Họp khẩn đối phó với diễn biến bất thường của cơn bão số 2

Chủ Nhật, 16/07/2017, 12:27

Trước diễn biến bất thường của bão số 2, sáng 16-7, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT), Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với 15 tỉnh, thành dự kiến nằm trong vùng ảnh hưởng của bão nhằm bàn các giải pháp chủ động phòng chống trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, bão số 2 được hình thành từ một vùng áp thấp, cho đến ngày 15-7 thì mạnh lên thành bão. 

Ông Cường nhận định: “Dự báo mới nhất thì 4h sáng mai bão đã cập bờ, nhưng có thể đến sớm hơn lúc 1h hoặc muộn hơn lúc 7h ngày 17-7, với cường độ cấp 9. Cường độ bão hiện nay đã tăng lên, bão đang ở cấp 9. Vùng ảnh hưởng từ Hải Phòng đến Quảng Bình, còn tâm ảnh hưởng mạnh hơn là từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh. 

Dự kiến, với tốc độ di chuyển như hiện nay thì từ đêm nay đến rạng sáng mai thì bão sẽ áp sát vùng biển từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Sớm thì 1h, muộn thì 7h sáng mai bão sẽ cập bờ”. 

Với cấp gió mạnh như hiện nay, các chuyên gia cảnh báo, từ ngày 16 đến hết ngày 18-7 sẽ là trọng điểm mưa lớn, lượng mưa khoảng 250-300mm. 

Cụ thể, các tỉnh Thanh Hoá - Nghệ An sẽ có mưa to đến rất to với lượng 250-350mm; các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Hà Tĩnh 150-250mm; các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Điện Biên phổ biến 100-200mm; các khu vực khác của Bắc Bộ và các tỉnh từ Quảng Bình-Thừa Thiên Huế 50-150mm. Ngập úng tại các khu đô thị, các thành phố lớn có nguy cơ xuất hiện như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An), Hà Tĩnh.

Sau khi bão đổ bộ sẽ hình hành gió đông nam gây mưa dài ngày cho khu vực Đông Bắc Bộ. Các tỉnh Hoà Bình, Sơn La sẽ có mưa lớn khi áp thấp đi qua.

Sau bão đổ bộ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sẽ gây lượng mưa lớn tại khu vực Hoà Bình và phía Nam Sơn La. “Nguy hiểm nhất trong đợt này chính là nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực. Trước đây khu vực miền núi phía Bắc đã có mưa, vì vậy rất dễ gây ra sạt lở”, ông Cường lưu ý. Dù trọng tâm vào 3 tỉnh Bắc Miền Trung, song vùng có gió mạnh trên cấp 6 mở rộng khắp từ Hải Phòng - Quảng Bình.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng chỉ đạo tại cuộc họp

Tại cuộc họp, Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh Văn phòng Uỷ Ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho rằng đây là cơn bão đầu tiên đổ bộ vào nước ta, dù bão không lớn song có thể có gió giật, lốc xoáy, trong khi công trình dang dở nhiều. 

“Bài học từ cơn bão số 1 năm ngoái vẫn còn nguyên nên không được chủ quan. Với những nhà cấp 4 thì cường độ bão này cũng đáng lo. Để sẵn sàng ứng phó với bão số 2, lực lượng quân đội và dân quân tự vệ đã sẵn sàng 3.000 người cùng 3.000 phương tiện.”, Thiếu tướng Nghĩa nhận định. 

Theo báo cáo của 3 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, hiện còn hơn 700 tàu, thuyền của ngư dân vẫn chưa vào nơi trú tránh an toàn. Đầu cầu Thanh Hoá, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa lo ngại, mưa lớn sau bão khi tỉnh này có tới 121 hồ không an toàn. Hiện tỉnh đã chỉ đạo 18 hồ không tích nước, 103 hồ tích nước hạn chế. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đang có 350 hồ có trữ lượng nước lớn nhất trong 10 năm trở lại đây. Nếu mưa 200-300mm rất đáng lo ngại.

Bão số 2 dự kiến sẽ gây mưa lớn tại nhiều tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ

Chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng đề nghị các địa phương sẵn sàng các phương tiện cứu hộ để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. 

Đến thời điểm này, các tỉnh thành ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà đã phối hợp với các địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 65.755 phường tiện với 263.503 người và đưa 2.938 lồng bè chòi vào vùng tránh hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm. 

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ, hoàn thành trước 17g ngày 16+7, chủ động cấm biển. Các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh quyết liệt sơ tán dân tại các lồng nuôi thuỷ sản, sơ tán dân tại các khu vực xung yếu trước17g ngày 16-7. 

Các địa phương hạ lưu cần chủ động tiêu thoát nước đệm, đặc biệt vùng đồng bằng sông Hồng; sẵn sàng phương án an toàn hồ đập, tăng cường cán bộ ứng phó kịp thời để cảnh báo nhân dân.

NY
.
.
.