Bi kịch sau giấc mơ xuất khẩu lao động

Thứ Bảy, 10/10/2015, 13:51
Thẩm phán Vương Đình Phan, cán bộ Tòa án nhân dân huyện Nam Sách (Hải Dương) cho biết: Trong số các vụ xét xử ly hôn được thực hiện trong thời gian gần đây thì có tới 30% liên quan đến việc vợ hoặc chồng ra nước ngoài lao động.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Hải Dương thì tính đến thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 11 nghìn người đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Trong đó, thị trường Đài Loan chiếm 60%, còn lại là các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Trung Đông… Như một tỷ lệ thuận, ở những xã có đông người đi lao động, tình trạng gia đình ly tán sau khi vợ hoặc chồng đi xuất khẩu lao động cũng gia tăng. 

Thẩm phán Vương Đình Phan, cán bộ Tòa án nhân dân huyện Nam Sách (Hải Dương) cho biết: Trong số các vụ xét xử ly hôn được thực hiện trong thời gian gần đây thì có tới 30% liên quan đến việc vợ hoặc chồng ra nước ngoài lao động. Lý do Thẩm phán Vương Đình Phan đưa ra là xuất phát từ cả hai phía. Có trường hợp là do người chồng ở nhà không chí thú làm ăn, không chỉ cờ bạc còn dính vào các tệ nạn xã hội khác…

Sau bi kịch của những cặp vợ chồng, hệ lụy từ việc xuất khẩu lao động là những đứa trẻ côi cút, có cha thì không có mẹ hoặc ngược lại… Con trai mất, con dâu phải vào vòng lao lý, những ngày này, bà cụ 87 tuổi, bất đắc dĩ trở thành cha và mẹ của hai đứa cháu nội đang tuổi ăn, tuổi lớn. 

Sau tai họa ập đến bất ngờ, cháu Đ. (16 tuổi), con trai út của chị Đỗ Thị Đượm – người phụ nữ gây ra vụ giết chồng gây xôn xao dư luận huyện Ninh Giang (Hải Dương) -  vốn dĩ là đứa trẻ hiền lành, ham học trở nên lầm lỳ, ít nói. Đ. mặc cảm với bản thân, chẳng thiết gì học hành. Khi chúng tôi đến đã quá trưa nhưng Đ. chưa về, chỉ có bà cụ đang ngồi bên mâm cơm chờ đứa cháu nội. 

Thấy chúng tôi, bà rơm rớm nước mắt: "Cứ tưởng cái Đượm đi nước ngoài về, vợ chồng sau bao gian khó được đoàn viên, chẳng ngờ... Khi cậu con trai thứ hai là Đ. chào đời, chị Đượm và chồng bàn nhau để chị sang Đài Loan kiếm sống. Ở nơi đất khách quê người, thương chồng vừa phải làm cha, vừa phải làm mẹ, có đồng nào là chị Đượm gom góp gửi về cho chồng. Nhưng rồi, chị nghe thông tin, anh đưa một người đàn bà trẻ, đẹp về nhà sinh sống… 

Năm 2012, sau 9 năm làm việc ở nước ngoài, chị Đượm về nước. Những bất đồng giữa hai vợ chồng xảy ra thường xuyên hơn khi anh Luân muốn vợ ở nhà, làm tròn thiên chức của một người vợ, người mẹ, còn chị Đượm thì lại chỉ muốn ra nước ngoài. Anh nghi ngờ chị có con riêng ở nước ngoài nên thường xuyên nói bóng, nói gió vợ. 

Như ngọn lửa âm ỷ, mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm vào trưa 14/2/2014. Hôm đó, chị Đượm mổ vịt để chờ đón cậu con trai lớn từ Hà Nội về thăm nhà. Trong lúc đang mổ vịt thì giữa hai vợ chồng xảy ra xô xát. Nhát dao oan nghiệt của chị Đượm trong lúc bị chồng bóp cổ, đã cướp đi sinh mạng của người chồng.

Anh Nam kể lại sự việc.

Xuất khẩu lao động là cơ hội nhưng đồng thời cũng chứa nhiều tiềm ẩn rủi ro… Không chỉ bỏ mạng nơi xứ người, một số trường hợp còn trở thành tàn phế suốt đời như trường hợp của anh Nguyễn Văn Nam (25 tuổi, trú tại xã Nam Trung, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Hai năm kể từ khi bị tai nạn lao động, mọi sinh hoạt của anh Nam đều chỉ trên chiếc giường đặt ở góc nhà. 

Gặp chúng tôi, anh Nam rơm rớm nước mắt: Mong muốn đổi đời, 5 năm trước, anh cùng gia đình vay mượn hơn 150 triệu đồng làm kinh phí sang Đài Loan làm công nhân mạ. Anh Nam làm việc được gần 1 năm thì bỏ công ty ra bên ngoài kiếm tiền. 

Anh Nam tâm sự: “Gần 1 năm lao động bất hợp pháp, tôi đã làm đủ mọi nghề, từ phụ hồ, cửu vạn, phục vụ hàng ăn, thợ điện nước... thu nhập cao hơn nhưng ăn không ngon, ngủ không yên vì nơm nớp lo sợ bị  bắt giữ”. 

Thời gian đó, mỗi nơi anh Nam chỉ làm vài ngày rồi bỏ đi tìm việc khác vì sợ bị Công an nước sở tại phát hiện, bắt giữ. Tai họa ập đến vào năm 2013, hôm đó, anh Nam đang khoan đường làm ống nước thì một bức tường bất ngờ sập xuống... anh bị liệt người. Câu chuyện giữa chúng tôi và anh thi thoảng lại bị ngắt quãng bởi những cơn đau bất chợt ập đến… 

Anh Nam cho biết, hằng ngày anh phải dùng đến thuốc giảm đau. Song có những lúc, thuốc chẳng còn tác dụng. Những lúc ấy, anh chỉ biết cắn răng chịu đựng vì không muốn bố mẹ buồn. Để chữa trị cho anh, bố mẹ đã vay mượn số tiền lên tới hơn 300 triệu đồng...

Không ít làng quê của tỉnh Hải Dương đã lột xác nhờ hoạt động xuất khẩu lao động…Và cũng không ít người nhờ đồng vốn sau khi đi lao động xuất khẩu trở về nước đã phát triển kinh tế. Song bên cạnh đó cũng có nhiều hệ lụy đau lòng. 

Hiện nay, mạng xã hội là cách tiếp cận nhanh nhất mà người lao động có thể thông qua đó để tìm hiểu về thị trường xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, mặt trái của việc tiếp cận thông tin qua mạng xã hội là thiếu thông tin chính xác, người lao động nhẹ dạ, cả tin, lại có tâm lý nôn nóng muốn được đi ngay nên dễ bị các đối tượng cò mồi dụ dỗ, lợi dụng để lừa đảo bằng những lời hứa hẹn đưa đi làm việc ở những thị trường có thu nhập cao, lại không đòi hỏi cao về tay nghề, trình độ ngoại ngữ. 

Để hạn chế tình trạng trên, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương đã thực hiện việc tuyên truyền, hỗ trợ người lao động. Phần lớn các doanh nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tổ chức tuyên truyền, tư vấn, tuyển chọn và đào tạo lao động theo đúng những thị trường mà doanh nghiệp được phép tuyển chọn. 

Gần đây, vào ngày 24/5, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương đã đến Bến xe nước ngầm (Hà Nội) đón 35 người lao động của tỉnh Hải Dương bị lừa sang Thái Lan làm việc. 

Sau khi đón các lao động về tỉnh Hải Dương, tổ chức các cuộc làm việc với một số người lao động; chuyển đơn và hồ sơ vụ việc đến Công an tỉnh Hải Dương để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Để bảo vệ quyền lợi của mình, người lao động cần tìm hiểu kỹ các thông tin về doanh nghiệp dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Xuân Mai
.
.
.