Đủ chiêu lợi dụng kẽ hở để buôn lậu và chiếm đoạt tiền hoàn thuế

Thứ Hai, 27/07/2015, 08:15
Đối phó trước sự quyết liệt chống buôn lậu, gian lận, trốn thuế trong hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của lực lượng Hải quan và Công an, gần đây, các đối tượng tại TP Hồ Chí Minh đã sử dụng nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi.

Cụ thể, ngày 13/7, Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đã phát hiện, ngăn chặn việc nhập lậu số lượng lớn tân dược của Công ty Nguyên Ngọc, có trụ sở ở số 1 Phú Lâm, quận 6. Công ty đã dùng thủ đoạn “giội bom” tờ khai hải quan nhiều lần cho đến khi tờ khai được phân vào luồng vàng, diện miễn kiểm tra thực tế hàng hóa mới, đến làm thủ tục lấy hàng ra khỏi kho.

Thủ đoạn đã bị Hải quan sân bay phát giác và quyết định dừng thông quan đột xuất để kiểm tra thực tế lô hàng khi DN đang làm thủ tục lấy hàng từ kho ngoại quan. Kết quả kiểm tra đã phát hiện 7 loại tân dược đặc trị các loại bệnh hiểm nghèo, gồm 367.280 viên các loại, trị giá hơn 2,76 tỷ đồng, tất cả đều là mặt hàng phải có giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế. DN này đã khai báo thành “hộp khuôn đúc bằng sắt dùng cho máy ép nhựa”, số lượng 104 cái, trọng lượng 266kg, để trốn thuế, trốn xin giấy phép nhập khẩu.

Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất kiểm tra lô hàng biệt dược nhập lậu.

Trước đó chỉ 1 ngày, Hải quan sân bay đã phát hiện hành khách NDV, 39 tuổi, quốc tịch Mỹ, lợi dụng chính sách hoàn thuế VAT cho khách xuất cảnh để chiếm đoạt tiền thuế. Với các mặt hàng cao cấp là cà vạt, túi xách, bóp, nón, dây nịt… hiệu Hermes trị giá 624 triệu đồng, số tiền đối tượng NDV được hoàn thuế đã lên tới hơn 48 triệu đồng. Nghi ngờ với đối tượng chỉ xuất cảnh từ TP Hồ Chí Minh đi Kuala Lumpur trong ngày, Hải quan sân bay đã tiến hành theo dõi, giám sát.

Đón lõng kiểm tra khi đối tượng này nhập cảnh từ Kuala Lumpur về lại TP Hồ Chí Minh ngay trong ngày, Hải quan đã phát hiện NDV mang theo toàn bộ số hàng hóa đã được hoàn thuế khi xuất cảnh. Rà soát số lần xuất cảnh đi về có mang theo hàng hóa đã được hoàn thuế của NDV, Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục đặt nghi vấn khi từ năm 2014 đến nay, với chiêu xuất cảnh này, NDV đã hoàn được tổng số tiền thuế được hoàn lên tới hơn 2,2 tỷ đồng.

Từ khi Hải quan áp dụng chính sách quản lý rủi ro, hàng hóa miễn kiểm tra thực tế lên tới trên 93%, nhiều DN đã lợi dụng sự thông thoáng này để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại bằng đường biển.

Ngày 7/7, Công ty SP ở quận 3, TP Hồ Chí Minh, đã mở tờ khai nhập hàng qua cảng Cát Lái, lô hàng khai báo gồm 500 máy in, 200 màn hình máy tính và hàng ngàn thiết bị, linh kiện máy tính, tất cả còn mới 100%, xuất xứ Singapore, tổng trị giá hàng hóa là 22.950 USD. Với thông tin khai báo này, lô hàng được hệ thống điện thông quan tử phân luồng vàng. Nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm, Hải quan cảng Cát Lái đã tạm dừng thông quan đối với lô hàng trên và đưa container qua máy soi để kiểm tra. Hình ảnh soi chiếu cho thấy hàng hóa trong container toàn là máy lạnh. Biết bị lộ, ngày 8-7, DN nhập khẩu có văn bản gửi Hải quan cảng xin… tự giác khai bổ sung sau thông quan.

Trước đó, vào ngày 6/7, nghi vấn với lô hàng NK của Công ty CP Vật tư Du lịch, Hải quan cảng Cát Lái cũng đã phối hợp kiểm tra thực tế lô hàng và phát hiệncó tới 50 mục hàng là thực phẩm, trà, mỹ phẩm, phụ tùng xe đạp, hóa chất, rượu ngoại... không khai báo hải quan.

Trước thực trạng mỗi tháng vẫn phát hiện được cả trăm vụ buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, ông Trần Quang Bình, Phó Chi Cục Hải quan chuyển phát nhanh đã chỉ ra các thủ đoạn đối tượng thường áp dụng, như: móc nối với nhân viên bưu điện, nhân viên chuyển phát nhanh lợi dụng vị trí công tác, công việc để tiếp tay cho hoạt động buôn lậu; khai báo không đúng tên hàng, mã số khai báo không rõ ràng nhằm trốn thuế, trốn chính sách quản lý XNK; lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh qua dịch vụ bưu chính để né tránh quy định về quản lý XNK.

Để ngăn chặn tình trạng này, ngoài các biện pháp nghiệp vụ, hằng tuần Hải quan chuyển phát nhanh đều tiến hành rà soát đối với những tờ khai bị DN hủy để sàng lọc những trường hợp cố tình mở tờ khai kiểu “giội bom” tìm luồng xanh, luồng vàng nhằm gian lận, từ đó đưa vào danh sách trong hệ thống quản lý rủi ro. 

Để tăng cường chặn buôn lậu bằng đường biển, ngoài việc nâng cao lực soi chiếu container, tại một số cảng biển ở TP Hồ Chí Minh, Hải quan sẽ thực hiện việc soi chiếu hàng xuất khẩu sau thông quan và soi trước thông quan với hàng nhập khẩu. Còn theo đại diện một DN lữ hành, để ngăn chặn việc chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT của khách mua hàng khi xuất cảnh không quá khó. Bởi theo vị này, khách xuất cảnh đi các tuyến quốc tế đều đi theo đoàn của DN lữ hành hoặc khách đi công cán, du lịch đều có thời gian làm việc, nghỉ ngơi nhất định.

Do đó, Hải quan chỉ cần kiểm soát chặt đối với những khách xuất cảnh đi quốc tế quay về ngay trong ngày có mua hàng, nhận tiền hoàn thuế VAT là có thể ngăn chặn.

Đ.Thắng
.
.
.