Bắt chó thả rông là việc “cực chẳng đã”

Thứ Năm, 21/09/2017, 08:13
Nghị định 90/2017/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y chính thức có hiệu lực từ 15-9. Trong nghị định nêu rõ, hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng; không tiêm vaccin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng... bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng.


Nuôi chó nhưng không chăm sóc cẩn thận, không chích ngừa, thả rông để chúng phóng uế, cắn người bừa bãi, đó là mối nguy hiểm chực chờ cho những người lưu thông trên đường phố. Nhiều vụ tai nạn gây thương tích, thậm chí tử vong vì tông phải chó băng ngang đường...

Nghị định 90/2017/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y chính thức có hiệu lực từ 15-9. Trong nghị định nêu rõ, hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng; không tiêm vaccin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng... bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng.

Nhiều vụ TNGT liên quan đến việc chó nuôi thả rông không người trong coi xảy ra trên các tỉnh thành thời gian qua gây bức xúc dư luận. Tối cuối tháng 4 trên QL27, đoạn qua xã Ea BHốk, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk, ông Bùi Thái Sở (53 tuổi) chạy xe máy chở vợ là bà Huỳnh Thị Khánh Ly (43 tuổi) thì một con chó băng ngang quốc lộ khiến ông tông trúng, ngã xuống đường.

Cùng lúc này, xe tải do Trịnh Minh Sơn (43 tuổi, ngụ Buôn Ma Thuột) điều khiển đang lưu thông theo hướng ngược lại cán qua làm vợ chồng ông Sở tử vong tại chỗ. Tại Đồng Nai, ông Mai Dung Hạnh (44 tuổi), ngụ ấp Tân Yên, xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất đi xe máy chở theo con trai là M.V.S (khoảng 4-5 tuổi) trên QL20 hướng từ ngã tư Dầu Giây về huyện Định Quán. Khi đến đoạn qua ấp Nam Sơn, ông Hạnh cán phải con chó chạy ngang quốc lộ khiến 2 cha con ông Hạnh ngã xuống đường.

Lúc này xe đầu kéo chạy theo chiều ngược lại đã tông trúng cháu S khiến cháu tử vong tại chỗ. Hay vụ tai nạn tại cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương, đoạn thuộc địa bàn Long An, do tránh một con chó băng ngang cao tốc mà 3 xe ôtô đã tông liên hoàn trên cao tốc…

Việc bắt chó thả rông theo nghị định mới là hợp lý, tránh tình trạng chó dại, chó gây họa cho người lưu thông trên đường.

Những ngày qua, vào buổi sáng, chiếc xe tải của Chi cục Thú y thành phố dạo quanh các tuyến đường vây bắt chó thả rông gây ra nhiều ý kiến trái chiều, nhưng đa phần người dân đều ủng hộ việc bắt chó thả rông nếu như chủ nuôi không tự ý thức được việc chăm sóc, nuôi dưỡng, để chó thả rông.

Chị Nhật, nhà ở quận 6 cho hay: “Cứ buổi tối quét dọn đường cho sạch đẹp thì sáng ra có vài ba bãi phân chó nằm chình ình trước nhà. Ở đường 49, phường 10 này nhiều nhà nuôi chó nhưng không xích nhốt để chó phóng uế bừa bãi gây mùi khai thối, phản cảm. Đường này nhiều trẻ nhỏ, chó thả rông không cột mõm, các con chó này dễ bị kích động cắn tụi nhỏ! Phản ánh với phường nhiều lần nhưng việc đâu vẫn vào đấy!”.

Chó nuôi ở thành thị không phải để canh trộm mà là thú cưng nên việc chăm sóc cũng đặc biệt, cầu kỳ. Bởi vậy khi nhiều chú chó bị bắt, chủ của những chó này phản ứng gay gắt có khi đuổi đánh cả nhân viên bắt chó. “Nếu cưng chó nhà mình thì nuôi nhốt đúng qui định đừng gây ảnh hưởng đến người khác. Đơn giản ở chỗ ra đường thì rọ mõm, cột xích, về nhà thì nhốt lại chứ để thả rông để bị bắt rồi la làng thương yêu, rằng việc bắt thú phải… nhân văn. Có ai đời đi bắt chó chạy rông mà lại đến vuốt ve năn nỉ…chó bao giờ! Thật nực cười!” - chị Châu, nhà trên đường Hồng Bàng, quận 5 nói.

Nhiều ý kiến cho rằng việc tiêu hủy chó sau 72h nếu không có người đến nhận là bất hợp lý. Trả lời những bức xúc của người nuôi chó, ông Phạm Minh Trí, Trưởng Trạm Phòng chống dịch và Kiểm dịch động vật Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cho biết, tại TP Hồ Chí Minh có khoảng 200 ngàn chó mèo được các hộ dân nuôi, ngoài ra còn có một lượng lớn chó mèo hoang, vô chủ. Mục đích của việc bắt chó rông nhằm kiểm soát bệnh dại cho người, giữ trật tự an toàn giao thông và tránh ô nhiễm môi trường.

Không chỉ khi Nghị định 90 có hiệu lực thì anh em trong đội mới đi bắt chó rông mà nhiều năm nay đã thực hiện. Nhiều nhà có ý thức nuôi nhốt chó trong nhà nhưng có những người nuôi nhưng không chăm sóc, tiêm phòng dịch đầy đủ.

Về việc sau 72h không người đến nhận chó bị bắt sẽ bị đem đi tiêu hủy, ông Trí cho hay, chỉ những con chó sau khi phân loại già yếu, bị bệnh dại mới đem đi tiêu hủy, số còn lại vẫn nuôi nhốt để chủ chó mang giấy tờ đến đem về, cam kết chăm sóc không thả rông. Những con chó không người đến nhận đều được lập hồ sơ chuyển cho các trường đại học có ngành Thú y.

Ông Dương Thanh Đa - Đội trưởng Đội bắt chó thả rông cho rằng công việc bắt chó rông là công việc dễ dẫn đến xung đột giữa chủ chó và anh em trong đội. Tuy nhiên, anh em trong đội đều xác định chỉ có chó lang thang không rọ mõm mới bị bắt. Không có quy định nào về việc cấm nuôi chó. Tuy nhiên, người nuôi chó phải trông giữ, nuôi nhốt cẩn thận để tránh trường hợp chó tấn công người, phóng uế bừa bãi và gây tai nạn giao thông!

Nghinh Phong
.
.
.