Bé trai 3 tuổi đột tử bất thường với chấn thương đầu và nhiều vết bầm tay, chân

Thứ Ba, 19/01/2021, 17:16
Theo BSCKI Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh, khi tiếp nhận bệnh nhi Phạm T.T (SN 2017, ngụ tại phường Phú Thạnh, Tân Phú) vào lúc 1h30 sáng với tình trạng hôn mê sâu, phải bóp bóng, chi mát, trụy tim mạch....



“Khi đó, đồng tử giãn, phản xạ ánh sáng yếu, ghi nhận trong nội khí quản có sùi bọt hồng. Chẩn đoán sơ bộ, bệnh nhi này đã ngưng tim, ngưng thở trên bệnh nhi theo dõi xuất huyết phổi. Tại khoa Cấp cứu, bệnh nhi được hỗ trợ hút đờm, nhớt, truyền thuốc vận mạch để duy trì nhịp đập của tim cũng như nâng huyết áp cho bệnh nhi. Do bệnh nhân co giật nên các bác sĩ đã chỉ định thêm an thần và kháng sinh”, BS Phương cho biết. 

Sau khi tiến hành cấp cứu, các bác sĩ tại khoa đã tiến hành khai thác bệnh sử. Theo lời cha ruột bé, 8h tối hôm trước, sau khi ăn tối, bé đi ngủ, một lúc sau, người nhà nhận thấy bé thở khó, co giật toàn thân và tím tái. Người nhà đưa bé đến Bệnh viện quận Bình Tân tiến hành hồi sức cấp cứu hơn 15 phút đến khi bé có tim lại thì chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1. 

Qua kiểm tra lâm sàng, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhi có vết bầm dưới da ở tay, chân, cơ thể. Cha của bệnh nhi cho biết, nửa tháng trước đã từng thấy những vết bầm này và đưa bé đi khám tại một phòng khám tư, nhưng không rõ chẩn đoán và điều trị.  

“Đây là một hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt. Từ khi 3 tháng tuổi, người mẹ đã không ở chung với bé, cho đến nay bé được 3 tuổi và ở với cha. Thời gian gần đây do ông nội bị ốm nặng phải nằm bệnh viện và cần chăm sóc nên người cha đã gửi bé cho một người dì quen chăm sóc.”, BS Phương cho biết

Đứng trước một trường hợp như vậy, sau khi cấp cứu hồi sức, các bác sĩ đã tiến hành các xét nghiệm, trong đó có một xét nghiệm khiến BS Đinh Tấn Phương “bâng khuâng” đó là CTscan não.

Sau khi hội chẩn toàn viện, các BS xác định 2 nguyên nhân có khả năng dẫn đến cái chết cho bé là do chấn thương hoặc do bệnh lý. Các BS nghĩ nhiều hơn đến khả năng chấn thương bởi các biểu hiện rối loạn đông máu nặng không đi kèm với các dị tật khác. Ngoài ra, tay, chân của bé có nhiều vết bầm đáng nghi.

Do thấy trường hợp này có nhiều điểm bất thường nên các BS đã phối hợp với Công an địa phương nơi bé sinh sống và cơ quan pháp y để làm việc.  

BS Phương cho biết, khi có một bệnh nhân nhập viện mà nghi ngờ tình huống có thể dính dáng đến pháp luật, BV sẽ liên hệ với cơ quan chức năng để họ đến chứng kiến và xử lý vụ việc.

Các dấu hiệu ( nếu có) nghi trẻ bị bạo hành là thần kinh bất thường, xuất huyết nội tạng, xuất huyết ổ bụng, suy hô hấp, có dấu hiệu ngoài da (bầm, sưng), hay có dấu vết lạ, hoặc tử vong bất thường, không giải thích được nguyên nhân, có yếu tố gia đình phức tạp, vết thương gây ra không phải do một dạng chấn thương thường gặp...

H.Nga
.
.
.