Bước qua lầm lỗi làm “cầu nối” cho nhiều người tù hoàn lương

Thứ Ba, 02/12/2014, 10:36
Tại hội nghị biểu dương người chấp hành xong án phạt tù tiến bộ tiêu biểu của Công an tỉnh Quảng Nam năm 2014, Trần Duy Nhất (46 tuổi, trú thôn 1, xã Quế Bình, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam) là một trong số gương hoàn lương điển hình; bởi ngoài những nỗ lực cho bản thân, anh còn là chiếc cầu nối để những người chấp hành xong án phạt tù khác làm lại cuộc đời…

Chuyện xảy ra kể từ khi Nhất cùng một số thanh niên trong làng, vì tìm kế mưu sinh, đã “đầu quân” làm phu vàng tại bãi Nước Nác (Trà Bui, Bắc Trà My, Quảng Nam). Đó là vào năm 1997, bãi vàng Nước Nác lúc này có hàng chục nhóm đào đãi vàng ở khắp nơi đổ về. Lợi dụng tình hình mất ANTT tại đây, nhiều đối tượng đã đứng ra thành lập băng nhóm trấn lột tài sản của các lán trại đào đãi vàng. Trong đó, khét tiếng nhất là băng nhóm do đối tượng Đỗ Duy Lệ cầm đầu, chuyên dùng hung khí như, dao, mã tấu, kiếm để uy hiếp, cướp bóc và sẵn sàng chém, giết nếu ai chống cự lại chúng. Do bị ức hiếp trong thời gian dài, các nhóm phu vàng rủ nhau hợp sức lại để tấn công băng nhóm của Đỗ Duy Lệ. Mặc dù lán trại của mình không bị cướp, nhưng bất bình trước hành vi hung hăng, hống hách của Lệ, Nhất cũng tham gia vụ trả đũa. Khoảng 3h sáng 4/10/1997, Nhất cùng hàng chục phu vàng đồng loạt tấn công Lệ và đồng bọn; dẫn đến hậu quả 1 người chết, hàng chục người bị thương. Sau đó Nhất bị cơ quan điều tra bắt tạm giam và bị TAND tỉnh xử phạt 5 năm tù…

Vườn ươm cây giống của anh Nhất.

“Bước chân vào trại giam, tui rơi vào tâm trạng chán nản, tuyệt vọng. Với mức án 5 năm tù dài đằng đẵng, tui sẽ ra sao; rồi sau này ra tù tui làm gì để sống, mọi người xung quanh có tin vào một người đã từng vào tù như tui không… Nhưng, cũng trong lúc ấy, tui nghe văng vẳng tiếng khóc của đứa con trai đầu lòng chưa tròn 4 tháng tuổi. Tiếng khóc của con trẻ và hình ảnh người vợ tảo tần dằn vặt lương tâm tui, khiến tui nhận ra một điều, mình phải vượt qua tâm lý mặc cảm để làm lại cuộc đời, cùng vợ nuôi dạy con cái và xây dựng mái ấm hạnh phúc. Được sự động viên của cán bộ quản giáo và gia đình, tui đã trở thành một phạm nhân tích cực trong các hoạt động của trại và được giảm án, ra tù trước thời hạn…”, nhớ lại quá khứ lầm lỗi, Nhất tâm sự.

Anh Nhất kể tiếp rằng, lúc mới ra tù trở về nhà, anh bàn với vợ cách làm kinh tế để ổn định cuộc sống. Thấy vị trí nhà ở thuận lợi, vợ chồng anh mở tiệm bán tạp hóa và vật tư nông nghiệp. Nguồn thu từ việc mua bán cũng đủ để họ trang trải cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, anh vẫn chưa bằng lòng và không muốn dừng lại ở đây. Anh bàn với vợ, tiệm tạp hóa một mình chị gánh vác, còn anh đầu tư vào việc trồng trọt. Được Nhà nước giao 4ha đất, ban đầu anh trồng 30 gốc tiêu. Năm đó, anh đầu tư hơn 20 triệu. Nhưng may mắn không mỉm cười với anh. Do thiếu kỹ thuật, lại mua phải giống nhiễm bệnh nên tiêu bị chết sạch, tiền đầu tư coi như mất trắng. Song, anh vẫn không nản chí. Sau khi nghiên cứu tình hình, anh quyết định trồng xoan và keo nguyên liệu giấy. Năm 2002, anh xin Nhà nước giao thêm 30ha đất rừng ở Phước Hiệp (Phước Sơn, Quảng Nam) để trồng keo. Năm 2005, khai thác rừng keo, anh thu được 170 triệu đồng. Số tiền này anh mua vật liệu xây nhà, còn một ít tái đầu tư trồng lại rừng. Sau nhiều năm vất vả, cuối cùng những cánh rừng đã đem lại cuộc sống khấm khá cho gia đình anh.

Có vốn, anh lại tiếp tục đầu tư trồng rừng trở lại… Năm 2011, hưởng ứng chủ trương của huyện, anh mạnh dạn đầu tư trồng 15ha cao su. Anh là một trong những người đi tiên phong trồng loại cây cho giá trị kinh tế cao này tại vùng núi Hiệp Đức. Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi, đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật nên rừng cao su của anh được đánh giá “đẹp nhất vùng”. Để chủ động cây giống trồng rừng, anh đầu tư 1.500m² vườn ươm cây keo và sau đó là cây cao su và được những chủ rừng xung quanh ưa chuộng, đặt mua. Hiện tại tổng thu nhập hằng năm của gia đình anh hơn 200 triệu đồng…

Không chỉ lo kinh tế gia đình, anh Nhất còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động phổ thông. Trong đó, có 6 người chăm sóc và bảo vệ rừng với mức lương mỗi tháng từ 4-5 triệu đồng; 4 người ươm cây giống, với tiền công mỗi ngày 120 ngàn đồng. Ngoài lương lao động, anh còn thưởng thêm cho các công nhân vào dịp lễ, Tết để động viên tinh thần họ… Ông Trần Ngọc Côi, Trưởng Công an xã Quế Bình cho biết, anh Nhất bây giờ là công dân tiêu biểu của địa phương. Anh luôn chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống chan hòa với mọi người. Với những người chấp hành xong án phạt tù, anh Nhất đặc biệt quan tâm, gần gũi và chia sẻ cách làm ăn để họ hoàn lương, tiến bộ, có công ăn việc làm ổn định. Trong số đó, nhiều người cũng trở thành chủ trang trại rừng có cuộc sống khấm khá.

Phước Hiệp
.
.
.