Gỡ khó để phát triển ngành công nghiệp kỹ thuật cao

Thứ Năm, 04/05/2023, 06:55

Ngành công nghiệp chế tạo đang là lĩnh vực hết sức hấp dẫn, thu hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có dư địa thị trường lớn, nhưng năng lực cung ứng của doanh nghiệp (DN) trong nước còn rất thấp. Vì vậy, khoảng trống của thị trường trong nước chính là cơ hội của DN Việt nếu biết cách tận dụng và phát triển.

Nói về ngành sản xuất khuôn mẫu chính xác, ông Nguyễn Văn Trí - Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc khẳng định, bất cứ sản phẩm kỹ thuật nào cũng cần dùng đến khuôn mẫu trong sản xuất. Do đó, nhu cầu về khuôn mẫu là rất lớn. Ngành cơ khí khuôn mẫu chính xác cao và kỹ thuật cao không những đòi hỏi nguồn vốn đầu tư về máy móc thiết bị nhà xưởng mà còn yêu cầu nguồn nhân lực phải được đào tạo đạt tiêu chuẩn về kiến thức và tay nghề.

Gỡ khó để phát triển ngành công nghiệp kỹ thuật cao -0
Phát triển ngành công nghiệp chế tạo giúp doanh nghiệp tạo ra sản phẩm có hàm lượng cao và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đại diện Công ty Lập Phúc cho biết, để có được khách hàng, Công ty đã áp dụng một số phương pháp cắt giảm chi phí trong đầu tư thiết bị, nhưng điều quan trọng là vẫn giữ được chất lượng sản phẩm sau cùng. Nhờ phương pháp này, sản phẩm cuả Công ty đã cạnh tranh được với sản phẩm NK từ Trung Quốc và ngày càng có nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay mà Công ty đang bị vướng là Dự án được thực hiện từ một phần vốn vay có hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng theo chương trình kích cầu của Nghị quyết 16. Nhưng sau 2 năm thực hiện dự án, vẫn chưa nhận được khoản bù lãi của phần vốn vay ngân hàng. Hiện, đã đến giai đoạn phải trả cả tiền gốc và lãi hàng tháng, Công ty phải dừng đầu tư thiết bị vì nếu tiếp tục giải ngân sẽ không đủ khả năng trả vốn và lãi ngân hàng. Vì vậy, Công ty rất mong được hỗ trợ giải ngân, hỗ trợ lãi vay theo Chương trình kích cầu đã được duyệt để tiếp tục thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Viết Toàn - Phó Chủ tịch Hội Tự Động Hóa TP Hồ Chí Minh nhìn nhận: Các DN tự động hóa, cơ khí chế tạo trong nước hiện nay hầu hết có quy mô nhỏ, đầu tư thấp và ngắn hạn, các nguồn lực như công nghệ, con người, nguồn vốn, quản trị… hầu hết còn rất yếu và giới hạn. Sản phẩm, dịch vụ chưa có hàm lượng kỹ thuật cao, tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, chưa thật sự tương xứng với tiềm năng thị trường Việt Nam đang phát triển. Các thiết bị, hệ thống và giải pháp tự động hóa, linh kiện, vật tư cơ khí thành phần đầu vào… có thể nói là gần 100% NK từ các tập đoàn nước ngoài. Đa số các DN chủ yếu tham gia công đoạn thương mại, bán thiết bị thay thế của các hãng nước ngoài…Nhìn chung, sản phẩm máy móc chế tạo trong nước có tính cạnh tranh kém cả về chất lượng lẫn giá thành.

Ngoài ra, các DN cũng cho rằng, chính sách thuế - thuế NK hiện đang có nhiều bất cập không khuyến khích các DN trong nước đầu tư phát triển. Đơn cử, thuế NK bo mạch điện tử cho máy tính bằng 0%, nhưng linh kiện lắp ráp bo mạch phải chịu thuế, khiến bo mạch điện tử sản xuất trong nước chịu thuế khoảng 3%, không cạnh tranh bằng việc NK. Các thiết bị tự động, vật tư đầu vào cơ khí chịu mức thuế 10-15%, trong khi hầu hết máy móc, công nghệ NK nguyên chiếc đều 0%, đã trực tiếp triệt tiêu động lực nghiên cứu, chế tạo, tích hợp trong nước. Chưa kể chính sách giữa DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng không công bằng. Đối với các DN FDI, thì máy móc NK, chi phí đầu tư còn được giảm, miễn thuế VAT…

Với chính sách thuế như vậy, đã làm giá thành sản xuất, tích hợp trong nước cao, các DN trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước, làm sao nói đến việc cạnh tranh để XK.

Để bắt kịp xu hướng công nghệ, tận dụng được thời cơ các FDI dịch chuyển đầu tư trong bối cảnh mới và tận dụng được cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết, ông Nguyễn Viết Toàn kiến nghị, các bộ ngành cần có chính sách quyết liệt mang tầm Quốc gia cho ngành cơ khí chế tạo, tự động hóa và CNHT. Theo đó, giảm thuế về 0% các mặt hàng về tự động hóa hoặc đầu vào cho ngành cơ khí chế tạo, đồng thời phải nâng mức thuế máy móc NK nguyên cụm, nguyên chiếc lên mức 3- 5%. Xây dựng gói kích cầu để đầu tư cải tiến máy móc dây chuyền, chuyển đổi số trong các DN sản xuất thông qua các hình thức ưu đãi thuế (thuế VAT, thuế thu nhập DN), cũng như các kích thích về lãi suất và tín dụng. Đồng thời, quyết liệt thực thi việc bảo vệ sở hữu trí tuệ đối với các phát minh, sáng chế, cải tiến kỹ thuật, nhãn hiệu hàng hóa…để giúp DN an tâm đầu tư vào chiều sâu. Đặc biệt, là nguồn nhân lực trong ngành tự động hóa còn rất thiếu, chất lượng đào tạo có khoảng cách quá xa so với nhu cầu sử dụng, nên cần đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực đủ số lượng và đạt chất lượng.

T.Hà
.
.
.