Vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long: Báo động tình trạng sạt lở

Thứ Năm, 05/11/2015, 09:21
Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng chống thiên tai (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam), 7 năm trước, lòng dẫn sông Tiền, sông Hậu đã bị hạ thấp từ 1m - 1,8m. Thông số này phản ánh xu hướng suy giảm trầm tích dưới lòng sông, đồng thời liên quan trực tiếp đến hiện tượng trượt đất, sạt lở đang diễn ra ít nhất là tại 245 điểm trầm trọng có chiều dài khoảng 250km trên toàn hệ thống dòng chính và luồng lạch của sông Cửu Long.
Suốt dải bờ biển phía Đông hơn 420km từ mũi Cà Mau ngược qua vùng các cửa sông Mê Kông đến giáp biển Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) có nhiều ưu thế tích tụ trầm tích phù sa, nhưng mấy năm nay bị xói lở triền miên. Khu vực bị tác động của sóng, động lực dòng chảy ven bờ mạnh thuộc tỉnh Bạc Liêu có ít nhất 30 điểm sạt lở thường xuyên.

Có những vụ xói lở bất ngờ, tàn phá cả đoạn đê kiên cố (từ cửa biển Nhà Mát đến Đồn Biên phòng Hải đội 2), cuốn trôi hàng chục căn nhà. Ngay cả khu vực bờ biển dài 234km qua Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre đến Tiền Giang, dù gần các cửa sông Hậu, sông Tiền, có ưu thế tích tụ trầm tích cát thô (trong quá khứ đã bồi lấp mất một cửa Ba Thắc) hình thành nhiều cù lao… nay cũng bị xói mòn, sạt lở dữ dội.

Người dân xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), nhiều năm nay rất hoang mang khi chứng kiến bờ biển bị xâm thực hơn 300m. Hay đến cồn Nhàn, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải (Trà Vinh) sẽ thấy mức độ tàn phá của tình trạng xói lở thật ghê gớm. Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã phải thốt lên: “Nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời, chỉ 2 năm nữa cả Cồn Nhàn sẽ biến mất”.

Còn biển Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) được gọi là “Mũi Cà Mau 2” ở Bến Tre, xói lở đã cuốn phăng nhiều đoạn đê, nhiều hàng dương chắn sóng. Riêng xã Thạnh Hải, nửa đoạn đê dài 18km đã bị xâm thực, có đoạn liền lạc suốt hơn 2km, trong 3 năm bị xâm thực hơn 45m. Sự đảo ngược còn diễn ra rõ rệt khi vùng biển bùn Gò Công (Tiền Giang), bao đời hứng trầm tích phù sa đổ ra từ Cửa Tiểu, Cửa Đại (sông Tiền) và cả cửa Xoài Rạp (sông Vàm Cỏ), những năm gần đây xói lở đã lấn tới chân tuyến đê kiên cố dài 21km ngăn mặn ven biển phía trong rừng phòng hộ.

Tại đoạn xung yếu nhất (dài 5km) có nhiệm vụ giữ ngọt, bảo vệ sản xuất và đời sống cho hàng chục nghìn hộ dân phía Đông của tỉnh Tiền Giang bị uy hiếp thường xuyên. Rất nhiều vị trí ở các xã Tân Điền, Tân Phước, Tân Thành (huyện Gò Công Đông), biển đã “nuốt” rừng phòng hộ vào tới chân đê.

Hiện trường vụ sạt lở bờ sông ở phường Lê Bình, quận Cái Răng (Cần Thơ) vào cuối tháng 6/2015.

Kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng chống thiên tai (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam) cho thấy, 7 năm trước, lòng dẫn sông Tiền, sông Hậu đã bị hạ thấp từ 1m - 1,8m. Thông số này phản ánh xu hướng suy giảm trầm tích dưới lòng sông, đồng thời cũng liên quan trực tiếp đến hiện tượng trượt đất, sạt lở đang diễn ra ít nhất là tại 245 điểm trầm trọng có chiều dài khoảng 250km trên toàn hệ thống dòng chính và luồng lạch của sông Cửu Long.

Trên thực tế, từ đầu năm 2015 đến nay, tình hình sạt lở diễn biến rất phức tạp ngay trong mùa khô. Sạt lở xảy ra tại những khu vực cửa sông Cửu Long có nhiều ưu thế tích tụ trầm tích cát như cửa Trần Đề, Cổ Chiên… Luật bồi tụ tại nhiều cù lao ở tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang… bị đảo ngược. Nhiều vụ sạt lở lớn liên tục xảy ra ven bờ dòng chính và hệ thống luồng lạch vùng ruột châu thổ thuộc các địa phương Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang.

Riêng Tiền Giang có tới 150 điểm sạt lở lớn ven bờ 15 tuyến luồng lạch sông Tiền, với 40 điểm nguy hiểm, dài hơn 2,6km. Ở đầu nguồn, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, nạn trượt đất, sạt lở bờ sông càng phức tạp, nguy hiểm. Nhất là Đồng Tháp, địa bàn có cả hai dòng (sông Tiền, sông Hậu) chảy qua, hiện có 40 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thị, thành phố nguy cơ sạt lở cao, với 100 điểm sạt lở, chiều dài trên 170km và khoảng 5.000 hộ bị ảnh hưởng.

Theo ước tính của các nhà khoa học, toàn vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long có trên 11.000 hộ dân; hàng trăm hécta đất ở, đất sản xuất, ao nuôi thủy sản; nhiều khu dân cư; những cù lao, những vạt rừng và không ít xã đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” vì… sạt lở. Chỉ vài năm gần đây, ngay trong vùng lõi châu thổ đã có ít nhất 3 vụ sạt lở bờ ven sông bất ngờ, khiến 5 người thiệt mạng, trong đó 4 người ở TP Cần Thơ thiệt mạng trong 2 vụ sạt lở luồng lạch hệ thống sông Hậu…

Đức Văn
.
.
.