụ ấp Tân Thuận – sống gần khu sạt lở nói. Đồng Tháp có hơn 6.000 hộ đang sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở. Lãnh đạo tỉnh đã đề xuất Bộ NN-PTNT, Chính phủ hỗ trợ kinh phí xây dựng 12 cụm, tuyến dân cư trên địa bàn 7 huyện, thị xã và thành phố, bố trí ổn định 2.440 hộ dân đến nơi an toàn.

Nhà dân bên rạch Nha Mân, Đồng Tháp sụp xuống nước, giao thông bị chia cắt.

Tại An Giang xảy ra 17 điểm sụt lún, sạt lở đất bờ sông với chiều dài 1.294m, 78 căn nhà phải di dời khẩn cấp. Sạt lở còn xảy ra trên các kênh, rạch nối với sông chính. Bà Phạm Thị Bỉ ngụ xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), hộ dân có nhà bị ảnh hưởng khi quốc lộ 91 xuống sông Hậu vào đầu tháng 8 cũng phải chuyển đến nơi ở mới. “Lúc đó là nửa đêm, cả xóm phải thức dậy vì sạt lở”, bà Bỉ nói. 

Trận lở đất kinh hoàng chia cắt quốc lộ 91, gây ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân. Đợt thị sát vào cuối tháng 8, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã chia sẻ khó khăn với người dân bị ảnh hưởng, chịu thiệt hại bởi sạt lở. Phó Thủ tướng đánh giá, sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL đang diễn ra ngày càng phức tạp và có mức độ gia tăng về phạm vi. Toàn vùng có 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834km.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, sạt lở dọc theo các bờ sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, sông Bình Di ngày càng nghiêm trọng. Tỉnh An Giang đã đề xuất với Chính phủ hỗ trợ xây dựng 7 khu dân cư, di dời các hộ dân đang trong vùng nguy hiểm. 

Sạt lở chia cắt quốc lộ 91 ở xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.

Theo các chuyên gia, hiện tượng sạt lở trên diện rộng do sự mất cân bằng trên toàn hệ thống. Trong bối cảnh thiếu hụt cát và phù sa, vấn đề sạt lở là khuynh hướng tất yếu và sẽ còn gia tăng. Cát là yếu tố quan trọng thiết kế địa hình đáy sông, điều tiết dòng chảy, vận tốc và độ xoáy dòng chảy. Lớp cát dưới đáy sông như phần xương sống cơ thể, nếu không có lớp cát này hai bên bờ sông sẽ lở khủng khiếp.

ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL phân tích, nguyên nhân chính sạt lở ở ĐBSCL là sự mất cân bằng trên toàn hệ thống sông Mê Kông, tức là sự thiếu cát và phù sa. Tại mỗi điểm sạt lở có thêm đặc điểm riêng, dễ bị tổn thương. Điểm sạt lở quốc lộ 91 vừa qua, đoạn sông có chiều ngang hẹp hơn đoạn phía trên, do đó để cân bằng năng lượng dòng chảy buộc phải chảy nhanh hơn hoặc đào sâu đáy sông hay “ăn” vào bờ. 

Sạt lở bờ sông thường xảy ra vào đầu mùa lũ vì dòng chảy bắt đầu mạnh. Về lâu về dài cần cân nhắc giải bài toán so sánh và đánh đổi. Đánh đổi giữa lợi nhuận khai thác cát và tổn thất do sạt lở cùng với chi phí ứng phó. Đánh đổi giữa bờ này và bờ kia, bên nào cần bảo vệ hơn và so sánh chi phí giữa phương án bảo vệ và phương án rút lui, tái định cư, làm đường tránh.

“Trên bình diện cả đồng bằng, có rất ít giải pháp nội tại ngăn chặn được khuynh hướng sạt lở, dù công trình hay phi công trình, vì không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ là thiếu hụt phù sa và cát. Trước mắt cần làm, chỉ xây dựng công trình bảo vệ những nơi xung yếu như thành phố, nơi tập trung dân cư. Những vùng ven sông ở nông thôn, thưa dân cư cần chủ động di dời khỏi những nơi có nguy cơ cao. Quản lý, quy hoạch khai thác cát theo tinh thần liên kết vùng, liên tỉnh, vì khai thác cát ở một nơi sẽ ảnh hưởng toàn bộ dòng sông phía dưới và bờ biển”, ThS Nguyễn Hữu Thiện nói.

Như Anh
.
.
.