Hé lộ nguyên nhân khiến cá Hồ Tây chết hàng loạt?

Thứ Sáu, 07/10/2016, 09:18
Các cơ quan chức năng của Hà Nội vẫn đang phân tích mẫu nước, mẫu cá chết hàng loạt ở Hồ Tây để tìm nguyên nhân.

Trong khi đó, một số giải pháp để làm sạch nước Hồ Tây cũng đã được triển khai như sục ô xy, và có thể tính đến việc sử dụng chế phẩm Redoyx-3C để làm sạch nước hồ. 

Tuy vậy, xung quanh nguyên nhân cá chết ở Hồ Tây vẫn có nhiều ý kiến trái chiều, và người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cho biết, Công an đã vào cuộc điều tra, làm rõ.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá Hồ Tây chết hàng loạt, ông Phạm Văn Đông, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Khai thác Hồ Tây cho rằng,  nguyên nhân cá chết có thể liên quan tới thời tiết thay đổi thất thường vào hôm thứ 6, sau cơn mưa lớn trời lại nắng gắt.

Cũng theo lãnh đạo đơn vị này, hàng năm đều có xảy ra tình trạng cá ở Hồ Tây bị chết, nhưng chưa bao giờ ghi nhận lượng cá chết nhiều như vừa qua.

Ngay sau khi có ý kiến cho rằng, nguyên nhân gây tình trạng cá chết do thời tiết, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, thủy sản đã lên tiếng phản đối, cho rằng, không liên quan đến nguyên nhân thời tiết mà do sự ô nhiễm nước Hồ Tây đã vượt mức.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cho rằng, hoàn toàn loại bỏ nguyên nhân gây tình trạng cá chết hàng loạt do yếu tố thời tiết.

Theo ông Lê Thanh Hải, thời tiết từ đầu năm 2016 đến nay ở miền Bắc (trong đó có Hà Nội) đều có hình thái chung là ít nắng nóng, mưa nhiều liên tục, nhiệt độ trung bình đều ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.

Nếu mưa nhiều thì không thể nói nguồn nước bị ô nhiễm do mưa nhiều được. Cũng loại trừ cả nguyên nhân nắng nóng vì năm 2014-2015 nắng nóng kỷ lục nhưng cá Hồ Tây không chết.

Mương thoát nước Thụy Khuê ùn ứ bị nghi ngờ gây trào ngược nước thải vào Hồ Tây.

“Tất cả các tham số về thời tiết vẫn đang ổn định”, ông Lê Thanh Hải khẳng định. Theo đó, lãnh đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cho rằng, các nhà khoa học và cơ quan chức năng cần xem xét các yếu tố về môi trường chứ không có yếu tố về thời tiết.

Còn PGS. TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam thì bày tỏ, ông không ngạc nhiên về tình trạng này.

Bởi không chỉ riêng Hồ Tây mà các hồ trên địa bàn Hà Nội đều đã ô nhiễm hữu cơ một cách trầm trọng, nên việc này xảy ra chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Có đến 95- 96% hồ Hà Nội ô nhiễm hữu cơ dưới các mức độ khác nhau, thậm chí một số hồ không còn là hồ nữa như hồ Linh Quang, nước trong hồ đặc quánh.

Sáng 6-10, tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 6, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho hay, thành phố đang điều tra tìm nguyên nhân làm cá chết ở Hồ Tây. Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cho rằng, để xảy ra tình trạng này cho thấy việc quản lý chưa tốt.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Hồ Tây đã có dự án thu gom, xử lý nước thải từ nhiều năm nay, có 2 nhà máy xử lý nước thải nhưng bây giờ vẫn còn hiện trạng các hộ sản xuất, kinh doanh xả nước thải ra hồ. Đây là vấn đề mà UBND quận Tây Hồ và TP cần kiên quyết xử lý.

Ngoài ra, thành phố Hà Nội đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo môi trường ở Thủ đô, như tiếp tục cải tạo nước ở 17 hồ; đầu tư trạm xử lý nước thải ở thượng lưu sông Tô Lịch...

Trước hết về mặt quản lý nhà nước, chính quyền thành phố, các quận huyện và đặc biệt là quận Tây Hồ phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ, quản lý và sử dụng.

Theo PGS Trương Mạnh Tiến để làm được việc này cần phải có sự phân công rạch ròi cho các đơn vị quản lý hồ để đảm bảo việc các hồ “có chủ” chịu trách nhiệm, chứ không phải như bấy lâu nay “cha chung không ai khóc”.

Đồng thời dùng các biện pháp khoa học công nghệ, có những chế phẩm như Hà Nội đang thử nghiệm để khắc phục tình trạng này. Kể cả việc nạo vét, xử lý bùn đáy chứ không đơn thuần xử lý nước.

Ngoài ra, PGS Trương Mạnh Tiến cũng lưu ý, cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng. “Các hộ gia đình, các hộ sản xuất nhỏ lẻ đừng xả thải ra ao hồ nữa. Thời gian vừa qua nước Hồ Tây có lúc chuyển màu đục như nước phù sa. Mùi cực kỳ thối, bà con ở xung quanh đó phản ánh thối vô cùng. Rồi không khí ở đó bị ảnh hưởng, chính bà con ở xung quanh đấy chịu ảnh hưởng đầu tiên. Do đó, không ai khác, họ chính là người nên có ý thức bảo vệ môi trường ao hồ đầu tiên”.
Ngọc Yến
.
.
.