Bảo tàng kêu cứu vì xuống cấp, vắng khách tham quan
Thế nhưng, hiện nay ngành bảo tàng tại TP Hồ Chí Minh phải hoạt động trong tình trạng không ít khó khăn: cơ sở vật chất yếu kém, cũ kỹ; thiếu trang thiết bị chuyên dụng, hiện đại; thiếu sự quan tâm phát triển nguồn nhân lực; các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng các bảo tàng đã có từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ…
Cơ sở vật chất không đảm bảo, thiếu nhân lực
Sáng 23-3, có mặt tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng, chúng tôi ghi nhận thấy số lượng khách đến rất ít, tại lối vào bảo tàng, phía trên những đường nứt ngang, dọc, dưới mặt nền nhà lồi lõm, sụt sùi… phòng ốc trưng bày hiện vật thì nhỏ trong khi đó mọi thứ trông rất cũ kỹ.
Trao đổi với PV Báo CAND, bà Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng cho biết, hiện tại bảo tàng đang sử dụng 2 khối nhà để trưng bày nguyên là dinh thự Thủ tướng chế độ cũ dùng cải tạo lại từ trước năm 1975.
Vì chính là dinh thự cũ nên kiến trúc phòng xây dựng nhiều phòng nhỏ khiến cho việc trưng bày bảo tàng gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2010, thành phố đã lên kế hoạch sửa chữa mở rộng bảo tàng với khoản kinh phí khoảng 80 tỷ đồng nhưng theo quy hoạch mở rộng đường Thái Văn Lung ra Tôn Đức Thắng bị mất tới 2.000m².
Theo đơn vị tư vấn, việc mở đường sát với tượng Bác Tôn ảnh hưởng đến không gian chung, ngôi nhà cũ bị xéo rất khó cải tạo, phải chờ đợi điều chỉnh hoặc cho xây mới trên 200 tỷ đồng nên cứ ì ạch mãi chưa xong.
Đối với ngành bảo tàng thì việc trưng bày đóng vai trò quan trọng nhất, trong toàn TP Hồ Chí Minh hiện nay chưa có bảo tàng nào có thể trưng bày theo phong cách hiện đại mà vẫn là cách trưng bày theo lối cũ. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, nếu muốn trưng bày theo phong cách hiện đại yêu cầu phải có sự trang bị đầy đủ về hiện vật, về cơ sở vật chất về nguồn nhân lực.
Nhưng về điều này ở Bảo tàng Tôn Đức Thắng đều rất thiếu. Toàn bộ bảo tàng chỉ có khoảng 30 định biên cho tất cả các công việc.
Nhiều hạng mục của Bảo tàng Tôn Đức Thắng, TP HCM đã xuống cấp. |
Cùng cảnh ngộ, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cũng rơi vào vòng luẩn quẩn trăm ngàn khó khăn. Hạng mục xây mới Kho bảo quản hiện vật và Nhà làm việc hành chính của bảo tàng mãi đến nay mới khởi động, dự kiến khởi công trong tháng 4 và sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2018.
Qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay hệ thống trưng bày của bảo tàng này cũng chưa được nâng cấp và chỉnh lý theo hướng hiện đại.
Thậm chí nơi đây còn chưa có được một màn hình trình chiếu hiện đại để chiếu phim tài liệu phục vụ công chúng. Là bảo tàng phụ nữ rất đặc trưng của cả khu vực Nam bộ nhưng đơn vị cũng chưa có được phòng trưng bày riêng về các mẹ Việt Nam anh hùng.
Còn tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh hiện đang lưu giữ hơn 35.000 hiện vật, trong đó có 11 bảo vật quốc gia. Tuy nhiên do không gian trưng bày quá chật hẹp (khoảng 6.000m²) nên nhiều hiện vật quý không có nơi trưng bày, giới thiệu cho du khách.
Lần tu sửa đảo ngói, chống dột của bảo tàng này thực hiện gần nhất cũng đã cách nay 33 năm (vào năm 1984). Chừng ấy thời gian công trình tòa nhà nổi tiếng - đang là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, là bảo tàng đầu tiên của Nam kỳ được xây dựng từ năm 1929 không hề được duy tu sửa chữa.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay toàn thành phố có 7 bảo tàng thì chỉ còn mỗi Bảo tàng Tôn Đức Thắng và Bảo tàng Phụ nữ là chưa thu phí. Lý do là vì 2 bảo tàng rất ít khách du lịch tham quan.
Nếu như Bảo tàng Tôn Đức Thắng khách tham quan chủ yếu là công đoàn trong các đơn vị, các em sinh viên các trường mang tên bác Tôn thì khách tham quan đến với Bảo tàng Phụ nữ là Hội Liên hiệp Phụ nữ các đơn vị.
Chính vì “ế ẩm” nên hoạt động bảo tàng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, khách du lịch khi tham quan Bảo tàng TP Hồ Chí Minh thì chỉ có Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Hồ Chí Minh là được ưu tiên chọn lựa…
Cần đẩy nhanh tiến độ các dự án
Dự án sửa chữa, mở rộng Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã có từ năm 2010 nhưng mãi đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện.
Dự án cải tạo, mở rộng Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ sau nhiều năm triển khai thực hiện từng bước một đến nay cũng chỉ khởi công được kho bảo quản hiện vật và khu nhà hành chính (dự kiến đưa vào sử dụng năm 2018), còn giai đoạn 3 của dự án là mở rộng khối nhà trưng bày 3 tầng lầu thì vẫn đang chờ đợi.
Từ năm 2004, thành phố đã có chủ trương thực hiện Dự án “Trùng tu tôn tạo, chỉnh trang khuôn viên sân vườn và đầu tư nâng cấp, mở rộng Bảo tàng TP Hồ Chí Minh” nhưng đến nay sau 13 năm, trải qua nhiều lần điều chỉnh, hoàn tất các thủ tục hồ sơ, gần đây nhất mới được thường trực Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận và chỉ đạo triển khai thực hiện cuối năm 2015, nhưng mãi đến nay vẫn chưa mấy rục rịch.