20 năm - một chặng đường nghiên cứu khoa học tâm linh

Thứ Hai, 14/11/2016, 08:03
Sáng 13- 11, tại Hà Nội, Bộ môn Cận Tâm lý - Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Bộ môn (16-11-1996 - 16-11-2016).


Đây là dịp để các thế hệ nghiên cứu khoa học tâm linh, các nhà ngoại cảm, các cựu chiến binh và những người có khả năng đặc biệt trong lĩnh vực này gặp nhau để ôn lại kỉ niệm.

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, một số cựu chiến binh gồm Đại tá Ngô Vi Thiện, Đại tá Hàn Thụy Vũ, Đại tá Tạ Doãn Địch đã quy tụ thành một nhóm “Ba không”: Không thuộc một tổ chức chính thống nào, không kinh phí, không phương tiện đi lại. Nhóm “Ba không” đã bước vào hành trình trở lại chiến trường xưa của các binh đoàn chủ lực như: 308, 320, 304, 312, Binh đoàn Trường Sơn để tìm những đồng đội đã hy sinh.

Những người lính năm xưa đã kết nối với những người có khả năng đặc biệt là các nhà ngoại cảm: Đỗ Bá Hiệp, Trần Quang Bích, Thẩm Thúy Hoàn, Nguyễn Thị Phúc Lộc và Phan Thị Bích Hằng.

Họ đã cùng nhau vượt núi, băng rừng tìm kiếm hài cốt của những liệt sĩ đã hy sinh trong trận Non Nước (ngày 28 đến 30-5-1951), Phủ Thông, Bắc Kạn (rạng sáng 25-7-1948) và trận đánh Đồn Pheo, chiến dịch Hòa Bình 1952.

Sau sáu năm với bao chuyến đi tìm đồng đội, cùng với những kết quả kỳ diệu trong các cuộc tìm mộ liệt sĩ, ngày 16-11-1996, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, trong đó có Bộ môn Cận Tâm lý đã được thành lập, theo Quyết định số 693 T/C của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Ngày 14-11-2012, Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người ra đời theo Quyết định số 760 QĐ-LHHVN. Kể từ đây Bộ môn Cận Tâm lý là một đơn vị trực thuộc Viện này.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Chủ nhiệm Bộ môn Cận Tâm lý nhấn mạnh: 20 năm qua, nhiều cán bộ quản lý, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, những cựu chiến binh của Bộ môn đã tổ chức nhiều chuyến khảo sát thực địa với những người có khả năng đặc biệt; đi tới khắp mọi miền của Tổ quốc, vào rừng sâu, biên giới, ra hải đảo, sang Lào, Campuchia để tìm kiếm và đưa về nước hàng ngàn hài cốt liệt sĩ bị thất lạc.

Quá trình nghiên cứu và ứng dụng, Bộ môn Cận Tâm lý đã quay 9 cuốn video, thực hiện hơn 100 băng ghi âm, hàng ngàn bức ảnh, hàng ngàn tranh tư liệu lưu giữ trong những chuyến đi thực nghiệm.

“Chúng tôi nhận thức rằng, nghiên cứu những khả năng đặc biệt của con người là nghiên cứu một lĩnh vực khoa học mà bản chất của nó có thể khác rất xa với những khoa học mà chúng ta đã và đang tiếp cận.

Có những vấn đề phức tạp, khó khăn, nhiều vấn đề còn đầy những bí ẩn, ứng dụng vào cuộc sống không đơn giản. Và để mọi người nhận thức được và được công nhận cũng còn phải một quá trình lâu dài.

Với tinh thần của những người nghiên cứu, những nhà khoa học và những người có khả năng đặc biệt và lòng say mê công việc này, chúng tôi sẽ tiếp tục mang những kiến thức và khả năng của mình để thực hiện khát khao của khoa học là nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người - công việc được coi là gai góc, thách thức và có khi gặp rủi ro, nguy hiểm”, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm bày tỏ.

Nguyễn Hưng
.
.
.