Ẩn họa trong những căn nhà không lối thoát hiểm
- Nguy hiểm "chuồng cọp" không lối thoát hiểm ở Hà Nội
- Nơm nớp lo khi sống tại những khu dân cư đô thị "không lối thoát hiểm"
Đau đớn và bất lực nhìn mẹ và cháu ra đi
4 nạn nhân bị bỏng nặng gồm chị Huỳnh Thị Hồng Vân (31 tuổi), bé Huỳnh Ngọc Tiên (12 tuổi, con anh Tâm), anh Huỳnh Phước Thiện (41 tuổi), anh Huỳnh Hồng Tâm (38 tuổi). Trong đó, chị Vân và cháu Tiên bị bỏng nặng, ngạt khói được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu. Hai anh Tâm và Thiện được chữa trị tại Bệnh viện quân dân miền Đông.
Nằm trên giường bệnh, anh Tâm đau đớn kể lại phút giây sinh tử trong đám cháy mà anh và cả nhà đã trải qua. Vào thời điểm trước khi vụ cháy xảy ra khu vực nhà anh Tâm cúp điện. Sau đó đến 23h điện mở lại nhưng chập chờn. Anh Tâm ngủ ở dưới tầng trệt gần cửa ra vào. Đang ngủ anh tâm thấy người nóng ran, mở mắt thấy lửa bùng phát mạnh tại tấm nệm cũ gần chỗ anh nằm. Vị trí cháy này đã che khuất lối lên lầu. Anh Tâm lách ra khỏi cửa nhà hô hoán và kéo các xe gắn máy trong nhà ra ngoài để ngọn lửa không bén. Bên trên lầu mọi người đã phát hiện ra cháy nên gào thét kêu cứu.
Hiện trường vụ cháy khiến 2 người tử vong ở quận 9. |
Bà Mùi ở cùng phòng với chị Vân, cháu Tiên, Hân và một cháu bé 10 tháng tuổi (con chị Vân) cạnh phòng anh Tâm nhưng đám cháy lại bùng phát ở vị trí giữa 2 phòng nên anh Tâm không thể xông vào cứu. Căn phòng này lại bị khóa kín vì bà Mùi vừa gắn máy lạnh để các cháu ngủ. Anh Tâm chạy vào, chạy ra dùng nước hòng dập tắt đám cháy nhưng bất thành. Người anh Tâm bị phỏng nặng.
Nằm ở giường bên cạnh, anh Thiện với vết bỏng chi chít trên người nghẹn ngào, luôn miệng trách bản thân vì để mẹ và cháu chết thảm. Đang ngủ anh Thiện nghe em trai hô hoán nên bừng tỉnh giấc, chạy qua lửa cùng em trai phá cửa dập lửa.
Trong lúc hoảng loạn, anh Thiện lấy chăn thấm nước trùm lên người rồi lao vào đám cháy. Đến khu vực nhà tắm, anh Thiện thấy Vân và cháu Tiên bị ngạt khói ngất. Đứa con 10 tháng tuổi của Vân được Vân trùm chiếc áo ướt rồi đặt ở một góc phòng nhà tắm. Sợ đứa cháu 10 tháng tuổi nguy hiểm đến tính mạng, anh Thiện trùm chăn bế cháu bé ra ngoài giao cho mọi người rồi tiếp tục xông vào đám cháy. Anh Thiện bế chị Vân và cháu Tiên ra ngoài trong tình trạng bị ngạt và bỏng.
Nhớ lại cảnh lần mò trong đám cháy để tìm bà Mùi và bé Hân, anh Thiện bật khóc: “Sau khi đưa được 3 người ra ngoài, tôi bị bỏng nhiều chỗ nhưng nghĩ mẹ và cháu gái 3 tuổi còn ở bên trong nên tiếp tục lao vào. Tôi chạy vào đám cháy, ngợp lại chạy ra, thở được chút lại chạy vào tìm mẹ và cháu gái. Khi đám cháy được dập tắt, các anh Cảnh sát PCCC phát hiện mẹ tôi và cháu Hân đã tử vong do ngạt khói”.
Lối thoát hiểm không thể thoát bởi đồ đạc
Căn nhà bị cháy của bà Mùi được ngăn vách làm thành 3 ki-ốt cho thuê. Thời gian gần đây bà Mùi xây lại nhà (sát vách căn nhà bị cháy-PV) nên đã lấy lại 3 ki-ốt này phá vách để các thành viên trong gia đình ở tạm. Vì vậy bên trong căn nhà này có rất nhiều vật dụng chứa ngổn ngang, đặc biệt là dãy hành lang nhỏ hẹp dùng để chứa xe gắn máy. “Chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là nhà xây xong cả gia đình dọn về ở. Vậy mà mẹ và cháu lại ra đi! ”- anh Thiện đau đớn nói.
Từ những vụ cháy gây thiệt hại về tài sản và tính mạng xảy ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh gần đây đều có một điểm chung, đám cháy xuất phát từ tầng trệt căn nhà vào lúc trời tối. Lối thoát hiểm duy nhất của căn nhà bị lửa bao phủ vì vậy người ở bên trong nhà không lối thoát. Vụ cháy căn nhà 4 tầng số 12, đường số 7, phường 4, quận 8, TP Hồ Chí Minh rạng sáng 6-9, khiến 2 người tử vong và 6 người bị ngạt khói cũng xảy ra tương tự. Đám cháy xuất phát từ tầng trệt bởi sự cố xe gắn máy nên khói độc tỏa ra khắp căn nhà khiến mọi người bị ngạt.
9 tháng đầu năm 2017 tại TP Hồ Chí Minh đã xảy ra 775 vụ cháy khiến 10 người chết, 27 người bị thương. Số vụ cháy nhà dân (đa phần là nhà ống kết hợp kinh doanh) chiếm gần 37% các vụ cháy. Nguyên nhân xảy ra cháy nhiều nhất là do chập điện (chiếm hơn 52%). Trong các vụ cháy gần đây có rất nhiều vụ người dân bị mắc kẹt trong đám cháy.
Trung tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng Phòng pháp chế, điều tra-xử lý về cháy, nổ - Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh cho hay, những vụ cháy gần đây dẫn đến thiệt hại về tài sản và tính mạng con người đều có điểm chung là nhà có một lối đi, khi ngọn lửa bùng phát tại khu vực đó thì không lối thoát. Những căn nhà bị cháy trên đa phần kết hợp nơi kinh doanh với nhà ở nên bên trong chứa rất nhiều hàng hóa, ngay cả lối thoát hiểm (cầu thang, cửa chính) cũng bị tận dụng để chứa hàng. Các đám cháy thường xảy ra về đêm nên những người trong nhà dễ hoảng loạn và không tìm được lối thoát.
Trung tá Lê Mạnh Hà khuyến cáo, khi hỏa hoạn xảy ra cần xác định vị trí ban công, cửa sổ để thoát hiểm, đặc biệt không nên nấp vào nhà vệ sinh. Nếu buộc phải băng qua đám cháy mở lối thoát hiểm duy nhất của căn nhà thì cần phải sử dụng chăn thấm đẫm nước trùm lên người, bịt mũi, cúi thấp người men theo tường để không hít phải khói độc. Nhưng quan trọng, là khi xây dựng nhà xưởng phải chủ động thiết kế lối thoát hiểm, luôn để thông thoáng khi tình huống bất trắc xảy ra. Nếu làm nhà mà chỉ có một lối vào ra thì khó lường hết hậu quả khi có cháy nổ, nó luôn là ẩn họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào vì nhiều nguyên nhân.