Bài 2: Tràn lan bánh, mứt, kẹo không rõ nguồn gốc

Thứ Sáu, 30/01/2015, 09:59
Chỉ còn gần 20 ngày nữa là đến Tết Ất Mùi 2015, cũng là lúc thị trường thực phẩm sử dụng ngay như bánh, mứt, kẹo, giò, chả, thịt bò khô… trở nên sôi động hơn lúc nào hết. Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) cũng trở nên báo động, khi trước tình trạng nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, nhiều cơ sở sản xuất đã không chú trọng vấn đề đảm bảo ATTP.
>> Bài 1: Nông sản tẩm hóa chất, thịt trâu nhập lậu đội lốt thịt bò

Tại các khu phố chuyên bán buôn cho các tỉnh như Hàng Buồm, Hàng Giấy, chợ Đồng Xuân v.v… (Hà Nội), thị trường bánh, mứt, kẹo cũng ở vào thời điểm sôi động nhất với hàng trăm sản phẩm, đủ các loại hàng: nội, ngoại, gia công và hàng công ty. Tuy nhiên, có một thực tế là, bên cạnh các sản phẩm nội địa và nhập khẩu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và chất lượng đảm bảo, có không ít các mặt hàng bánh kẹo không rõ nguồn gốc.

Hầu hết các cửa hàng đều bày bán công khai những túi bánh, mứt, kẹo, ô mai, hạt dưa, hướng dương... đa màu sắc không nhãn mác. Không có nhãn mác ghi nơi sản xuất, ngày sản xuất, cũng như hạn sử dụng, vì thế, người mua không thể biết đây là bánh, mứt, kẹo đã sản xuất từ khi nào, còn hạn sử dụng không.

Trong trường hợp xảy ra sự cố, cần liên hệ với nơi sản xuất thì cũng không thể được vì không có thương hiệu, cũng như thông tin cần thiết về nơi sản xuất. Đương nhiên, những sản phẩm này càng không có công bố thành phần sản phẩm nên không ai có thể biết được bánh kẹo này làm từ nguyên liệu gì, có chất cấm hay không.

Cùng với các loại hàng hóa không nhãn mác, trên thị trường còn bán nhiều loại bánh, mứt, kẹo mang thương hiệu những loại hàng cao cấp trong nước, nhưng giá lại rẻ có khi chỉ bằng một nửa giá hàng của công ty sản xuất bán ra. Đây là loại hàng “nhái” do các tư nhân tự sản xuất bánh, mứt, kẹo rồi đặt làm các loại vỏ hộp, đánh cắp bản quyền các thương hiệu trên, để lừa người tiêu dùng với giá rẻ hơn hàng thật rất nhiều.

Trước sự cảnh giác của người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa của Trung Quốc, đặc biệt là các thực phẩm ăn ngay thường được sử dụng hóa chất bảo quản, lại xuất hiện nhiều loại sản phẩm không có nguồn gốc được nhập từ Trung Quốc nhưng lại mang thương hiệu của Việt Nam. Theo một tiểu thương, các loại sản phẩm khác được nhập từ Trung Quốc như: mận xào, nho đỏ, mơ xào, bánh ốc quế… vì đây là những hàng hóa rất hiếm có Việt Nam.

Người tiêu dùng nên lựa chọn bánh kẹo rõ nguồn gốc xuất xứ. (Ảnh minh họa).

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhiều cơ sở mua bánh kẹo từ một số nước, nhiều nhất là từ Trung Quốc, nhưng không rõ chất lượng, nguồn gốc, rồi đóng gói với mác hàng ngoại để bán ở các chợ đầu mối với giá rẻ. Thậm chí, họ còn đặt hàng gia công ở các nước này, dĩ nhiên với giá rẻ và chất lượng thấp, rồi đóng gói, dán các nhãn hiệu mang tên nước ngoài. Người tiêu dùng Việt Nam nhìn các hộp bánh, mứt, kẹo mang mác ngoại 100%, đinh ninh đó là hàng ngoại “xịn” mà không biết rằng, đó cũng thực chất là hàng rởm, được sản xuất từ nước ngoài.

Chưa kể nhiều loại sản phẩm cao cấp cũng mang mác nhập khẩu từ châu Âu nhưng thực chất sản xuất tại các nước châu Á và đóng gói tại Việt Nam, dĩ nhiên, chất lượng nội nhưng vẫn bán giá ngoại. Dịp Tết cũng là thời điểm nhiều hàng sắp hết hạn hoặc đã hết hạn được tung ra tiêu thụ, mà nếu người tiêu dùng không chú ý, sẽ dễ mua phải sản phẩm đã hỏng, đã nấm mốc hoặc quá hạn sử dụng. Vì thế, những sản phẩm này luôn có giá rẻ hơn hàng chính gốc còn mới tới 40%.

Không chỉ không có nguồn gốc, hầu hết các cửa hàng bánh, mứt, kẹo ở các khu vực buôn bán trên đều bày tràn cả trên mặt đất, ngay sát mặt đường bụi bặm và nhiều người qua lại. Đáng nói là nhiều loại bánh ngọt và các loại mứt: cà rốt, mứt mận, mứt bí v.v… đều bày “trần” trên các rổ nhựa, thùng  giấy, mà không được che đậy hay bao gói nilon. Dưới nắng, mưa, bụi bẩn, chắc chắn các thực phẩm trên nhiễm khuẩn là điều dễ dàng khẳng định.

Bánh kẹo màu sắc bắt mắt nhưng không có nhãn mác bán tràn lan. 

Cũng tương tự mặt hàng bánh, mứt, kẹo, nhiều cửa hàng giò, chả, các loại thực phẩm ăn ngay cũng bày bán mà không cho vào tủ kính hay bao gói bằng nilon như qui định nên rất mất vệ sinh. Vẫn còn tình trạng các cơ sở sản xuất sử dụng phụ gia không rõ nguồn gốc, hay sử dụng quá hàm lượng quy định.

Để các mặt hàng thường bán chạy trong dịp Tết không đảm bảo ATTP tại các chợ như hiện nay, trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng Quản lý thị trường và ngành Y tế. Bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy việc các loại thực phẩm dùng ngay được bày bán bên đường, giữa chợ -nơi mà hàng ngàn người qua lại với lượng bụi khổng lồ, mà lại không được bọc gói như quy định là rất mất vệ sinh.

Thế nhưng, sau khi các cơ quan chức năng tổ chức thanh, kiểm tra, đa phần kết luận “chưa phát hiện vi phạm” hoặc “các mẫu xét nghiệm đều đảm bảo ATTP” một cách tắc trách là một thực tế qua nhiều dịp Tết ở các chợ Hà Nội. Bên cạnh đó, hoạt động sang bao đóng gói phụ gia thực phẩm chưa được các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, dẫn đến tình trạng kinh doanh phụ gia thực phẩm không có nhãn mác, không có hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc vẫn khá phổ biến. 

Vì thế, người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình trước khi trông chờ vào trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Cục ATTP (Bộ Y tế) khuyên người tiêu dùng khi mua hàng, không nên ham rẻ mà mua thực phẩm không rõ xuất xứ, vì không thể biết sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu, phụ gia có độc hại hay không.

Thông thường bánh kẹo được làm từ gạo, sắn, đường, phẩm màu trong danh mục mà ngành Y tế cho phép, nhưng để có giá rẻ cạnh tranh thiếu lành mạnh, người sản xuất có thể chọn những loại đường hóa học, tinh bột sắn thay thế và cho các loại phụ gia có chất độc mà người sử dụng không biết. Vì thế, cách tốt nhất là phải mua hàng của các công ty có uy tín, hàng hóa có nguồn gốc đầy đủ, tin cậy.

Thanh Hằng - Ngọc Yến
.
.
.