Xác minh làm rõ vụ việc Asanzo

Thứ Ba, 25/06/2019, 17:57
Tổng cục Hải quan phối hợp với Tổng cục Thuế và các đơn vị liên quan rà soát việc thực hiện quản lý nhà nước đối với việc nhập khẩu các sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam. Đồng thời, Tổng cục Thuế rà soát báo cáo về công tác quản lý thuế và các nội dung liên quan khác đối với Công ty CP điện tử Asanzo gửi Tổng cục Hải quan trước ngày 10-7-2019.


Ngày 25-6, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng- Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ 389 Quốc gia đã yêu cầu Ban chỉ đạo 389 Quốc gia khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 5546/VPCP-V.I ngày 24-6: Chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Công ty CP điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại các nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ tịch Tập đoàn điện tử Asanzo Phạm Văn Tam giải thích với báo chí về quy trình sản xuất tivi. Ảnh: Tuổi trẻ

Tổng cục Hải quan phối hợp với Tổng cục Thuế và các đơn vị liên quan rà soát việc thực hiện quản lý nhà nước đối với việc nhập khẩu các sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam. Đồng thời, Tổng cục Thuế rà soát báo cáo về công tác quản lý thuế và các nội dung liên quan khác đối với Công ty CP điện tử Asanzo gửi Tổng cục Hải quan trước ngày 10-7-2019.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo các Cục Hải quan, Cục Thuế các tỉnh, thành phố rà soát nhằm phát hiện các trường hợp tương tự và đề xuất các biện pháp thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, nợ đọng thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; đồng thời xem xét trách nhiệm của đơn vị để xảy ra tình trạng trốn thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có chỉ đạo tất cả các đơn vị có liên quan trong Bộ rà soát đánh giá cụ thể về vụ việc Asanzo đang gây xôn xao dư luận trong những ngày qua. Thời gian gần đây, trên một số phương tiện truyền thông phản ánh việc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam. 

Vụ việc này đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm lớn từ dư luận, do không ít người trong số đó đã và đang sở hữu sản phẩm của Asanzo vì tin vào mác “Made in Việt Nam - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” mà hãng này thường xuyên sử dụng để quảng cáo sản phẩm của mình. 

Bên cạnh đó, các phương tiện thông tin truyền thông và người tiêu dùng cũng đặt câu hỏi về việc nhập khẩu các linh kiện sản phẩm của công ty này và mức “thuế” mà Công ty Asanzo đóng góp cho ngân sách trong thời gian qua có tương ứng với kết quả kinh doanh đưa ra. 

 Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã trực tiếp yêu cầu hai Thứ trưởng Bộ Công thương là ông Đỗ Thắng Hải và ông Đặng Hoàng An chỉ đạo sát sao vấn đề này. Đồng thời yêu cầu các cục, vụ, viện có liên quan như Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp, Vụ Khoa học công nghệ, Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường… tiến hành kiểm tra rà soát công tác quản lý nhà nước, chức trách nhiệm vụ được giao và có những biện pháp cụ thể đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh. Bộ trưởng Bộ Công thương cũng yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện và báo cáo kết quả trong thời gian sớm nhất.

Ông Trần Hữu Linh Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, Tổng cục QLTT đã lên phương án tiến hành thẩm tra, xác minh vụ Asanzo nhập hàng Trung Quốc dán mác Việt Nam. Trong quá trình này, Tổng cục sẽ chú trọng đến việc kiểm tra xuất xứ hàng hoá.

Theo dự kiến, việc tiến hành kiểm tra Asanzo sẽ được tiến hành trong thời gian sớm nhất (khoảng 1-2 ngày tới). Theo ông Linh, vụ việc này rất “nhiều vấn đề”, cần được kiểm tra, xác minh một cách thận trọng, kỹ lưỡng nhằm đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo tính khách quan đối với doanh nghiệp.

Phan Đức
.
.
.