Báo động về hiện tượng thích sử dụng bạo lực để chứng tỏ “sức mạnh”

Thứ Năm, 03/11/2016, 08:28
Nhiều chuyên gia tâm lý đã đưa ra nhận định về tình trạng bạo lực trong học sinh, đa phần đều nghiêng về nguyên nhân học sinh thiếu sự quan tâm của gia đình, đặc biệt là những gia đình mải mê làm ăn, kiếm tiền và phó thác thiên chức làm cha mẹ cho nhà trường, cho xã hội.

Vụ hơn chục thiếu niên đánh bạn dã man, chích thuốc lá vào tay, bắt liếm chân mình rồi quay clip tung lên mạng xảy ra ở huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh chỉ là một trong số những vụ mà những “người trẻ”, đa phần là học sinh chỉ vì ghen tuông, ganh ghét, muốn chứng tỏ cái tôi, “quyền lực” của mình. 

Dư luận bức xúc, bất an về cách giáo dục nhân cách cho người trẻ, đặc biệt là học sinh. Giáo dục nhân cách đang có “vấn đề” hay do những “người trẻ” tiếp xúc quá sớm với thế giới bên ngoài thông qua phim ảnh bạo lực, trò chơi đẫm máu trên Internet, lệch lạc về giới tính dẫn đến những hành vi  không thể chấp nhận được trong lứa tuổi học trò…? 

Trở lại vụ nhóm trẻ từ 15-17 tuổi vây đánh tàn nhẫn em V.T.T.U. (15 tuổi, ngụ quận 7), sau đó quay clip tung lên mạng, Trung tá Hoàng Đình Thạch - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự - Công an huyện Nhà Bè cho biết, 2 đối tượng chủ chốt trực tiếp vây đánh em U, dùng thuốc lá đang cháy chích vào tay, bắt liếm chân là T.N.H.Y. (tức Nhí “Tino”, 16 tuổi, ngụ quận 1, tạm trú quận 8, sống lang thang) và Đ.T.T.H. (15 tuổi,  ngụ quận 7) đã được gia đình đưa đến Công an huyện Nhà Bè trình diện. 

Y và H viết bảng tường trình khiến cho nhiều gia đình, nhà trường phải suy nghĩ đến cách giáo dục của mình.

Khác với hình ảnh hung dữ, ra tay một cách tàn bạo trong clip, Y và H đã hối hận, khóc sướt mướt khi nhận ra cái sai của mình, xin được mọi người tha thứ. Nguyên nhân dẫn đến vụ vây đánh dã man được 2 đối tượng khai chỉ vì U khen một người bạn đồng tính của H trên mạng xã hội (Facebook) là “có nụ cười dễ mến” nên H ghen tuông và kêu Y cùng nhóm thanh thiếu niên vây đánh.

Hai đối tượng là 2 thiếu nữ có gương mặt khả ái, ưa nhìn, nhưng trên người có nhiều dấu tích cho thấy cuộc sống buông thả như hút thuốc, xăm mình và đặc biệt là bỏ nhà đi bụi. Tuổi đời còn quá trẻ, tính cách đang trong giai đoạn “nửa nạc nửa mỡ” kiểu con nít không ra con nít, người lớn chưa thành người lớn nên tính cách bốc đồng, a dua, thích thể hiện của 2 đối tượng đều bộc lộ ra. 

Đa phần nhóm của H, Y cũng toàn là những thiếu niên nam nữ dưới 16 tuổi, đều bỏ học, có gia đình nhưng thích sống lang thang, bầy đàn và có mối quan hệ phức tạp, chủ yếu là quan hệ tình cảm đồng giới. 

Ngoài việc “cầm đầu nhóm” đánh hội đồng U, Y sau khi bỏ học, từng bỏ nhà đi bụi cùng các đối tượng khác tham gia cướp tài sản của chị Th (ngụ quận 8) cuối năm 2015 tại khu vực Trung tâm thương mại Hùng Vương Plaza, lấy đi 300 ngàn đồng, 2 ĐTDĐ. Ngồi trong trụ sở Công an, không còn dáng vẽ cao ngạo, côn đồ, Y đã biết sợ, biết khóc, biết hối hận và mong muốn được mọi người tha thứ để sửa đổi và “mong mọi người đừng dồn mình vào đường cùng”.

“Mong muốn mọi người đừng dồn mình vào đường cùng” - đây có lẽ là câu nói xuất phát từ tâm của Y và chứng tỏ Y đã nhận ra những sai lầm do mình gây ra. Đối với thiếu nữ này, đây cũng có thể là một đứa trẻ đã bắt đầu biết nhận thức, biết rõ việc làm sai trái của mình và mong muốn được làm lại từ đầu. 

Những ngày qua, dư luận dường như cảm thông với việc “quay đầu là bờ” của Y nhưng cũng có những ý kiến cho rằng, cần phải xử lý thích đáng để làm gương cho những bạn trẻ khác khi thích thể hiện, muốn thành đại ca, muốn chứng tỏ. 

Theo quan điểm riêng của người viết, Y còn quá trẻ, còn dại dột, nông nổi nhưng đã biết nhận thức được hành vi sai trái của mình thì dư luận cũng cần dang rộng vòng tay, đừng đẩy một đứa trẻ vào bước đường cùng.

Việc những hình ảnh bạo lực liên tiếp được tung lên mạng, trong đó đa phần các nhân vật chính là học sinh cấp 2, cấp 3 khiến dư luận không khỏi bức xúc. Những lý do hết sức là đơn giản như nói xấu nhau trên mạng xã hội, ghen tuông, nhìn nhau thấy ngứa mắt… là các em có thể kéo “băng nhóm” gây hấn, trả thù. Việc này cũng khá dễ hiểu khi tính cách của các em đang trong giai đoạn “tuổi nổi loạn”, thích thể hiện cái tôi lại a dua, bầy đàn, không nghĩ đến hậu quả do mình gây ra.

Nhiều chuyên gia tâm lý đã đưa ra nhận định về tình trạng bạo lực trong học sinh, đa phần đều nghiêng về nguyên nhân học sinh thiếu sự quan tâm của gia đình, đặc biệt là những gia đình mải mê làm ăn, kiếm tiền và phó thác thiên chức làm cha mẹ cho nhà trường, cho xã hội. 

Ngoài ra, việc ảnh hưởng của việc tiếp xúc quá sớm với mạng internet, các trang mạng xã hội, những game bạo lực khiến “người trẻ” hình thành nên tính cách mang hơi hướng bạo lực, hoặc từ một nguyên nhân ảnh hưởng của những gia đình không hòa thuận, cha mẹ thường xuyên cãi vã, đánh đập khiến “người trẻ” cảm thấy việc đánh bạn là một việc quá đỗi  bình thường.

Luật sư Nguyễn Văn Trường - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho hay, đối với những vụ việc liên quan đến học sinh dường như luật chưa đủ tính răn đe, các biện pháp xử lý còn chưa nhất quán. Về tình trạng học sinh đánh nhau dã man, quay clip tung lên mạng trong thời gian gần đây cho thấy các em đang trong độ tuổi thích chứng tỏ bản thân, ít có kỹ năng sống, có những mối quan hệ tình cảm lệch lạc về giới tính. 

Môi trường hình thành lên tính cách, tâm lý của các em nhỏ bắt nguồn từ gia đình và nhà trường nhưng vì sự a dua, đua đòi, thiếu sự quan tâm của nhiều phía, ứng xử thiếu lòng nhân ái, không có kỹ năng ứng xử, kỹ năng giải quyết xung đột, không có chuẩn mực đạo đức, nhiều em bỏ học ra “đời” sớm, tiêm nhiễm những cái xấu trong thế giới mạng Internet. 

Trong khi đó, nhiều bạn trẻ khác thay vì can ngăn thì lại vô cảm trước những hành vi xấu và hả hê với chiến tích của mình như quay clip tung lên mạng, câu like, câu view… Đây cũng là hình thức khiến những vụ bạo lực trong giới trẻ gia tăng bởi “chiến tích” được tung lên mạng đã vô tình cổ súy cho hành động bạo lực của những người trẻ khác.

Việc ngăn chặn những vụ việc như trên tái diễn cần có sự chung tay từ nhiều phía chỉ không chỉ là việc khi vụ việc xảy ra mới tiến hành xử lý.

M.Đức-M.Hải
.
.
.