Doanh nghiệp kêu vướng mắc trong hoàn thuế

Thứ Ba, 24/05/2016, 08:58
Sửa đổi, tháo gỡ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp (DN) hoàn thuế là chủ trương của Bộ Tài chính được Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn hứa trước cộng đồng DN. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn kêu khó trong công đoạn này.


3 năm chưa được hoàn thuế - doanh nghiệp bị chiếm dụng vốn?

Tại văn bản tập hợp các kiến nghị của DN gửi Thủ tướng Chính phủ dài hàng trăm trang của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), câu chuyện hoàn thuế được khá nhiều DN chia sẻ.

Công ty TNHH MTV Thực phẩm và Đầu tư Fococev cho biết thuế VAT xuất khẩu của DN từ cuối năm 2014 đến nay chưa được hoàn thuế.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó về vốn vì bị chậm hoàn thuế.

“Đối với thuế, chính sách chưa rõ ràng, chồng chéo, không phân rõ trách nhiệm của từng ngành, nên DN gặp nhiều khó khăn khi đáp ứng các thủ tục hành chính. Chúng tôi đề nghị được giải quyết hoàn thuế VAT cho xuất khẩu để giải quyết hoạt động của nhà máy sản xuất và hàng chục nghìn hộ nông dân trồng sắn”, DN này lên tiếng.

Cũng kêu hoàn thuế chậm khiến cho DN khó khăn về vốn, Công ty CP TM Đầu tư Vân Long CDC Khu An Trì (TP Hải Phòng) cho biết: là DN nhỏ và vừa, thiếu vốn hoạt động phải vay ngân hàng, tiền hoàn thuế chậm dẫn đến càng thiếu vốn hoạt động, thu hẹp quy mô kinh doanh, giảm xuất khẩu, thu ngoại tệ giảm, lợi nhuận nộp ngân sách giảm, thanh toán tiền lương cho người lao động chậm...

Một vấn đề khác liên quan đến thủ tục hoàn thuế, DN đồng thuận với quy định số dư thuế giá trị đầu vào âm 12 tháng liên tục mới được hoàn, điều này để đảm bảo cân đối nguồn thu NSNN. Nhưng thực tế hiện nay DN vừa có số dư thuế (âm), vừa phát sinh nợ thuế phải nộp. Nếu nợ trên 90 ngày (3 tháng) sẽ bị cưỡng chế, trong khi đó DN âm thuế thì chờ đến 12 tháng mới được hoàn điều này vô lý.

Cơ quan quản lý để phần quá thiệt cho DN. VCCI chi nhánh TP Đà Nẵng dẫn ví dụ: Công ty A nợ tiền thuế GTGT từ tháng 8, 9, 10-2015 là 200 triệu, đến tháng 11-2015 đầu tư mua sắm tài sản cố định có số thuế được khấu trừ 1 tỷ. Điều này bắt buộc DN nộp thuế nếu không sẽ bị cưỡng chế. Trong khi đó DN muốn được hoàn phần thuế khấu trừ thì phải chờ 12 tháng.

“Điều này chưa hướng đến yếu tố cái gì có lợi cho DN thì áp dụng. DN nào nằm trong trường hợp vừa có số thuế nợ như ví dụ trên, vừa phát sinh âm thì được bù trừ hoặc được lập hồ sơ hoàn bù trừ mà không cần phải chờ đến 12 tháng. Quy định hoàn thì 12 tháng chỉ áp dụng đối với DN có số thuế âm 12 tháng liên tục. Còn phát sinh nộp thì được bù trừ mà không phải chờ. Đây là vấn đề tháo gỡ một cách linh hoạt cho DN, phần lớn DN ở Việt Nam là DN siêu nhỏ, áp dụng cưỡng chế thì DN không thể tồn tại được” – đại diện cộng đồng DN TP Đà Nẵng nói.

Hướng quy định đến lợi ích doanh nghiệp

Câu chuyện kêu khó về hoàn thuế không mới, và đã được cộng đồng DN cũng như cơ quan quản lý đặt ra trước đó. Để tháo gỡ khó khăn trong hoàn thuế, không làm ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn vốn của DN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã hứa sẽ sửa đổi. Theo đó, hồ sơ hoàn thuế sẽ được giải quyết trong 6 giờ làm việc, đồng thời hàng loạt quy định tháo gỡ khác.

Tuy nhiên, tiến độ “tháo gỡ” đến đâu chưa biết, nhưng mới đây, cộng đồng DN lại “nổi sóng” khi Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định hướng dẫn một số điều về Luật thuế GTGT, đưa ra lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ.

Theo đó, từ ngày 1-7 tới, “cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trong quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.

Trường hợp lũy kế đến thời điểm kết thúc kỳ tính thuế thu nhập DN mà vẫn còn số thuế VAT chưa được khấu trừ hết thì cơ sở kinh doanh được lựa chọn hạch toán số thuế chưa được khấu trừ hết vào chi phí được trừ để xác định thu nhập tính thuế thu nhập DN”. Như vậy, DN có số thuế VAT âm sẽ chỉ được khấu trừ mà không được hoàn thuế.

Nhóm PV
.
.
.