Mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân ở các khu nhà chung cư Khu đô thị mới Mỹ Đình II (Hà Nội):

1.300 hộ dân và câu chuyện hơn 10.000m3 nước thất thoát

Thứ Bảy, 30/05/2015, 07:37
Đã thành lập được ban quản trị, và thuê được đơn vị cung cấp dịch vụ khác phù hợp nhưng mâu thuẫn vẫn xảy ra giữa người dân và chủ đầu tư tại Khu đô thị mới Mỹ Đình II. Chuyện nước sinh hoạt nhiễm asen vừa lắng xuống, cư dân ở đây lại tiếp tục bức xúc với chủ đầu tư về câu chuyện nước sinh hoạt khác. Cùng việc hàng loạt mâu thuẫn chưa được giải quyết, những tranh cãi giữa cư dân và chủ đầu tư Khu đô thị Mỹ Đình II vẫn chưa có hồi kết.

10.000m³ nước thất thoát hằng tháng?

“Bán nhà về ở chung cư. Gần trời xa đất cứ như ở nhờ”, ông Phạm Duy Thái, đại diện Ban quản trị cụm nhà chung cư CT3, CT5 Khu đô thị mới Mỹ Đình II, vẫn mở đầu câu chuyện bằng 2 câu thơ cũ. Câu chuyện về việc người dân ở Khu ĐTM Mỹ Đình II phải sử dụng nguồn nước nhiễm asen trong một thời gian dài gây ồn ã dư luận vừa lắng xuống, nước sinh hoạt cũng đã được thay thế bằng một nguồn nước sạch khác nhưng chẳng được bao lâu câu chuyện về nước sinh hoạt ở đây khiến cư dân khu này lại tiếp tục bức xúc.

Cư dân Khu đô thị Mỹ Đình II đang rất bức xúc về chuyện thất thoát hơn 10.000m³ nước sinh hoạt hằng tháng và diện tích chung bị chủ đầu tư chiếm dụng cho thuê.

Ông Thái cho biết, Khu ĐTM Mỹ Đình II có 1.300 hộ dân sinh sống tại 11 khối nhà chung cư và các lô biệt thự. Vậy nhưng, lượng nước sạch sinh hoạt thất thoát hằng tháng được đơn vị quản lý thông báo lên tới hơn 10.000m³. Ông Thái cho biết, sau khi ban quản trị cụm nhà chung cư này chính thức đi vào hoạt động đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với 1 đơn vị khác là HTX Thụy Điển (thay thế cho đơn vị cung cấp dịch vụ của chủ đầu tư), nhưng nguồn nước sạch vẫn do Xí nghiệp 2 của chủ đầu tư HUDS cung cấp và quản lý. Sau vụ việc nước sinh hoạt nhiễm asen cao nhiều lần mức cho phép gây rúng động cư dân, nguồn nước sinh hoạt ở đây đã được thay thế bằng nguồn nước sạch của Công ty Nước sạch Sông Đà (Viwaco) từ ngày 11/7/2014. Tuy vậy, cư dân lại không được mua nước trực tiếp từ Viwaco, mà Xí nghiệp 2 ký hợp đồng mua bán với Viwaco sau đó bán lại cho người dân.

“Theo như tôi biết thì mức giá nước sạch Viwaco bán cho người tiêu dùng khoảng 5.800 đồng/m³, trong khi đó ở đây chúng tôi phải mua lại qua Xí nghiệp 2 của HUDS lên tới gần 6.600 đồng/m³. Tuy nhiên vấn đề đáng nói nhất là một khu dân cư nhỏ với khoảng 1.300 hộ dân nhưng đơn vị quản lý và cung cấp nước của chủ đầu tư báo mức nước thất thoát lên tới hơn 10.000m³/tháng. Một con số thất thoát quá lớn và người dân chúng tôi phải gánh chịu, trong khi đường ống từ đường Lê Đức Thọ vào đến khu vực này chỉ dài chừng 500m. Đường ống ngắn thế không có lý gì lượng nước thất thoát lại lớn đến vậy. Giả sử có thất thoát thật thì hơn 1 vạn m³ nước đổ vào đây cái khu đô thị bé bé này nước có dềnh lên cả mét. Tôi không hiểu xí nghiệp này vận hành và quản lý kiểu gì mà nước lại thất thoát lớn đến vậy”, ông Thái bức xúc cho hay.

Mặc dù, UBND quận Nam Từ Liêm đã có văn bản ngày 31/3/2015 do Phó Chủ tịch Nguyễn Trường Sơn ký, đề nghị Sở Xây dựng xem xét, chỉ đạo Công ty Viwaco tiếp nhận quản lý hệ thống cấp nước sạch đến từng hộ dân tại các nhà chung cư CT3A, CT3B, CT5ĐN3, CT5ĐN4 Khu đô thị Mỹ Đình II và triển khai việc thực hiện bán nước sạch theo đúng quy định của thành phố nhằm tránh gây bức xúc kéo dài ảnh hưởng đến an sinh xã hội khu vực.

Hàng loạt tranh chấp kéo dài

Rất nhiều câu hỏi được người dân ở Khu ĐTM Mỹ Đình II này đặt ra cho đơn vị quản lý dịch vụ của chủ đầu tư nhưng rất khó để tìm được lời giải đáp. Theo phản ánh của cư dân trước khối lượng nước thất thoát lớn như thế, thắc mắc thì chỉ được Xí nghiệp 2 trả lời rằng do đường ống xuống cấp, còn lại không giải thích gì thêm. Ông Vũ Cảnh Thạc, P1504, CT1AĐN2 bức xúc: “Tại sao cả chục năm trước, đơn vị này bơm nước giếng khoan nhiễm asen lên bán cho dân, nguồn lợi lớn như thế mà không tu sửa đường ống nước, để đến nay khi thất thoát nước quá lớn lại đổ cho đường ống xuống cấp. Điều này là quá vô lý”.      

Có 11 khu nhà chung cư và các lô biệt thự đi vào hoạt động từ năm 2004 nhưng đến nay mới chỉ duy nhất 1 ban quản trị của cụm nhà CT3A, CT3B, CT5ĐN3 và CT5ĐN4 được thành lập và đi vào hoạt động, nhưng theo đại diện Ban quản trị này thì hàng loạt tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư như về diện tích chung riêng, phần diện tích sinh hoạt chung… vẫn đang kéo dài từ năm này qua năm khác.

Ông Vũ Cảnh Thạc cho biết, toàn bộ tầng 1 và khu vực trông giữ xe dưới chân các tòa nhà vẫn do chủ đầu tư quản lý và cho thuê, nhưng người dân không biết thuộc sở hữu của cư dân hay chủ đầu tư. Cư dân đề nghị chủ đầu tư làm rõ vấn đề này thì chủ đầu tư lúc thì im lặng không trả lời, lúc thì trả lời theo kiểu cho có để kéo dài thời gian. Chính vì không làm rõ được nên nhiều năm rồi vẫn chưa thành lập được các ban quản trị cho các tòa nhà.

Ông Phạm Duy Thái, đại diện ban quản trị cụm nhà CT3 và CT5 khẳng định tất cả tòa nhà ở đây đều không có phòng sinh hoạt chung, diện tích này đã bị chủ đầu tư chiếm dụng cho thuê nhưng người dân lại không được hưởng một chút quyền lợi gì từ việc này. “Vào ở đã 10 năm nay nhưng người dân đến giờ vẫn không biết các khu nhà này có quỹ bảo trì hay không, hỏi chủ đầu tư thì chỉ nhận được câu trả lời là không. Toàn bộ diện tích sinh hoạt cộng đồng theo quy định là 0,8m²/căn hộ, hoặc tối thiểu phải là 36m²/khu nhà, nhưng thực tế ở đây chẳng có tòa nhà nào có. Phần diện tích này đã bị chủ đầu tư chiếm dụng hết. Người dân có việc gì đều phải lục tục kéo nhau đi họp nhờ”, ông Thái cho biết.
Phan Hoạt
.
.
.