Nhiệm vụ từ trái tim

Thứ Ba, 03/05/2022, 10:42

Cho đến tận khi hoàn thành xong bài viết này, tôi vẫn không thể thuyết phục được anh - một chiến sĩ Công an Thành phố Đà Nẵng, đồng ý cho tôi viết tên anh lên báo. Dù tôi có nói thế nào thì anh cũng chỉ cười mà rằng: “Điều đó không cần thiết, gần dân, hiểu và giúp dân là việc mà người chiến sĩ Công an nhân dân nào cũng sẽ làm”.

Hành trình âm thầm tìm kiếm, chắp nối, xác minh để tìm người thân cho bà Sáu – một người phụ nữ ở tận Sóc Trăng đã được anh tận tâm thực hiện. Trong cuộc hội ngộ của anh em bà Sáu sau nửa thế kỷ bặt tin nhau, anh không có mặt, không muốn được nhắc tên. Nhưng từng lời nói của người trong cuộc, từng chi tiết nhỏ liên quan, anh vẫn nhớ như in với nỗi xúc động dâng trào.

Cuộc viếng thăm của người khách lạ

Một buổi trưa tháng 5-2020, trời nắng như đổ lửa, căn nhà nhỏ của ông Phạm Văn Sung (còn gọi là ông Hai) tại thôn Thi Lai, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đón người khách lạ. Hôm ấy, ông đã được báo trước rằng sẽ có người đến gặp ông để tìm hiểu việc quan trọng. Thành thử ông thức dậy từ sớm, mặc bộ đồ tươm tất, pha sẵn ấm trà, ông cứ đi ra đi vào, hồi hộp chờ đợi.

3.jpg -0
Ông Sung ôm người em gái trong nỗi xúc động nghẹn ngào. Ảnh do gia đình cung cấp

Ông Sung đã ngoài tám mươi tuổi, vẫn minh mẫn và khoẻ mạnh. Khi khách đến, ông và người con trai đang tranh thủ lau dọn bàn thờ. “Mấy hôm nữa là giỗ mẹ tôi và cô Sáu anh ạ”, ông Sung giãi bày. “Cô Sáu là ai thế bác?”, bắt vào câu chuyện, người khách hỏi ngay. Chỉ một câu hỏi thôi, mà bao nhiêu kỉ niệm về người em gái ào về trong tâm trí ông Sung.

Cuối những năm 60 của thế kỷ trước, chiến tranh xảy ra ác liệt. Ở vùng quê Quảng Nam - Đà Nẵng, địch càn quét xóm làng, mẹ ông Sung phải đưa các con ra thị xã Đà Nẵng buôn bán ở chợ Hàn mưu sinh. Em gái ông - cô Phạm Thị Sáu lúc ấy là một thiếu nữ xinh đẹp, giỏi giang nhưng vì gia cảnh nghèo khó nên cô phải đi làm thuê. Mong muốn được học nghề thuốc nên cô Sáu tìm thầy để học. Rồi cô quen và yêu một người bốc thuốc Bắc hơn cô vài tuổi. Khi cô Sáu có thai, người đàn ông ấy đưa cô về sống ở huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên – Huế) là quê của anh. Đó là năm 1970. Cuộc ra đi này, gia đình cô Sáu không hề hay biết. Người đàn ông nói với cô Sáu rằng anh là một người lính hoạt động bí mật. Rồi anh tiếp tục lao vào cuộc chiến, mất thông tin sau một trận đánh. Cô Sáu ngóng chờ mãi mà không thấy người yêu mình trở lại.

Về phía gia đình cô Sáu, khi bặt tin cô, mẹ cô và anh Hai Sung tìm kiếm khắp nơi nhưng vẫn bặt vô âm tín nên đinh ninh là cô đã chết dưới hòn tên mũi đạn. Vài năm sau, mẹ ông Sung mất, ông đau đớn lập bàn thờ, lấy ngày giỗ của mẹ là ngày giỗ em gái.

Kể cho người khách nghe chuyện đời cô Sáu, giọng ông Sung méo xệch, những giọt nước mắt trào ra trên gương mặt khắc khổ. 50 năm đã trôi qua, cô Sáu nếu còn sống thì cũng đã gần 70 tuổi. Người khách chợt lên tiếng: “Cô Sáu còn sống bác ạ, có thể tuần sau cô sẽ về gặp bác”. Ông Sung không tin vào tai mình, ông nhìn di ảnh em gái trên bàn thờ, rồi lại nhìn anh lắp bắp: “Anh nói thật sao, em gái tôi còn sống sao?”. Lúc này, người khách giới thiệu là cán bộ đang công tác tại Công an thành phố Đà Nẵng đã biết thông tin về cô Sáu nên đến tìm ông để xác minh sự việc.

Tin cô Sáu còn sống lan nhanh khắp thôn Thi Lai. Những người thân trong xóm vô cùng bất ngờ, nườm nượp kéo đến nhà ông Sung hỏi chuyện. Bà Năm – em gái ông Sung, là chị của cô Sáu lấy chồng bên kia sông nghe tin cũng vội đến xem sự thể thế nào. Trên khuôn mặt sạm nắng của những người nông dân, nét mừng vui pha lẫn sự hoang mang, vì họ nửa tin nửa ngờ về câu chuyện cô Sáu còn sống. Người khách không muốn chia sẻ quá nhiều điều về cô Sáu, để dành cho ngày hội ngộ. Trước khi chia tay, anh hứa sẽ sắp xếp để anh chị em ông gặp nhau trong một ngày gần nhất. Ông Sung nắm chặt tay anh chẳng nói lên lời. Ông đã từng ao ước rằng em gái ông còn sống và đến tìm ông. Ông không thể ngờ rằng tia hy vọng mong manh đó lại thành hiện thực. Người em gái nửa thế kỷ ẩn sau khói nhang nghi ngút với bao nỗi tiếc thương, giờ đây sẽ trở về bằng hình hài thật. Anh Công an chính là người mang sự thật như mơ đến cho ông.

Manh mối bất ngờ

Trước đó, một ngày cuối tháng 4-2020, khi đang phụ trách trang fanpage “Tuổi trẻ Công an thành phố Đà Nẵng”, anh nhận được tin nhắn của người phụ nữ tên Hồng Gấm. Chị Gấm cho biết bà ngoại chị tên là Phạm Thị Sáu, hiện đang ở Sóc Trăng, nhưng quê bà lại ở Quảng Nam. Bà nói rằng bà bị thất lạc người thân ở Đà Nẵng. Vào năm 1970, bà khi ấy đang bụng mang dạ chửa, lo lắng và sốt ruột muốn đi tìm người yêu, nên đã xuôi về phương Nam. Một mình bà sinh con mà không có người thân bên cạnh. Đến năm 1974, mẹ con bà Sáu dừng chân tại vùng đất Sóc Trăng và quyết định sinh sống lâu dài ở đó. Cuộc sống mưu sinh vất vả khiến bà Sáu chẳng còn thời gian nghĩ đến chuyện tìm đường về quê.

1.jpg -0
Ông Sung và bà Sáu gặp nhau tại Sóc Trăng sau 50 năm bặt tin nhau.

Những năm gần đây, sức khoẻ ngày càng yếu thì bà Sáu càng nhớ quê hương và mong mỏi gặp lại người thân. Thương bà, chị Gấm có gặng hỏi thì chỉ nắm được những thông tin mơ hồ, đứt quãng về chợ Hàn, tên của bố mẹ, anh Hai và chị Năm. Nhiều lần, gia đình chị đã lên kế hoạch ra Đà Nẵng tìm lại gia đình cho bà ngoại nhưng thấy như mò kim đáy bể nên lại thôi. Chị Gấm đành gửi thông tin qua facebook. Câu chuyện của bà Sáu qua lời kể của Hồng Gấm đã hối thúc người cán bộ Công an phải cố gắng đi tìm, vì sức khỏe của bà ngày một yếu dần.

Sự việc xảy ra ở giai đoạn trước khi đất nước thống nhất, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng ngày ấy giờ đã tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng nên việc tìm kiếm thông tin hết sức khó khăn. Những chi tiết nhỏ liên quan đến cô Sáu đều được anh kiểm tra trong tàng thư lưu trữ của Công an thành phố Đà Nẵng và Công an tỉnh Quảng Nam nhưng đều không có. Anh tìm gặp những người buôn bán tại chợ Hàn cách đây 50 năm, nhưng đa phần họ không còn ở đó. Tiếp tục tìm kiếm thông tin tại những con hẻm trên đường Hoàng Diệu - nơi gia đình cô Sáu sinh sống trước đây, nhưng anh cũng không thu được manh mối nào.

Việc tìm kiếm đã đi vào ngõ cụt, có những lúc tưởng như anh phải dừng lại vì công việc chuyên môn quá bận rộn. Nhưng với tinh thần trách nhiệm, vì sức khỏe của bà Sáu mà anh quyết không bỏ cuộc. Anh dành nhiều thời gian đi tìm hiểu, xác minh cẩn trọng từng chi tiết nhỏ do chị Gấm cung cấp thêm, bằng các biện pháp nghiệp vụ kết hợp sử dụng mạng xã hội anh đã tìm ra thông tin của ông Phạm Văn Sung, anh ruột bà Sáu. Thì ra ngay sau khi chiến tranh kết thúc, các anh chị em của bà Sáu đã chuyển về sinh sống tại thôn Thi Lai.

Sau nhiều cuộc điện thoại gọi cho cả ông Sung và gia đình bà Sáu để tìm hiểu, xác minh sự việc, anh đã cất công đến tận nhà ông tìm hiểu tình hình và lặng lẽ sắp xếp một cuộc hội ngộ. Ròng rã nhiều tuần như vậy, bằng giác quan và hiểu biết của mình, anh biết chắc chắn rằng người anh mà bà Phạm Thị Sáu muốn gặp chính là ông Sung.

Những tưởng ngày mà cả ông Sung và bà Sáu mong chờ đã đến rất gần, nhưng sức khỏe bà Sáu trở nên yếu hơn. Từ khi biết đã tìm được anh chị em ở Đà Nẵng, nỗi mừng tủi, nhớ thương, mong mỏi đan xen khiến bà Sáu xúc động mạnh, ngày nào cũng khóc. Lo cho sức khỏe của bà Sáu không thể đảm bảo khi phải di chuyển quãng đường dài từ Sóc Trăng về Quảng Nam, anh Công an quyết định thay đổi kế hoạch: ông Sung và bà Năm sẽ vào Sóc Trăng để hội ngộ với bà Sáu.

Sắp xếp chu đáo mọi việc, anh dự định sẽ vào Sóc Trăng để chứng kiến giây phút họ gặp lại nhau. Nhưng thật tiếc vào đúng thời điểm đó anh lại bận đi làm nhiệm vụ. Xem đoạn video chị Gấm quay lại cuộc gặp nhau trong nước mắt, anh đã khóc vì xúc động, lòng ấm áp khi thấy mình đã hoàn thành nhiệm vụ đặt ra cho chính mình – nhiệm vụ từ trái tim. Vì thế, dù gia đình ông Sung, bà Sáu nhiều lần muốn tìm gặp anh để cảm ơn nhưng anh vẫn một mực từ chối.

Vài tháng sau cuộc hội ngộ, anh nhận được thông tin ông Sung qua đời sau một cơn đau đột ngột. Chắc hẳn ông ra đi thanh thản vì nỗi băn khoăn đeo đẳng ông suốt nửa thế kỷ về người em gái đã được giải toả. Ông đã được ôm người em gái trong vòng tay, khi cả hai anh em đều đã bạc tóc vì nhớ thương nhau. Đó sẽ là một kỉ niệm đáng nhớ trong cuộc đời chiến sĩ của anh.

Huyền Châm
.
.
.