Cứu đuối - nước đã tới chân!

Bài 1: Phổ cập bơi trong trường học: Kỹ năng sống bị lãng quên

Thứ Sáu, 03/06/2016, 10:21
Từ tháng 1-2016 tới nay, trên toàn quốc đã xảy ra 44 vụ trẻ đuối nước làm 70 trẻ tử vong, đó là con số mà Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em (CSBVTE) - Bộ LĐ-TB&XH đã cho biết.


Mỗi năm Việt Nam cũng ghi nhận có khoảng 6.000 vụ tai nạn trẻ đuối nước và là nước cao nhất trong khu vực về tỉ lệ tai nạn trẻ bị đuối nước. Phổ cập bơi trong trường học là điều không thể chần chừ, song từ điều kiện thực tế, đây thực sự đang là bài toán khó mà ngành Giáo dục còn đang rất lúng túng giải quyết.

Phía sau những con số đau lòng

Trong số trẻ đuối nước từ đầu năm tới nay, thì vụ việc ngày 15-4 được coi là nghiêm trọng nhất xảy ra tại xã Nghĩa Hà, tỉnh Quảng Ngãi làm 9 học sinh (HS) của lớp 6B Trường THCS Nghĩa Hà, Quảng Ngãi tử vong.

Liên tục ngay sau đó trong tháng 4 và tháng 5-2016, hàng loạt những thông tin đau xót được đăng tải trên các phương tiện thông tin truyền thông về những trường hợp HS đuối nước đầy day dứt, xảy ra trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Long An, Gia Lai, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An… đều liên quan tới việc tử vong của 2-3 trẻ trong mỗi vụ, như: vụ đuối nước tại xã Phước Bình - Long Thành - Đồng Nai với 2 HS; 2 vụ đuối nước khác cùng xảy ra tại tỉnh Nghệ An (ngày 23-5 và ngày 29-5) làm 1 HS mẫu giáo (ngụ tại bản Bình Sơn - Tà Cạ - Kỳ Sơn) và 3 HS các lớp 1, lớp 4 và lớp 5 (ngụ tại xã Diễn Quảng, Diễn Châu, Nghệ An) tử vong.

Học sinh Trường THCS Trần Văn Ơn (Quận 1, TP Hồ Chí Minh) được học tại hồ bơi xây trong khuôn viên nhà trường.

Tại địa bàn TP Hồ Chí Minh vào ngày 8/5, một bé trai 5 tuổi theo gia đình tới hồ bơi trong khu nghỉ dưỡng cao cấp Boat Club Resort tại phường Tam Đa, quận 9, do thiếu sự giám sát của người lớn, bé đã bị té xuống khu vực hồ bơi của người lớn, dù đã được sơ cấp cứu tại chỗ và điều trị tích cực tại BV Nhi Đồng 2, nhưng cháu bé đã tử vong …

Th.S-BS Vũ Thị Kim Hoa - Cục phó Cục BVCSTE - Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận, tỉ lệ trẻ tử vong do tai nạn thương tích trong đó có tai nạn đuối nước của nước ta đã giảm so với năm 2010, nhưng vẫn ở mức rất cao.

Bà Hoa cũng thừa nhận, có một thực tế, đó là giáo dục của Việt Nam nhiều năm qua đã lãng quên dạy kỹ năng cho HS. Nói cho đúng là những kỹ năng sinh tồn trong những tình huống nguy cấp gặp phải của cuộc sống, trong đó có môn bơi lội thực sự đã bị “hổng” trong chương trình của HS phổ thông Việt Nam.

Ngoài ra, trước vấn nạn HS đuối nước, Bộ LĐ-TB&XH luôn yêu cầu các địa phương báo cáo về tỉ lệ trẻ biết bơi là bao nhiêu, nhưng chưa bao giờ có con số đầy đủ.

Loay hoay tìm giải pháp

Được biết, sau vụ việc đuối nước thương tâm xảy ra tại Quảng Ngãi, ngành Giáo dục mới chợt “giật mình” nhìn lại, hệ thống các trường phổ thông được xây dựng lâu nay, đa số đều “trắng” hồ bơi. Nhưng việc phổ cập bơi cho HS là không thể chần chừ!

Khi chúng tôi đang thu thập tư liệu cho bài viết này thì theo thông tin từ Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh , hiện Sở này còn đang tiếp tục triển khai các “kế hoạch” về phòng chống đuối nước dù theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, từ năm 2010, TP đã phải triển khai và thí điểm đưa môn bơi thành môn học chính thức cho HS. Ngoài ra, Sở này cũng vẫn còn đang đợi Tổ Liên ngành… “xây dựng” chương trình phổ cập bơi cho HS phổ thông và đang khảo sát tình hình hoạt động bơi lội của các trường.

Trao đổi với PV Báo CAND chiều ngày 28-5, Bác sĩ (BS) Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực (HSTC) chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1, cũng băn khoăn: “Ai cũng hiểu đuối nước là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nguy cơ tử vong cho trẻ em, nhưng về phía nhà quản lý thì thực sự còn thiếu quan tâm.

Khoa HSTC của BV thường có mở khoá tập huấn cho giáo viên thành phố về cách sơ cấp cứu cho trẻ đuối nước nhưng từ đầu năm 2016 tới nay, Khoa chưa hề nhận được bất cứ một yêu cầu nào từ phía các trường. Có lẽ nhà trường bận nhiều việc khác?!”.

Theo Sở GD - ĐT TP Hồ Chí Minh, thành phố cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện chương trình phổ cập bơi lội cho HS, hướng đến mục tiêu 100% HS phổ thông biết bơi vào năm 2020. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình đang còn rất nhiều khó khăn vướng mắc do số trường có hồ bơi rất ít, thiếu kinh phí cũng như thiếu GV chuyên môn.

Được biết, có khoảng trên 1,2 triệu HS phổ thông tại địa bàn TP Hồ Chí Minh, việc phổ cập bơi cho một con số quá lớn quả thực một gánh nặng đặt trên vai của những người làm công tác giáo dục. Tuy nhiên, theo cô Trần Thuý An - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, việc triển khai sao cho phù hợp với từng trường, từng địa phương là vô cùng quan trọng.

Lúc đầu sẽ khó tránh được bất cập từ nhiều phía. Nếu đưa vào chương trình hoạt động ngoài giờ thì dễ mang tính hình thức. Riêng vấn đề các trường phải xây hồ bơi để phổ cập môn này thì là điều không tưởng vì quĩ đất các trường là không còn. Chưa kể vấn đề liên quan tới kinh phí vận hành nếu có hồ bơi.

Ngoài ra, toàn trường có 7 GV dạy thể dục, nhưng chỉ có 2 GV dạy bơi thực sự. Với 45 HS thì cần ít nhất 4 người: 2 người lo hướng dẫn, 1 người ngồi trên ghế cao để quan sát, 1 người lo phục vụ ở khu vực phòng thay đồ, tắm sau giờ học.

Thầy Vũ Văn Bình là GV dạy bơi của Trường THCS Trần Văn Ơn, đề xuất: “Phổ cập môn bơi khi trường không có hồ bơi thực sự là khó nhưng có thể kết nối giữa các trường đã có hồ bơi với những trường chưa có thành một cụm. Hoặc kết hợp với các hồ bơi trong thành phố tổ chức cho HS học.

Một phương án nữa mà ngành nên nghĩ tới đó là lắp đặt hồ bơi nổi mà gần đây đã triển khai ở vài trường học khu vực miền Trung. Sẽ có nhiều khó khăn lúc đầu nhưng nếu tổ chức khoa học và phụ huynh ủng hộ thì việc tổ chức học bơi là không khó. Vấn đề là các trường có bắt tay vào làm hay không!”.

Một cán bộ Phòng Giáo dục của TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ: “Do quận tôi trắng hồ bơi trong trường nên đã phải hợp đồng với các hãng xe buýt hàng tuần chở các em tới học bơi tại các hồ bơi tư nhân. Mỗi buổi học chừng 3 lớp.

GV Thể dục chịu trách nhiệm đưa các em đi học, mọi việc hướng dẫn và quản lý HS là Ban quản lý tại hồ bơi lo. Phải “phó mặc” mọi việc chuyên môn cho hồ bơi cũng rất lo. Biết là vậy nhưng việc dạy bơi cho trẻ phải quyết liệt và không thể chần chừ hơn được nữa”..

Huyền Nga
.
.
.