Bà con giáo dân hiến hàng ngàn mét vuông đất xây dựng Nông thôn mới

Thứ Hai, 20/11/2017, 09:58
Trong những năm qua, Nghệ An là địa phương được các cấp, ngành liên quan đánh giá cao về hiệu quả xây dựng Nông thôn mới (NTM). Để góp công sức xây dựng NTM, nhiều giáo họ, bà con giáo dân ở xứ Nghệ đã tự nguyện hiến hàng chục ngàn m2 đất để làm đường, xây trường học, trạm y tế xã…

Thấm nhuần đạo đức “kính Chúa, yêu nước” nên hầu hết bà con giáo dân đã nói “không” với việc làm sai trái của một số ít linh mục, giáo dân cực đoan để sống “tốt đời, đẹp đạo”, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Khẩu hiệu “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” trong dân gian đang được Đảng bộ và nhân dân xã Nam Nghĩa, huyện Nam Đàn, Nghệ An vận dụng một cách uyển chuyển và hiệu quả trong việc xây dựng quê hương. Chính vì vậy, từ năm 2015, xã Nam Nghĩa đã hoàn thành xây dựng NTM.

Anh Nguyễn Hải Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Nam Nghĩa vui vẻ nói với chúng tôi: “Xã Nam Nghĩa có trên 1.200 hộ dân với hơn 4.000 nhân khẩu chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, mấy năm gần đây một số hộ chuyển sang thương mại, dịch vụ. Xã thuần nông kinh tế khó khăn nên để xây dựng thành công NTM hết sức cam go, không có sự đồng thuận, đoàn kết từ chính quyền đến nhân dân thì không thể làm được. Mở một con đường làng cũng va vào vườn nhà này, nhà khác nhưng mỗi cán bộ, đảng viên đều xác định vì dân vì xã nên chấp nhận hiến phần đất khi đường lấn vào vườn nhà, từ đó nhân dân trên địa bàn cũng hưởng ứng nhiệt tình”.

Bà con giáo dân ở Nghệ An đã hiến gần 100.000m2 đất để xây dựng đường giao thông và các công trình phúc lợi xây dựng quê hương.

Để xây dựng thành công NTM, hơn 800 hộ dân ở xã Nam Nghĩa đã hiến hơn 95.000m2 đất, nhiều hộ gia đình giáo dân đã tự nguyện phá dỡ hàng trăm mét tường rào, chuồng trâu, bò, cổng xây với tổng trị giá nhiều tỷ đồng.

Nhiều hộ điển hình trong việc hiến đất xây dựng NTM ở Nam Nghĩa như gia đình anh Đinh Văn Phú tự tháo dỡ gần 100m tường rào kiên cố; ông Trần Quang Hóa hiến 160m2 đất vườn và hơn 70m tường rào; Anh Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Thanh Tâm… cũng tự nguyện hiến hàng trăm m2 đất của gia đình để làm đường và các công trình phúc lợi của địa phương.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, xã Nam Nghĩa có 231 đảng viên, trong đó có 33 đảng viên là bà con giáo dân. Năm nào cũng có những thanh niên Công giáo ưu tú phấn đấu để vào Đảng. Ngày lễ, tết ở Nam Nghĩa luôn là ngày hội vui chung của bà con lương, giáo.

Việc bà con giáo dân hiến đất xây dựng NTM ở Nghệ An đã, đang trở thành phong trào sâu, rộng trong quần chúng nhân dân. Ở xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, giáo dân Nguyễn Văn Toàn đã nhường cả 400m2 đất cho thôn xây dựng nhà văn hóa.

Từ một người lính trở về từ chiến trường, ông Toàn luôn thấu hiểu cái giá để được sống trong hòa bình, và xây dựng quê hương, đất nước yên bình, giàu mạnh. Khi ông có ý định hiến đất cũng có người thân can ngăn, song ông xác định “kính Chúa, yêu nước” làm được gì cho nhân dân thì cố gắng hết sức làm nên ông đã gặp lãnh đạo xã, thôn để hiến đất xây dựng nhà văn hóa cho bà con có chỗ sinh hoạt cộng đồng.

Cũng như ông Toàn, rất nhiều bà con giáo dân đang nỗ lực cùng với chính quyền các thôn, xã quyết tâm xây dựng thành công NTM ở Nghệ An. Ở xã Hoa Sơn huyện Anh Sơn, từ năm 2012 đến nay bà con Công giáo trên địa bàn xã đã hiến 2.120m2 đất, di dời trên 800m bờ rào, đóng góp vật liệu xây dựng, ngày công trị giá cả tỷ đồng để mở, xây dựng đường giao thông nông thôn.

Chị Nguyễn Thị Tài một giáo dân tiêu biểu ở xã Hùng Sơn cho biết, cách đây hơn 10 năm, cái đói, cái nghèo luôn bám riết gia đình chị. Chồng nay ốm mai đau, 6 đứa con lại đang tuổi ăn tuổi học, nhiều lúc chị Tài chẳng biết bấu víu vào đâu để lo toan cuộc sống.

Nhờ được hỗ trợ 3 triệu đồng từ quỹ xóa đói giảm nghèo của xã, chị vay mượn thêm để phát triển chăn nuôi. Đến nay thu nhập từ chăn nuôi và phát triển vườn cây ăn quả, mỗi năm đưa lại thu nhập trên 100 triệu đồng cho gia đình chị Tài.

Khi thôn, xã đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM, chị Tài và nhiều hộ gia đình bà con giáo dân khác luôn hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình bởi theo chị, thôn xóm giàu đẹp, an ninh tốt thì gia đình mới yên tâm làm ăn phát triển kinh tế.

Cũng như chị Tài, nhiều giáo dân ở Hoa Sơn đã luôn thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa và tự nguyện hiến hàng ngàn m2 đất để làm đường giao thông bê tông. Theo số liệu của UBND huyện Anh Sơn, trong 5 năm qua, 4 giáo xứ và 17 giáo họ cùng hội đồng mục vụ và gần 10 ngàn giáo dân trên địa bàn huyện đã tích cực hưởng ứng xây dựng NTM.

Bà con giáo dân trên địa bàn đã hiến hơn 3.500m2 đất, gần 2.000m tường bao, tháo dỡ nhiều công trình của gia đình và chặt hạ cây xanh, đồng thời ủng hộ 11 tỷ đồng, hơn 3.000 ngày công để làm đường giao thông và xây dựng các công trình phúc lợi xã hội trên địa bàn huyện.

Được biết, Cộng đoàn Công giáo tỉnh Nghệ An hiện có gần 51 nghìn hộ, gần 270 nghìn người, 13 giáo hạt, 91 giáo xứ và 260 giáo họ, chiếm khoảng 8% dân số. Những năm qua, Cộng đoàn giáo dân tỉnh Nghệ An luôn tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, trong đó đi sâu vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo”.

Thời gian qua, một vài linh mục cực đoan, đi ngược lại với giáo lý, đạo đức Kitô và truyền thống đoàn kết, yêu thương của dân tộc trên địa bàn đã lôi kéo một số ít bà con giáo dân có những hành động như xuống đường gây ách tắc giao thông, có hành vi chống lại chính quyền…

Nhưng được sự chỉ rõ của các cơ quan, đoàn thể ở địa phương, đặc biệt là sự lên tiếng của số đông bà con giáo dân trên địa bàn trước hành vi sai trái đó, nên bà con giáo dân nghe theo xúi giục làm sai của linh mục đã tỉnh ngộ và chăm lo xây dựng đời sống. Bà con giáo dân ở Nghệ An đã hiến gần 99.142m2 đất để xây dựng nông thôn mới, 31 giáo họ được công nhận “Giáo họ bình yên không có TNXH”.

Tại Đại hội đại biểu người Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VII tỉnh Nghệ An, nhiệm kỳ 2017 – 2022 vừa diễn ra, linh mục Trần Xuân Mạnh, Quyền Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã biểu dương những thành tích của Cộng đoàn Công giáo Nghệ An trong thời gian qua.

Đồng thời, linh mục Trần Xuân Mạnh khẳng định, trước khi làm người Công giáo, mỗi người là công dân của Nhà nước Việt Nam, vì thế có trách nhiệm "sống phúc âm giữa lòng dân tộc" theo tinh thần Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Sông Lam-Lam Hồng
.
.
.