Phù phép giấy tờ cho sản phẩm phân bón, 3 cán bộ vào vòng lao lý

Thứ Ba, 12/01/2016, 08:59
Ngày 11-1, cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất hồ sơ vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong hoạt động cấp giấy chứng nhận hợp quy phân bón của Trung tâm Khảo nghiệm phân bón Quốc gia xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh. Đồng thời chuyển hồ sơ đến Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố 3 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.


3 bị can gồm: Phạm Trung Hòa (44 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), nguyên Phó Giám đốc Trung tâm; Vũ Tuấn Linh (41 tuổi, trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP Hà Nội), nguyên Phó trưởng phòng và Phan Thị Quỳnh Hương (46 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), nguyên cán bộ Trung tâm.

Theo Kết luận điều tra, Trung tâm Khảo nghiệm phân bón (KNPB) trực thuộc Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, được thành lập năm 2012, do ông Vũ Tiến Thành làm Giám đốc. Trung tâm KNPB có chức năng chỉ định hoạt động trong lĩnh vực chứng nhận hợp quy chất lượng phân bón. Từ ngày 15-6-2013 đến 13-4-2014, Trung tâm KNPB do ông Phạm Trung Hòa làm Phó Giám đốc phụ trách, cùng với Vũ Tuấn Linh và Phan Thị Quỳnh Hương chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, thực hiện các hoạt động chứng nhận chất lượng và khảo nghiệm phân bón.

Phân bón giả gây hậu quả nghiêm trọng với sản xuất.

Từ tháng 12-2012 đến tháng 1-2014, Trung tâm KNPB đã làm thủ tục và cấp giấy chứng nhận chất lượng hợp quy cho 815 sản phẩm phân bón của 78 công ty. Quy trình thực hiện, các cá nhân thuộc Trung tâm KNPB đã để xảy ra nhiều sai phạm. 

Vũ Tuấn Linh và Phan Thị Quỳnh Hương đã không tiến hành đánh giá thực tế điều kiện sản xuất, không lấy mẫu đối với 118 sản phẩm của 30 công ty; 48 công ty không đánh giá quy trình về điều kiện sản xuất, không lấy mẫu, hoặc lấy mẫu không đủ. Phạm Trung Hòa biết Linh và Hương thực hiện không đúng quy trình, quy định nhưng vẫn ký giấy chứng nhận chất lượng cho các sản phẩm phân bón.

Cơ quan An ninh điều tra xác định, trong số 815 sản phẩm phân bón, các bị can đã cấp giấy chứng nhận hợp quy cho 111 sản phẩm không có tên trong Danh mục phân bón được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam; các bị can đã sử dụng phương thức áp dụng đối với phân bón sản xuất trong nước để chứng nhận chất lượng cho phân bón nhập khẩu đối với hơn 530 sản phẩm phân bón. 

Các bị can còn được các doanh nghiệp trả thêm hơn 353 triệu đồng ngoài nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng. Trong đó bị can Hòa hưởng lợi 35 triệu đồng, Linh 45 triệu đồng, Hương 35 triệu đồng, số tiền còn lại được các bị can chi tiêu và sử dụng dụng cho nhiều hoạt động khác liên quanh đến việc cấp giấy chứng nhận chất lượng.

Cơ quan An ninh điều tra còn làm rõ, năm 2011, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng với Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón quốc gia - tiền thân của Trung tâm KNPB để thực hiện việc khảo nghiệm cho các sản phẩm phân bón. Một số cá nhân thuộc đơn vị này đã thực hiện không đúng quy định về việc khảo nghiệm phân bón nhưng vẫn cấp chứng nhận cho 16 loại phân bón mới. Các sản phẩm này sau đó đã được các doanh nghiệp đưa vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đến năm 2014, Bộ NN&PTNT qua thanh tra phát hiện có sai phạm và kết luận 16 sản phẩm phân bón chưa được tiến hành khảo nghiệm nên loại khỏi danh mục phân bón được sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Phân bón giả, kém chất lượng gây thiệt hại hàng tỉ USD mỗi năm

Tháng 10-2015, tại Hội nghị toàn quốc về phòng chống phân bón giả tổ chức tại Hà Nội cho biết, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng hoành hành đã gây thiệt hại cho nền nông nghiệp Việt Nam cả tỉ USD mỗi năm. 

Báo cáo của Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương vào tháng 2-2015, kết quả phòng chống phân bón giả, kém chất lượng cho biết, cơ quan chức năng đã điều tra 3000 vụ, xử lý gần 900 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 10,6 tỉ đồng, tạm giữ gần 227.000kg…, trị giá tang vật hơn 10 tỉ đồng.

Đào Minh Khoa
.
.
.