DN nội cần tìm cơ hội từ nguồn vốn FDI đang giải ngân mạnh

Thứ Ba, 08/12/2015, 08:37
Trong 11 tháng qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân đạt hơn 13,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ. Kết quả giải ngân nói trên là rất đáng ghi nhận, bởi trong nhiều năm qua chưa có năm nào mức giải ngân vốn FDI vượt con số 12 tỷ USD.

Điều đó cho thấy, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam đang được cải thiện. Ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài chủ động tìm đến Việt Nam như một điểm hẹn hấp dẫn, có khả năng thu được lợi nhuận.

Hiện có 70% số doanh nghiệp (DN) Nhật Bản cho biết sẵn sàng đầu tư lâu dài ở Việt Nam, đặc biệt cứ 4 DN sau khi rời khỏi thị trường Trung Quốc đều có ý định tái lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam vì tìm thấy sự an toàn, vì sự bảo đảm về chính trị, môi trường đầu tư - kinh doanh, cũng như tình trạng ổn định về kinh tế vĩ mô bên cạnh thực tế hệ thống hạ tầng đang được nâng cấp, hoàn thiện theo hướng đồng bộ và hiện đại.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20-11-2015, cả nước có 1.855 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 13,55 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2014. Có 692 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 6,66 tỷ USD, tăng 70,1% so với cùng kỳ năm 2014.

Các chuyên gia nhận định, tình hình và diễn biến phát triển kinh tế Việt Nam năm 2016 sẽ có nhiều triển vọng. Đặc biệt, việc Việt Nam tham gia Hiệp định Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ tạo ra sự hấp dẫn mạnh mẽ với doanh nghiệp FDI khi họ chủ động xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu hàng sang quốc gia thứ 3 để được hưởng thuế suất thấp. 

Riêng cộng đồng DN Nhật Bản sẽ tiếp tục là gương mặt sáng giá, đầy hy vọng với vị trí là nhà đầu tư hàng đầu, cùng với sự nổi lên của các nhà đầu tư Mỹ khi họ khẳng định sẽ nỗ lực để sớm trở thành đối tác số 1 ở Việt Nam. 

Trong xu thế từng bước hồi phục và “ấm” dần lên của thị trường bất động sản thì tốc độ thực hiện các dự án bất động sản sẽ tăng nhanh, kéo theo mức giải ngân vốn FDI tiếp tục gia tăng. Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đã và đang rất thành công trong việc thu hút vốn FDI và được hưởng lợi do tăng trưởng xuất khẩu hiệu quả từ các doanh nghiệp FDI nhưng số lượng các DN Việt Nam được hưởng lợi từ thành công này còn rất hạn chế. 

Hơn nữa, 2/3 xuất khẩu của Việt Nam từ các doanh nghiệp FDI và sự đóng góp chủ yếu của Việt Nam trong dây chuyền sản xuất/chuỗi cung ứng toàn cầu là lao động tay nghề thấp. Chi phí vật tư và phụ tùng, linh kiện nhập khẩu dự kiến chiếm khoảng 90% giá trị hàng hoá sản xuất cho xuất khẩu của Việt Nam.

Dự đoán xu hướng dịch chuyển dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp diễn mạnh mẽ, vấn đề đặt ra là cần có chính sách để tạo cơ hội cho DN trong nước đầu tư, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó chủ yếu nhờ vào sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ để đảm nhận chức năng là nhà cung cấp linh kiện, chi tiết cho doanh nghiệp FDI.

Lưu Hiệp
.
.
.