Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường tận tụy vì sức khoẻ nhân dân

Bài 1: An ninh cho mâm cơm mọi nhà

Thứ Hai, 25/01/2016, 09:30
Dù mức xử lý, xử phạt với các hành vi vi phạm về môi trường ngày càng cao nhưng tội phạm về môi trường vẫn xuất hiện ngày càng nhiều. Hành vi gây bức xúc nhất trong xã hội gần đây là việc “đầu độc” người tiêu dùng bằng việc kinh doanh, sản xuất thực phẩm bẩn.

Vì vậy, ngoài nhiệm vụ giữ được môi trường xanh cho người dân, Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường còn phải giữ gìn an ninh, an toàn cho mâm cơm của mọi nhà.

Vấn đề vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) ngày càng nghiêm trọng khiến thời gian gần đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải sốt ruột thân chinh đi thực tế, thăm từng liếp rau xanh của bà con nông dân ở một vùng ngoại thành Hà Nội, khám phá bí mật của nông dân với việc trồng rau hai ruộng, rau bán và rau ăn. Lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường cũng luôn tập trung cao độ, và không khoan nhượng với loại tội phạm này.

Cơ quan chức năng thực hiện tịch thu, niêm phong lô hàng nầm heo sữa không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Sáng 7-1-2016, lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an TP Hồ Chí Minh cùng lực lượng QLTT và Chi cục Thú y huyện Hóc Môn tiến hành kiểm tra cơ sở số 5/4, ấp 4, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn do bà Nguyễn Thị Thạnh làm chủ đã phát hiện hàng tấn thịt trâu được trữ trong những thùng carton. Lô hàng có xuất xứ Ấn Độ được nhập từ Công ty TNHH MTV Phú Thạch Nguyễn và Công ty TNHH SX-TM-DV Thiên Bút (thuộc địa bàn quận Tân Phú). 74 thùng thịt trâu nguyên liệu với trọng lượng 1.332kg đang được rã đông, hơn 1 tấn thịt trâu đã được rã đông và đã tẩm ướp hoá chất để “hô biến” thành thịt bò; 500kg đang chuẩn bị được tẩm hóa chất. Tại đây cũng phát hiện 2 bịch hóa chất màu trắng dùng để biến thịt trâu thành thịt bò. Nguồn hàng được bà Thạch bỏ mối cho rất nhiều các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn thành phố.

Nầm heo sữa đã có dấu hiệu biến chất, mất màu, rỉ dịch được gia chủ tại quận 12 cung cấp cho các quán thịt dê.

Vụ việc trên được khám phá khi trước đó vài tháng, qua trinh sát, PC49 nắm được trên thị trường thành phố xuất hiện tình trạng nhập khẩu thịt bò chất lượng cao và bán với giá rất cao trong các nhà hàng. Điều lạ là trên thị trường toàn thấy quảng cáo bán thịt bò, còn thịt trâu thì hoàn toàn “biến mất”. Vậy nguồn thịt trâu đi đâu? Chi tiết này đã không qua được mắt của các chiến sĩ Phòng PC49. Kết quả trinh sát đã được vạch ra và đã phát hiện, thịt trâu đã được đối tượng nhập về, lóc ra, rồi đưa vào ngâm hoá chất Sodium Benzoat để biến thịt trâu vốn nhìn cảm quan bên ngoài thường có màu đỏ “bầm”, thành màu đỏ nhạt hơn, thành thịt bò. Mua thịt trâu giá 90.000 - 100.000đ/kg, bán giá thịt bò được hơn 200.000 đ/kg.

Việc quan sát chuyển động của thị trường cũng giúp cho PC49 khám phá thành công vụ án nầm sữa heo giả vú dê. Vào những ngày cuối năm 2015, PC49 cũng phối hợp Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh kiểm tra đột xuất cơ sở của ông Cao Chí Đông (36 tuổi, quê Bến Tre), tại KP2, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 và phát hiện một lượng lớn vúheo (còn gọi là nầm sữa) có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong phòng trọ khoảng 40m2của ông chủ này chứa tới 2.055kg vú heo đã trong tình trạng rỉ dịch, để trên sàn nhà dơ bẩn. Có những túi hàng đã trong tình trạng xuất huyết, bốc mùi hôi. Ông Đông không có giấy đăng ký kinh doanh cũng không có giấy chứng nhận kiểm dịch thú y. Ông cũng thừa nhận vú heo Trung Quốc sau khi nhập về, thuê người phân loại rồi cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu lẩu dê trên địa bàn thành phố, “hô biến” thành món vú dê nướng vốn rất được khách hàng rất ưa chuộng. Ông Đông bỏ mối cho quán lẩu dê với giá 90.000 - 100.000 đ/kg, trong khi nầm heo nhập về giá  là 45.000 đ/kg.

Hành vi phù phép thịt heo thành thịt dê lừa dối khách hàng cũng đã được phát hiện từ sự quan sát thị trường khi trên địa bàn thành phố từ đầu 2014 tới nay, số quán lẩu dê xuất hiện tăng đột biến. Một câu hỏi đặt ra nguồn thịt dê từ đâu để đủ cung cấp cho thị trường. Đó cũng là mục tiêu phải làm rõ của lực lượng PC49. Và chủ lô hàng đã bị phạt trên 20 triệu đồng, chấp nhận tiêu hủy toàn bộ lô thịt heo bẩn…

Theo Trung tá Lâm Hiếu Nghĩa, Đội trưởng Tham mưu PC49 Công an TP Hồ Chí Minh công tác đấu tranh phòng chống tội phạm môi trường không khốc liệt giống như đấu tranh với tội phạm ma túy hay hình sự, nhưng cũng đầy thử thách, gian nan. Để hoàn thành nhiệm vụ, ngoài việc mỗi chiến sĩ phải nhanh nhạy, nắm vững nghiệp vụ, còn phải tranh thủ học thêm chuyên môn, kiến thức khoa học, còn phải bám địa bàn. Có nhiều vụ việc phải nắm kỹ hoạt động của đối tượng kéo dài nhiều ngày, tháng. Nắm vững chuyên môn thì người vi phạm mới tâm phục khẩu phục, việc vi phạm mới có cơ hội được kéo giảm. (còn nữa)

Huyền Nga
.
.
.