Cai nghiện thuốc lá không nhờ vào “phép lạ”

Thứ Ba, 21/11/2017, 08:49
Ai cũng biết sử dụng thuốc lá có hại cho sức khỏe và hầu như ai cũng muốn cai nghiện thuốc lá. Thế nhưng, số người cai nghiện thành công vẫn còn chưa nhiều.


Người nghiện thường đưa ra đủ các lý do để bao biện cho việc phải phụ thuộc vào thuốc lá như: công việc căng thẳng, hút thuốc để minh mẫn… Trong khi đó, công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá là lĩnh vực mới, còn nhiều khó khăn, tỷ lệ tái nghiện cao. Nhưng, đã có người cai nghiện thuốc lá thành công chỉ dựa vào chính nghị lực của mình.

Không có lý do để bao biện

Anh Nguyễn Văn Hiểu ở huyện Đông Anh, Hà Nội nghiện thuốc lá hơn 20 năm nay. So với thời điểm mới hút thuốc, số lượng điếu thuốc sử dụng cứ tăng lên dần. 

Có thời điểm, trung bình 1 ngày anh hút hết hơn 1 bao thuốc. Sáng ngủ dậy phải hút một điếu thuốc lá, chuẩn bị đi làm cũng hút, đến cơ quan uống trà lại hút… Thậm chí, trước lúc lên giường đi ngủ cũng hút thuốc. Có khi, đang nghe dở cuộc điện thoại, anh phải dừng lại châm điếu thuốc rồi nói chuyện điện thoại tiếp. 

Hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra hàng ngày.

Dù được người nhà nhắc nhở, động viên nhưng anh Hiểu cho rằng mình khó bỏ thuốc được nên khá thờ ơ với những lời cảnh báo. Chỉ đến khi đi khám bệnh, kết quả xét nghiệm cho thấy nguy cơ mắc bệnh phổi, anh mới lên kế hoạch quyết tâm cai nghiện. Anh áp dụng kế hoạch giảm dần số lần hút trong ngày, dùng thức ăn vặt thay thế cho số lần hút thuốc, tránh xa môi trường có khói thuốc lá… 

Thời gian đầu cai thuốc, anh cảm thấy người bứt rứt, lúc nào cũng thấy thiếu thứ gì đó. Anh cố gắng chịu đựng, khi thèm thuốc, anh dùng trái cây thay thế. Sau một tháng, anh Hiểu đã dứt cơn thèm thuốc. Thời gian tiếp theo anh không cần phải tránh môi trường có thuốc lá nhưng vẫn chịu được. 

Anh Hiểu tâm sự: “Trước đây tôi nghĩ mình không thể bỏ thuốc, nhưng giờ thì tôi thấy rằng, chẳng có lý do gì để bao biện cho việc nghiện thuốc. Điều quan trọng nhất là sự quyết tâm của người cai nghiện”.

Theo các chuyên gia, người nghiện thuốc lá tìm đến thuốc để tìm cảm giác sảng khoái, hưng phấn, thậm chí họ còn mang tâm lý hút thuốc để tăng khả năng tập trung chú ý. 

Với họ, hút thuốc lá như một phản xạ có điều kiện chứ không phải là do nhu cầu cơ thể thực sự thiếu nicotine. Thói quen hút thuốc lá xuất hiện trong các tình huống cụ thể, lặp đi lặp lại theo đúng thứ tự trong thời gian dài. Điển hình như: hút thuốc sau khi ăn xong, hút thuốc sau khi uống cà phê… 

Khi hút thuốc lá đã trở thành nhu cầu cần thiết, không thể thiếu, không thể cưỡng lại được thì cơ thể người nghiện cần nicotine để hoạt động bình thường. Thiếu nicotine sẽ xuất hiện các triệu chứng của hội chứng cai thuốc như: Thèm hút mãnh liệt, cảm giác kích thích, bứt rứt, căng thẳng, không tập trung được, buồn bã, lo lắng, thèm ăn, rối loạn giấc ngủ. Các triệu chứng này sẽ hết khi hút thuốc trở lại.

Thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều căn bệnh ung thư như ung thư phổi, ung thư vòm họng... Bệnh viện K Trung ương cảnh báo, cuộc chiến phòng chống ung thư chưa bao giờ "nóng" như hiện nay. Sau mỗi một cá nhân mang trong mình căn bệnh ấy là nỗi đau của cả gia đình và cộng đồng. 

Bệnh viện K khuyến cáo người dân nên đi khám, kiểm tra tầm soát ung thư sớm để có thể phòng ngừa hay chữa trị kịp thời giảm tải gánh nặng hậu quả ung thư sẽ mang lại. 

Một trong những biện pháp phòng ngừa bệnh ung thư theo khuyến cáo của Bệnh viện K Trung ương là: “Không hút thuốc lá, uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích”.

Tránh xa môi trường có khói thuốc

Một trong những yếu tố giúp cai nghiện thành công là tránh xa môi trường có khói thuốc. Bởi, môi trường xung quanh hút thuốc lá như gia đình, công sở là rào cản cho thành công cai thuốc lá. Người cai thuốc lá nên tạo ra xung quanh mình môi trường không hút thuốc lá, đồng thời thông báo cho người thân và bạn bè biết mình đang cai thuốc lá để hỗ trợ bằng cách không hút thuốc lá trước mặt, không mời hút thuốc. 

Đối với người nghiện, hút thuốc lá được thực hiện như phản xạ có điều kiện. Bởi thế, để phá bỏ chuỗi phản xạ có điều kiện này cần phải cắt bỏ ít nhất một mắt xích. Ví dụ: bình thường sau khi ăn trưa sẽ ngồi lại uống trà, xỉa răng rồi hút thuốc lá. 

Vậy nên đối với người cai nghiện, sau khi ăn xong nên đi đánh răng ngay hoặc làm một việc đó khác với thói quen hằng ngày. Đối với người hay hút thuốc khi uống cà phê thì nên thay đổi khung giờ uống cà phê và uống với người khác.

Trong thời gian cai nghiện thuốc lá, người cai nghiện có thể bị mất ngủ hoặc tăng cân. Nhưng mất ngủ thường chỉ thoáng qua và biểu hiện dưới dạng là khó đi vào giấc ngủ. Để không tăng cân, người cai thuốc nên thực hiện chế độ ăn hợp lý. Cần chuẩn bị sẵn một chút thức ăn vặt như trái cây, sữa chua đề phòng lúc hạ đường huyết. Tránh dùng kẹo, bánh ngọt làm thức ăn vặt vì sẽ dẫn đến tăng cân. 

Theo Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, không có phương pháp nào được gọi là “tuyệt vời” để cai nghiện thuốc lá. Không có loại thuốc nào có thể biến một người hôm qua còn hút cả gói thuốc lá thành người không hút thuốc lá chỉ sau một ngày. 

Thành công cai thuốc lá không phải nhờ vào “phép lạ” mà dựa vào nỗ lực của bản thân. Như vậy, điều kiện tiên quyết để cai nghiện thuốc lá thành công là quyết tâm cai thuốc lá của bản thân người hút thuốc.

Làm thế nào để cai thuốc lá:

- Có ý định cai thuốc

- Tìm lý do để cai thuốc

- Củng cố quyết tâm cai thuốc: Thông báo với các thành viên trong gia

đình, bạn bè, đồng nghiệp.

- Chọn ngày thích hợp để bỏ thuốc lá.

- Lên kế hoạch hoạt động để giảm bớt căng thẳng và thèm thuốc.

- Tìm đến các nhà tư vấn: gặp trực tiếp, nói chuyện qua điện thoại.

     Tổng  đài tư vấn hộ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí:

hotline: 1800-6606, website: cai thuocla.org.vn.

M.Phương
.
.
.