Xử nghiêm hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp

Thứ Ba, 30/05/2017, 07:44
Mức độ hiểu biết về lĩnh vực thuế của không ít doanh nghiệp (DN) còn hạn chế. Vì vậy, khi bị cơ quan thuế “sờ” đến, DN ít khi dám phản kháng lại mà thường răm rắp chiều theo những “gợi  ý” của cán bộ thuế.


Bởi nếu không "chiều" thì DN sợ sẽ bị làm khó sau này nên đây là cơ hội để cán bộ thuế nhũng nhiễu. Ngày 17-5, Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ ban hành trên tinh thần chỉ thanh tra, kiểm tra DN 1 lần/năm nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phát triển, giảm thiểu phiền hà, sách nhiễu DN, khiến cộng đồng DN vui mừng...

Từ phản ánh của nhiều DN cho thấy, hoạt động thanh tra nói chung và hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nói riêng trong thời gian qua vẫn tồn tại nhiều hạn chế, còn những vụ việc gây phiền hà, sách nhiễu DN.

Sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra chưa chặt chẽ. Thời gian thanh tra kéo dài. Nội dung tranh tra chưa rõ ràng, có khi vượt ra ngoài thẩm quyền quản lý...

Doanh nghiệp làm thủ tục liên quan đến lĩnh vực thuế.

Đặc biệt, DN sợ nhất là nạn vòi vĩnh, làm tiền DN của cán bộ thuế. Điển hình, đó là trường hợp Huỳnh Trung Hiếu (nguyên cán bộ thuế Chi cục Thuế quận 1) khi làm Trưởng đoàn kiểm tra hoá đơn tại một DN ở phường Bến Nghé, quận 1. Kết thúc kiểm tra, DN sai phạm 2 nội dung: “Lập hóa đơn không ghi đầy đủ nội dung theo quy định” và “hủy không đúng quy định các hóa đơn GTGT”.

Theo quy định, hành vi này có mức phạt 3,6 triệu đồng, nhưng do thấy DN chưa hiểu nhiều về thuế nên Hiếu đòi DN chung chi 50 triệu đồng thì sẽ được bỏ qua. DN này nhiều lần năn nỉ và được Hiếu đồng ý chung chi 30 triệu đồng. Hai ngày sau, khi Hiếu đang nhận tiền của DN thì bị cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang. Hiếu đã nhận mức án 8 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Cùng vòi tiền DN, Trần Văn Báu (nguyên cán bộ Chi cục Thuế quận 1) cũng đã bị cơ quan CSĐT bắt quả tang khi đang nhận 10 triệu đồng của một DN khác trên địa bàn quận. Tại quận Tân Bình, bà V.T.H, chủ DNTN khách sạn M.H cho biết trước đây cũng đã từng tố cáo hành vi nhũng nhiễu của một cán bộ thuế.

Theo bà H, cán bộ thuế này mời DN đến Chi cục thuế làm việc yêu cầu nộp sổ sách theo dõi doanh số đầu vào, đầu ra của DN trong 3 năm liên tiếp để kiểm tra quyết toán thuế. Trong khi đó, hồ sơ sổ sách của DN thiết lập trên máy tính đã bị virus “cắn” mất. Cán bộ thuế này yêu cầu DN chi 80 triệu đồng để "cho qua" vụ này. Khi cán bộ thuế nhận 47 triệu đồng của DN thì bị cơ quan chức năng phát hiện.

Ngoài những kiểu vòi vĩnh DN thì tình trạng cán bộ thuế móc nối với DN để chiếm dụng tiền thuế của Nhà nước cũng xảy ra khá phổ biến.

Một DN chuyên kinh doanh mặt hàng thực phẩm bức xúc: “Khi cán bộ thuế xuống kiểm tra, xác định mức thuế DN còn chiếm dụng 300 triệu đồng. Nhưng sau đó, cán bộ thuế cho biết sẽ lo được vụ này. Thay vì đóng 300 triệu đồng, DN chỉ mất 160 triệu đồng, trong đó 70 triệu đồng tiền thuế và 90 triệu đồng chi cho cán bộ thuế. DN muốn tố giác nhưng lại... sợ, vì DN còn làm ăn lâu dài, sợ bị cán bộ thuế gây khó khăn”.

Theo ý kiến của nhiều DN, cán bộ thuế vòi tiền, yêu cầu “chia chác” kiểu này thường nhắm vào các DN nhỏ và vừa.  Tâm lý chung của DN là rất ngại thanh tra, kiểm tra thuế bởi họ sợ có sai sót.

Vì thế, bản thân DN luôn cố gắng không để bị thanh tra, hoặc nếu bị thanh tra thì DN thường hay chấp nhận chi những khoản chi phí không chính thức cho cán bộ thuế. Vì vậy, khi Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ ban hành trên tinh thần sẽ thanh tra, kiểm tra DN 1 lần/năm khiến cộng đồng DN vui mừng.

Trong khi đó, nhiều Chi cục thuế tỏ ra băn khoăn vì có nhiều nội dung cần kiểm tra nên con số kiểm tra 1 lần/năm rất khó đạt được. Tuy nhiên, một lãnh đạo của Chi cục Thuế quận 6 cho rằng, việc kiểm tra 1 lần/năm đã được Chi cục thuế thực hiện lâu rồi, đó là trong nội dung của Nghị quyết 35 nên giờ thực hiện Chỉ thị 20 sẽ không khó khăn.

Theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế, cứ cuối năm cơ quan thuế thành lập kế hoạch kiểm tra cho năm sau. Kế hoạch có 2 phần: Kiểm tra theo rủi ro và kiểm tra theo chuyên đề. Việc kiểm tra này thực hiện không quá 1 lần/năm.

Còn nếu phát hiện DN có dấu hiệu bất thường thì phải kiểm tra đột xuất (việc kiểm tra đột xuất không vi phạm Chỉ thị 20 vì nội dung được quy định trong Thông tư 156). Việc kiểm tra đột xuất cũng phải có quy trình chứ Chi cục cũng không thể tự ý đi kiểm tra.

Để tránh việc thanh tra, kiểm tra DN chồng chéo giữa các cơ quan, ban, ngành với nhau, cơ quan thuế cũng đề nghị thanh tra Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn chi tiết thực hiện Chỉ thị 20. Ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị công khai kế hoạch, lịch thanh tra, kiểm tra để các DN chuẩn bị tốt hơn.

Mục đích chính của việc thanh tra, kiểm tra là để DN chấn chỉnh, khắc phục những sai sót chứ không phải canh để phạt, mà nhiều khi việc phạt có thể bị lợi dụng, biến tướng để ăn tiền DN. Nếu thủ trưởng đơn vị nào để cán bộ kiểm tra nhiều lần DN, cố tình nhũng nhiễu DN thì sẽ bị xử lý nghiêm.

T.Hà
.
.
.