Ăn Tết trên dãy Trường Sơn

Thứ Bảy, 17/02/2018, 09:14

Nhờ làm ăn khá, năm nay bà con các dân tộc Pa Cô, Vân Kiều trên dãy Trường Sơn, Quảng Trị xã nào cũng mổ từ 2-3 con bò để ăn Tết.

Trung tá Nguyễn Thanh Hồng, Đồn trưởng Công an Tà Rụt, huyện Đakrông, Quảng Trị dẫn chúng tôi đi thăm bà con xã A Đăng. Già làng Hồ Rạng phấn khởi cho biết: “Tết năm nay bố nấu 40 đòn bánh tét, nhiều gấp đôi năm ngoái. Nấu nhiều để không chỉ ăn trong mấy ngày Tết, mà ra giêng vẫn còn hương vị của những ngày Xuân kéo dài. Con cháu khi ăn nên làm ra có quyền được hưởng nhiều hơn những lúc khó khăn!”.

Thôn A Đăng có khoảng 100 hộ dân, đa số người Pa Cô, Vân Kiều sinh sống, làm ăn từ nhiều đời nay. Theo già làng Hồ Rạng, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, bà con ở đây đều vào rừng theo Bộ đội đánh giặc. Bản làng những tháng năm đó bị bom đạn giặc cày đi xới lại nhiều lần. Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, người dân từ các vùng rừng sâu quay về xây dựng lại quê hương.

Những năm qua, được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và đoàn thể địa phương, A Đăng được đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện. Trong đó, ưu tiên nước sạch, thủy lợi để phát triển nông, lâm nghiệp; trường học, trạm y tế và đường sá đi lại thuận tiện. Năm 2017, nhờ thời tiết thuận lợi cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, việc phát triển kinh tế nhờ đó mang lại hiệu quả; tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở A Đăng đã giảm mạnh.

Theo Trung tá Hồng, những năm gần đây, không chỉ thôn A Đăng, mà bà con 4 xã thuộc thị tứ Tà Rụt, gồm Tà Rụt, A Bung, A Ngo và A Vao đều rất chí thú làm ăn. Bên cạnh đó, việc học hành của con cái được bố mẹ chú trọng, đầu tư nhiều hơn. Toàn dân đều nêu cao tinh thần đoàn kết, xây dựng, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống; tích cực tham gia vào phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Đến nay, 4 xã kể trên không còn tình trạng thanh thiếu niên hư như trước đây…

Rời Đakrông, chúng tôi đến 7 xã vùng Lìa của huyện Hướng Hóa (Thanh, Thuận, A Xing, Xy, A Túc, A Dơi và Pa Tầng). Già làng Hồ Lua, ở bản Kỳ Rỹ, xã A Xing kể về truyền thống ăn Tết của người đồng bào. Giọng của già trầm ấm: “Trước đây, người Pa Cô, Vân Kiều ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị ăn Tết chỉ sau thu hoạch xong vụ lúa, mỗi năm chỉ một lần, thường kéo dài 1 tuần lễ đến 10 ngày vào khoảng tháng 4 âm lịch hàng năm. Nhưng sau này, khi văn hóa của người miền xuôi phát triển mạnh ở đây, bà con dân bản thấy hay, ấm áp nên làm theo. Vì vậy, ngày nay, mỗi năm người Pa Cô, Vân Kiều có đến 2 cái Tết”.

“So với năm trước, năm nay, người dân ở Lìa ăn Tết to hơn nhờ vào việc được mùa sắn và lúa. Riêng sắn, bình quân mỗi hộ thu hoạch lãi ròng 50 triệu đồng. Nhà nào trồng nhiều trên 3 ha, mức lãi phải trên 100 triệu đồng. Sắn dễ trồng và dễ bán, chỉ cần cày, gom củ lại một đống là có xe của Nhà máy sắn Hướng Hóa đến thu mua tận bãi”, già làng Hồ Lua phấn khởi cho biết thêm.

Ông Lê Quang Thuận, Phó chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa chia sẻ: “Năm 2017, tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt 11.758,79 tỷ đồng, đạt 100,5% kế hoạch. Trong đó, nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 1.264,68 tỷ đồng, đạt 109,57% kế hoạch. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người tăng, từ 31,2 triệu đồng năm 2016 lên 32,3 triệu đồng/người/năm.
Ăn Tết trên dãy Trường Sơn Quảng Trị

Đặc biệt, ở vùng Lìa của huyện, số hộ nghèo, cận nghèo giảm mạnh, số hộ khá, giàu tăng nhanh nhờ vào sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng sắn lấy củ bán cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa đóng tại xã Thuận. Nhờ làm ăn khá, nên năm nay xã nào cũng mổ từ 2-3 con bò để ăn Tết...

Thanh Bình
.
.
.