Giải quyết tranh chấp đối với dự án năng lượng

Thứ Ba, 27/02/2024, 08:11

Năng lượng tái tạo đang được xem là giải pháp và xu hướng tất yếu của ngành năng lượng trên thế giới. Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam hiện nay đã có đủ nguồn năng lượng tái tạo để xây dựng ngành điện quốc gia theo kịch bản phát triển năng lượng bền vững và Chính phủ cũng đang có những hướng đi mạnh mẽ thúc đẩy phát triển loại hình năng lượng này. Tuy nhiên, khung pháp luật trong lĩnh vực năng lượng tái tạo vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện, cũng như thực tế triển khai từ giai đoạn đầu tư đến vận hành phát sinh nhiều vấn đề, đặc biệt là rủi ro tranh chấp giữa các bên.

Theo chia sẻ của LS. Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý tốt hơn cho tiến trình triển khai và vận hành các dự án điện. Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, Quy hoạch điện VIII cũng được đánh giá là một trong những công cụ hiệu quả giúp thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này trong thời gian tới.

Giải quyết tranh chấp đối với dự án năng lượng -0
Ảnh minh họa.

Song, không thể phủ nhận, hiện nay chúng ta chưa có khung pháp lý điều chỉnh riêng biệt cho lĩnh vực năng lượng. Không chỉ vậy, với một số vấn đề phát sinh liên quan đến giá điện, quy trình mua bán điện thời gian qua, việc thực thi Quy hoạch điện VIII cũng trở nên thách thức hơn đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền. Điều đó cho thấy, để phát triển thị trường NLTT nói chung, điện VIII nói riêng thì cần bổ sung cơ chế chính sách đặc thù. Cần rà soát quy định pháp luật và cần có nhiều cải thiện để tạo sự công bằng, minh bạch trong việc phát triển thị trường điện. "Ở góc độ là một tổ chức giải quyết tranh chấp, trong năm qua VIAC nhận thấy có 2 lĩnh vực tranh chấp mới. Thứ nhất là lĩnh vực công nghệ, thứ hai là lĩnh vực năng lượng tái tạo. Riêng tranh chấp về năng lượng tái tạo khá phức tạp, đa dạng và ngày càng gia tăng", LS. Châu Việt Bắc nói.

Các dự án năng lượng tái tạo hầu hết đều có đặc điểm là yêu cầu thời gian đầu tư dài hạn với lượng vốn đầu tư lớn. Các dự án đều mang tính kỹ thuật phức tạp, mỗi dự án đều có đặc thù riêng và luôn ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ thay đổi liên tục. Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên tái tạo mặc dù không giới hạn, nhưng nguồn tài nguyên này không ổn định, có lúc gió nhiều, gió ít, nắng nhiều, nắng ít… phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, nên rủi ro hơn so với các dự án năng lượng truyền thống. Tuy nhiên, các dự án năng lượng lại chịu sự ảnh hưởng bởi nhiều luật, nhiều chính sách thay đổi liên tục nên nguy cơ xảy ra tranh chấp và xử lý các tranh chấp cũng cao hơn.

Từ thực tiễn nghiên cứu và hành nghề, LS. Ngô Quỳnh Anh - Luật sư Điều hành Công ty Luật TNHH EPLegal nhận định, tranh chấp trong lĩnh vực năng lượng thường đến từ một số nguyên nhân: Tranh chấp phát sinh từ việc thay đổi chính sách. Tranh chấp từ các thỏa thuận không cạnh tranh. Tranh chấp phát sinh từ giải phóng mặt bằng, quyền sử dụng đất. Tranh chấp liên quan đến các vấn đề về môi trường và một số tranh chấp khác liên quan đến thanh toán, vi phạm trong quá trình thực hiện hợp đồng, không đảm bảo chất lượng công việc…Vì vậy, để tránh rủi ro và xảy ra tranh chấp, các DN cần lưu ý rằng, việc thực hiện hợp đồng, đọc hiểu hợp đồng cũng như viết những câu chữ trong hợp đồng là vô cùng quan trọng.

Nếu trường hợp tranh chấp xảy ra, thì hòa giải và trọng tài là 2 phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, không chỉ ở Việt Nam mà còn là xu hướng tất yếu của thế giới. Tuy nhiên, giải quyết bằng phương thức hòa giải có lợi thế hơn trọng tài là thời gian ngắn hơn, những hòa giải viên có năng lực chuyên môn và có chứng chỉ hành nghề sẽ giúp các bên xích lại gần nhau. Lợi thế nữa, là sau khi đã được hòa giải thì các bên vẫn có thể tiếp tục thực hiện tiếp hợp đồng, hoặc tiếp tục hợp tác những dự án khác nữa. Còn giải quyết bằng phương thức trọng tài có ưu thế là tính linh hoạt, bảo mật cao, có cơ chế công nhận và thi hành án. Tuy nhiên, kết quả giải quyết sẽ phân định bên thắng - bên thua, nên sau khi giải quyết tranh chấp, các bên sẽ chấm dứt không còn hợp tác với nhau nữa.

"Ở Việt Nam có luật đầu tư 2020, Nhà nước cũng khuyến khích các bên khi có tranh chấp xảy ra thì nên sử dụng thương lượng và hòa giải trước, nếu không thương lượng và hòa giải sau một thời gian nhất định thì các bên mới sử dụng các phương pháp giải quyết tranh chấp như trọng tài, tòa án, để giải quyết vấn đề của mình", LS. Ngô Quỳnh Anh thông tin.

           

Thúy Hà
.
.
.