‘Bí quyết’ của những bông cúc Đà Lạt rực rỡ

Thứ Sáu, 09/01/2015, 14:32
Người trồng cúc tại làng hoa Thái Phiên (Đà Lạt) không bao giờ cho loài hoa này được phép “ngủ”, ngay cả khi vừa trồng xuống đất.

Nơi tôi đứng là trụ sở UBND phường 12, TP Đà Lạt. Phóng tầm mắt ra xa chợt nhận thấy cánh đồng hoa Thái Phiên (nơi trồng cúc lớn nhất Đà Lạt) đã tồn tại cả nửa thế kỷ qua giữa miền đất lạnh này.

Chị Nguyễn Thu Hiền, một người trồng hoa tâm sự: “Nhà có bốn sào đất, tất cả đều đã trồng hoa cúc để bán vào dịp Tết. Giờ đã mệt nhưng chưa là gì đâu so với những ngày cắt hoa bán vào dịp Tết, những ngày đó phải đóng hoa làm đến một hai giờ sáng là chuyện thường, thậm chí phải chia nhau thức làm suốt đêm”.

Người dân làng hoa Thái Phiên chăm sóc hoa.

Mùa hoa Tết năm nay, Thái Phiên đã xuống giống được trên 100ha hoa cúc các loại. Để cúc đồng loạt cho thu hoạch vào dịp Tết, những người trồng cúc ở Thái Phiên phải hằng ngày chăm sóc, bón phân, phun thuốc, bấm ngọn, tỉa cành…. Điều tiết độ ấm, ánh sáng trong nhà kính. Cúc sẽ cho thu hoạch tập trung trong vòng một tuần vào ngày giáp Tết.

Trồng cúc cũng lắm kỳ công. Một lão nông đã có kinh nghiệm trồng cúc trên dưới 20 năm tại Thái Phiên nói với tôi rằng, từ khi hạ cúc xuống đất cho tới khi được thu hoạch, chưa một ngày nào lão vắng mặt trên vườn cúc. Phải chăm sóc, theo dõi hằng ngày để kịp thời “bắt bệnh” mà điều trị tận gốc.

Không như các loại rau, củ, quả khác ở Đà Lạt, muốn cúc cho ra hoa đều, đẹp, hoa nở được lâu buộc phải trồng trong nhà kính, nhà lưới, tưới bằng nước sạch cùng một chế độ chăm sóc đặc biệt. Người trồng cúc không bao giờ cho loài hoa này được phép “ngủ”, ngay cả khi vừa trồng xuống đất.

Thu hoạch hoa ở Thái Phiên.

Lúc bóng chiều rơi xuống, màn đêm bao phủ, những lớp sương mù bồng bềnh xuất hiện, “vương quốc cúc” lại sáng rực ánh điện. Ánh sáng điện sẽ làm cho nhiệt độ trong nhà lưới, nhà kính đủ độ ấm, kích thích cho cây phát triển, nhất là không cho cúc “ngủ”.

Loại hoa này vốn “lười”, một khi được “ngủ” là nhất quyết không chịu lớn, cây sẽ lùn tẹt, bông nhỏ, làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng hoa. Kỳ công chăm sóc là vậy, nhưng cũng có lần người trồng cúc ở Thái Phiên phải trắng tay, đó là những lần cúc rớt giá.

Còn nhớ hồi đầu năm nay, Thái Phiên trúng lớn mùa hoa cúc nhưng giá lại rớt thê thảm, bán không ai mua, cho không ai lấy, khi ấy hàng chục héc ta cúc đẹp như trong tranh buộc phải nhổ bỏ, chất thành từng đống để đốt. Vậy là bao nhiêu công sức, tiền bạc của nhà vườn theo những cánh đồng hoa cúc bạt ngàn tiêu tan thành tro bụi.

Sau nửa thế kỷ gây dựng, từ một khu đất hoang vu với các loại cây bụi rậm rạp đến nay Thái Phiên đã trở thành một vùng đất trù phú, một làng hoa công nghiệp nổi tiếng cả nước với trên 300 héc ta hoa cúc các loại.

Vườn ươm giống hoa Tết ở Thái Phiên.

Thái Phiên đã có trên 1.100 hộ trồng cúc, sản lượng hằng năm chiếm trên 90% hoa cúc của thành phố Đà Lạt. Ngày nay, người Thái Phiên vẫn thường tự hào về điều đó vì khi nhắc tới hoa cúc là mọi người nghĩ tới Đà Lạt, và, khi tới Đà Lạt muốn ngắm nhìn hoa cúc thì phải tới vùng đất Thái Phiên.

Diện tích hoa trồng trong nhà kính tăng lên nhanh chóng từ 30 héc ta năm 1998 trở về trước đến nay diện tích này đã tăng lên 250 héc ta, sản lượng hoa tương ứng cũng từ 30 triệu cành/năm nay đã lên trên 300 triệu cành/năm. doanh thu mỗi héc ta hoa của vùng đất này đã lên trên 540 triệu đồng/năm, trừ mọi chi phí người trồng hoa còn lãi khoảng 200 triệu đồng/năm.

Làng hoa Thái Phiên cũng đã quy tụ được trên 40 loài hoa cúc các loại có xuất xứ từ nhiều nước trên thế giới tạo ra sự đa dạng về màu sắc, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Nhờ áp dụng những tiến bộ mới trong công tác trồng và chăm sóc hoa mà năng suất và chất lương hoa của Thái Phiên ngày càng tăng cao.

Kim Ngân
.
.
.