Ẩn họa ít người biết từ đũa dùng một lần

Thứ Sáu, 07/07/2017, 09:25
“Giá thành rẻ, tiện sử dụng”, đó chính là nhận xét chung của người dân đối với loại hình sản phẩm đũa dùng một lần. Không chỉ với những người bán hàng ăn, mà đối với người tiêu dùng, sản phẩm đũa dùng một lần vẫn được chọn lựa khi trang bị cho các chuyến đi dã ngoại.

Tính phổ thông của sản phẩm này được sử dụng ở hầu hết các quán cơm bình dân, cho tới các cửa hàng bán đồ ăn vào buổi sáng. Giá thành siêu rẻ, ăn xong thì bỏ luôn chính là những ưu điểm khiến loại hình sản phẩm này được ưa chuộng. Thế nhưng, ít ai biết được rằng sản phẩm này chưa hề có một quy chuẩn chung nào được ban hành đúng về chất lượng sản phẩm.

Dạo một vòng quanh các quán ăn bình dân ở các quận tại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi ghi nhận thấy hầu như các quán đều sử dụng sản phẩm đũa dùng một lần. Trao đổi với chúng tôi, chị Lê Thị Lan, chủ một quán cơm bình dân ở đường D2, quận Bình Thạnh cho biết, nhà chị bán cơm cũng được gần 10 năm nay, ngay từ lúc mới mở quán là chị đã nghĩ ngay đến việc sử dụng đũa dùng một lần, phần vì tiện dụng, giá rẻ, dùng xong không phải lo rửa, quan trọng nhất là khách hàng hầu hết tin tưởng, an tâm về việc dùng loại đũa này.

Tại hầu hết các chợ từ quận đến phường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đều bán thông dụng đũa dùng một lần, giá rất rẻ bởi được tính bằng… ký. Tính bình quân mỗi đôi đũa dùng một lần chỉ có giá bán khoảng hơn 100 đồng/đôi. Cơ bản các loại đũa dùng một lần đều được làm từ tre hoặc các cây họ tre.

Chiếc đũa trắng, bóng, nhẵn mịn, rất bắt mắt. Nhìn cảnh mua bán tấp nập ở đây cũng phần nào thấy được nhu cầu rất lớn của thị trường đối với mặt hàng đũa dùng một lần.

Điều ít ai biết đến thời điểm này, sản phẩm “đũa dùng một lần” vẫn không theo quy chuẩn chất lượng sản phẩm. Trong khi Bộ Y tế đã có quy chuẩn quốc gia với nhiều sản phẩm bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm nhưng không hề có dụng cụ đũa ăn.

Thực tế này không chỉ gây khó khăn trong quản lý mặt hàng này mà còn đưa đến những nguy cơ lớn trực tiếp đe dọa sức khoẻ của người tiêu dùng xuất phát từ chính quá trình sản xuất sản phẩm đũa dùng một lần. Qua trao đổi, nhiều người tiêu dùng có suy nghĩ rất “tin tưởng” vào chất lượng của loại đũa dùng một lần, bởi họ cho rằng, đũa này chỉ sử dụng một lần rồi bỏ đi, không tái sử dụng nên sạch sẽ và bảo đảm vệ sinh hơn đũa dùng nhiều lần (?). Tuy nhiên, thực tế chưa hẳn đã phải như vậy.

Bằng chứng là thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều lần đưa tin về tình trạng lạm dụng các loại hoá chất trong sản xuất đũa dùng một lần ở nhiều địa phương trong cả nước…

Tại những cơ sở này, hàng tấn nguyên liệu dùng để sản xuất đũa bị vứt la liệt dưới nền đất đầy bụi bẩn. Để tạo ra những đôi đũa dùng một lần bóng trắng, không bị mốc, mối mọt, nhiều nơi người sản xuất đã ủ và hấp, sấy đũa với lưu huỳnh, một loại hoá chất cực độc đối với sức khoẻ con người.

Quá trình sản xuất, chủ cơ sở còn sử dụng một loại bột màu trắng được chỉ định dùng trong công nghiệp nhằm tạo độ trơn, bóng cho đũa thành phẩm. Loại bột này được rải trực tiếp lên đũa trước khi được đưa ra đóng bao. Vì thế, khi sử dụng đũa dùng một lần thì nguy cơ hấp thụ các loại hoá chất tồn dư trên đũa sẽ là rất cao.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, trên thị trường hiện nay có một số loại đũa gỗ được phủ một lớp sơn bóng, sơn vàng, thậm chí còn có đường viền, hoa văn trang trí rất bắt mắt. Song mọi người cần tránh mua loại đũa sơn này vì trong thành phần của sơn có kim loại nặng dùng để tạo màu. Các kim loại nặng trong sơn có thể gây đột biến nhiễm sắc thể, ung thư.

Chẳng hạn như chì là kim loại nặng có khả năng tích tụ lâu dài trong cơ thể người và ít bị thải loại nên chỉ cần một lượng nhỏ tích tụ lâu dài cũng có thể ảnh hưởng sức khỏe như hại hệ thần kinh, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Hay như cadmium (Cd) khi vào cơ thể sẽ phá hủy canxi của xương, làm xương trẻ kém phát triển và có thể gây còi xương. Tới tuổi già thì làm loãng xương. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, Cd gây ung thư tiền liệt tuyến, ung thư phổi, ung thư vú…

Bên cạnh đó, đũa dùng một lần thường được làm từ các loại tre tươi, tre có chất lượng không tốt (tre non, tre tồn dư…), khả năng chịu ẩm mốc rất kém. Trong quá trình sơ chế, xử lý nguyên liệu, để chống nấm mốc và làm đũa trắng, các cơ sở sản xuất có thể lựa chọn sử dụng nhiều cách, trong đó có sấy khô, dùng hoá chất...

Song, một chủ cơ sở sản xuất đũa thừa nhận với tôi rằng: “Nếu sấy khô không phải chỉ chịu chi phí cao, lại tốn thời gian nên dân làm đũa vẫn hay dùng hoá chất”. Tình trạng này sẽ gây những hậu quả lớn đối với người sử dụng bởi theo nghiên cứu, chỉ riêng với chất lưu huỳnh tồn dư trên đũa dùng một lần, người dùng đã có thể phải đối mặt với việc bị phá hủy chức năng hô hấp, suy giảm chức năng tiêu hoá…

Khi được hỏi, nhiều chuyên gia có cùng quan điểm rằng việc ban hành quy chuẩn quốc gia về chất lượng đối với mặt hàng này là hết sức cần thiết. Trong lúc chờ quy chuẩn quốc gia về chất lượng đối với sản phẩm đũa dùng một lần, mỗi chúng ta hãy là “người tiêu dùng thông thái”, để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình.

Hải Âu
.
.
.