Cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử rất khốc liệt

Thứ Hai, 31/10/2022, 16:38

Ngày 31/10, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Phát triển nền tảng thương mại điện tử, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng”.

Theo CIEM, trong những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và dự báo có sự phát triển vững chắc. Người dân từ chỗ không quen với mô hình mua sắm trực tuyến thì nay đã trở nên quen thuộc và coi đó như một xu hướng tất yếu hiện nay. Năm 2022, kinh tế Internet của Việt Nam được dự báo tăng trưởng đến 28%. Đây cũng là mức tăng trưởng được dự báo cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, để TMĐT phát triển bền vững, vấn đề hoàn thiện chính sách vẫn cần được quan tâm.

Cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử rất khốc liệt -0
Google dự báo, quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam trong năm 2025 lên tới 57 tỷ USD.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, tốc độ tăng trưởng TMĐT tại Việt Nam tăng nhanh trong những năm qua. Cụ thể, quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam năm 2015 khoảng 4 tỷ USD, nhưng đến năm 2025, quy mô thị trường được dự báo lên tới 49 tỷ USD, thậm chí, Google còn dự báo, quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam trong năm 2025 lên tới 57 tỷ USD.

Mặc dù, tăng trưởng khá tích cực, nhưng ông Nguyễn Thanh Hưng cho rằng, cạnh tranh trong lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam rất khốc liệt. Nhiều tên tuổi TMĐT lớn đã “mất tích” trong vòng 10 năm sau khi ra đời. Như trong giai đoạn 2001-2010, những tên tuổi lớn xuất hiện rồi biến mất gồm: VDC Siêu thị, Chợ điện tử, GoPhatdat, VnEmart…; giai đoạn 2011-2020: 123Mua, Muachung, Nhommua, Vatgia, Deca, FoodPanda, Zaloza, Adayroi… cũng “mất tích”. Trong giai đoạn 2021-2025, dự báo còn có 2 sàn TMĐT nữa của Việt Nam có thể “chết yểu”. Các sàn TMĐT thuần Việt phải cạnh tranh với Facebook, Viber, Zalo, Tiktok… từ nước ngoài với tiềm lực to lớn.

Cùng với đó, ông Hưng cũng cho rằng, thị trường TMĐT Việt Nam vẫn đối mặt với 6 trở ngại lớn, bao gồm: Thanh toán trực tuyến, hoàn tất đơn hàng, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển nguồn nhân lực, chênh lệch khoảng cách tiếp cận thương mại điện tử giữa các địa phương và môi trường chính sách và pháp luật.

Đặc biệt, với quy định các sàn TMĐT phải kê khai, nộp thuế thay cho doanh nghiệp bán hàng online, VECOM băn khoăn chi phí để cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước rất lớn mà không biết các cơ quan quản lý cần các thông tin này và dùng như thế nào? “Nghĩa vụ cung cấp thông tin của doanh nghiệp là đúng nhưng cung cấp thế nào? Nhà nước cũng cần thu đủ thôi, không thu quá vì nếu không sẽ bội thực thông tin”, ông Nguyễn Thanh Hưng nói.

Bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM cho rằng, trở ngại lớn nhất, quan trọng nhất đối với TMĐT tại Việt Nam vẫn là môi trường chính sách pháp luật. Đây là một thực tế không chỉ đối với lĩnh vực TMĐT mà còn là trở ngại đối với nhiều lĩnh vực khác. Bởi kể cả có chính sách hỗ trợ đi chăng nữa thì vấn đề thực thi vào thực tế cũng không hề đơn giản.

Cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử rất khốc liệt -0
Để TMĐT Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần hoàn thiện hạ tầng pháp lý hoàn chỉnh.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhằm tháo gỡ những vướng mắc về thuế cho doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường TMĐT phát triển, ngày 30/10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế.

Nghị định đã đưa ra các điểm sửa đổi chính tập trung vào các nội dung sau: Về khai thuế thu nhập cá nhân của tổ chức, cá nhân không phát sinh việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân; Về trách nhiệm của tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam là chủ sở hữu sàn TMĐT trong việc cung cấp thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có mua bán hàng hóa dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT cho cơ quan quản lý thuế; Về quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tạm nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ... tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tham gia TMĐT.

Để TMĐT Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần có những cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Cùng với đó, hoàn thiện hạ tầng pháp lý hoàn chỉnh, tạo thuận lợi cho TMĐT phát triển. Đặc biệt, cần hạn chế sử dụng tiền mặt trong giao dịch điện tử để kích thích TMĐT phát triển, muốn làm được như vậy, cần giảm chỉ số tiền mặt trên tổng số phương tiện thanh toán, bởi hiện chỉ số này tại Việt Nam hiện vẫn chiếm tới 11%.

Lưu Hiệp
.
.
.