Bộ Y tế chọn “quy định việc hiến máu là tự nguyện”

Thứ Tư, 11/01/2017, 11:37
Thông tin trong dự thảo Luật về máu và tế bào gốc, Bộ Y tế đề xuất 2 giải pháp về hiến máu đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Dự thảo Luật đưa ra 2 giải pháp: Giải pháp 1 quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần, có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu.


Giải pháp 2 quy định việc hiến máu là tự nguyện, kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu. Dư luận bày tỏ sự lo ngại giải pháp 1 sẽ trở thành hiện thực nên nhiều ý kiến phản đối.

Trước phản ứng của người dân, ngày 9-1, Bộ Y tế đã công bố dự thảo Luật về máu và tế bào gốc được trình Quốc hội xem xét và phê duyệt, đồng thời chính thức lên tiếng về việc hiến máu có là nghĩa vụ bắt buộc hay không.

TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết, sau khi ban hành dự thảo Luật về máu và tế bào gốc, Bộ Y tế đã lắng nghe ý kiến của người dân. “Quy định bắt buộc hiến máu” là một trong những giải pháp trong báo cáo đánh giá tác động chính sách đối với dự án Luật về máu và tế bào gốc.

Tuy nhiên, sau khi đánh giá, nghiên cứu xã hội học trên 1.600 người dân tại 8 tỉnh đại diện cho 8 vùng trong cùng thời gian thì chỉ có 30,25% đồng ý; có 837 người không đồng ý với giải pháp này, chiếm tỷ lệ 69,75%.

Bộ Y tế nhận thấy quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần là không phù hợp, nên chỉ đưa nội dung “quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu”.

Bộ Y tế giải thích thêm: Ở các nước đang phát triển, nhu cầu máu dựa trên số dân của mỗi nước, cần khoảng 2% dân số hiến máu mỗi năm. Như vậy mỗi năm, Việt Nam cần khoảng 1, 8 triệu đơn vị máu.

Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2016, cả nước tiếp nhận khoảng 1,2 triệu đơn vị máu, tức là đáp ứng 66% nhu cầu về máu và tỷ lệ hiến máu đạt 1,4% số dân hiến máu.

Hiện nay, việc hiến máu tại Việt Nam được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, nên để bảo đảm đủ máu cho công tác điều trị cũng như bảo đảm an toàn truyền máu thì cần có chính sách của Nhà nước. Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Luật về máu và tế bào gốc nhằm khắc phục tình trạng thiếu máu tại các cơ sở y tế.

Trong báo cáo đánh giá tác động, khi tiến hành khảo sát đánh giá, có 2 giải pháp để xin ý kiến như đã nói ở trên. Kết quả khảo sát, đánh giá tác động cho thấy, cả hai giải pháp đều không có tác động đến tăng chi cho Nhà nước mà chỉ tăng chi cho Quỹ BHYT với mức tăng chi bình quân khoảng 500 tỷ đồng/năm.

Bộ Y tế đã quyết định chọn giải pháp 2 “Quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu” đưa vào Dự thảo Luật về máu và tế bào gốc, để vừa phù hợp với thực tiễn, phù hợp với pháp luật quốc tế cũng như không gây tốn kém cho Nhà nước và xã hội. Còn nội dung “bắt buộc công dân hiến máu 1 lần/năm” chỉ là bàn bạc trong quá trình xây dựng dự thảo Luật.

Thanh Hằng
.
.
.