Xử lý tài sản đảm bảo:

Vướng mắc pháp lý, con nợ cù nhuầy, nhà băng chịu thiệt

Thứ Ba, 06/12/2016, 14:57
Đứng cho vay, quỳ đòi nợ- thực trạng chua chát của những người làm tín dụng đã được đúc kết từ mấy năm nay dường như vẫn không có gì thay đổi. Lợi dụng cơ sở pháp lý chưa đầy đủ, tạo dư luận, một số con nợ đã gây áp lực, dựng màn kịch trở thành “nạn nhân” của ngân hàng để cản trở quá trình thu hồi tài sản đảm bảo.

Mới đây, câu chuyện về một nhóm người tự xưng là người của Công ty Cổ phần Đầu tư ATS (sau đây gọi tắt là ATS)- con nợ của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) kéo nhau đến gây náo loạn cả một đoạn phố Điện Biên Phủ (Hà Nội) thêm 1 lần nữa minh chứng cho những nhọc nhằn mà những người làm tín dụng đang phải đối mặt khi giải quyết vấn đề nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm.

Theo hồ sơ tài liệu, ATS từng là một khách hàng của VPBank từ năm 2011, quá trình vay vốn ATS có sử dụng tài sản tại số 5 Điện Biên Phủ (số 6 Nguyễn Thái Học)  phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội để bảo đảm cho các khoản vay của VPBank (và nhiều tài sản khác). Tuy nhiên, kể từ khi phát sinh quá hạn (tháng 5-2011), Công ty ATS vẫn chưa thanh toán cho VPBank bất kỳ khoản nợ gốc, nợ lãi nào.

Trong suốt nhiều năm kể từ khi khoản nợ phát sinh quá hạn, VPBank đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để Công ty ATS chủ động bán tài sản, huy động các nguồn tiền để trả nợ, đặc biệt, Hội đồng xử lý nợ VPBank đã xem xét và phê duyệt miễn giảm cho Công ty ATS hơn 1.000 tỷ đồng tiền phạt cọc và tiền lãi phát sinh trong 4 năm sử dụng vốn, chỉ yêu cầu Công ty ATS thanh toán nợ gốc và 1 phần tiền lãi. Bà Nguyễn Thị Thoa - Đại diện Công ty ATS đã ghi nhận sự thiện chí của VPBank và cũng đã rất nhiều lần cam kết sẽ bán các tài sản để lấy tiền trả nợ cho VPBank, tuy nhiên sau đó lại tiếp tục vi phạm cam kết.

Đến tháng 1-2013, VPBank đã buộc phải khởi kiện Công ty ATS ra Tòa án nhân dân quận Ba Đình, TP. Hà Nội để đòi nợ. Tại Tòa, sau một quá trình đàm phán, bà Nguyễn Thị Thoa – Đại diện Công ty ATS đã đồng ý phương án gán cho VPBank 8 tài sản thế chấp (trong đó có tài sản tại số 5 Điện Biên Phủ để thay thế cho nghĩa vụ trả nợ cho VPBank (toàn bộ tiền lãi vay và tiền phạt cọc còn lại hơn 1.000 tỷ đồng, VPBank đồng ý miễn giảm cho Công ty ATS).

Tuy nhiên, phải mất 3 năm kể từ ngày Quyết định của Tòa án nhân dân quận Ba Đình thành phố Hà Nội có hiệu lực pháp luật thi hành, VPBank mới có thể hoàn tất được việc đăng ký sang tên tất cả các tài sản gán nợ. Chưa dừng lại đó, trong quá trình thực hiện các Quyết định của Tòa án, các thỏa thuận của chính ATS, bản thân ATS và một nhóm các cá nhân liên quan của ATS tiếp tục lật lọng, không thực hiện việc kê khai thuế (thu nhập doanh nghiệp, VAT…) như Quyết định của Tòa án và thực hiện nhiều hành vi cố ý gây cản trở quá trình đăng ký sang tên tài sản, xử lý nợ xấu của VPBank, làm cho quá trình xử lý khoản nợ xấu lớn của VPBank kéo dài từ năm này qua năm khác.

Xử lý nợ xấu gặp vướng mắc trong giải tuyết tài sản bảo đảm.

“Rõ ràng Công ty CP Đầu tư ATS do bà Nguyễn Thị Thoa làm đại diện, đã vay của VPBank số tiền lớn, sau đó chây ỳ không trả nợ trong nhiều năm (mặc dù đã được miễn giảm tiền lãi), sử dụng tất cả các hành vi, thủ đoạn để gây cản trở quá trình xử lý nợ xấu của Ngân hàng, sau đó là chiếm giữ và sử dụng trái phép tài sản; đồng thời tạo dư luận như thể ATS đang là nạn nhân của ngân hàng.

Trong khi cả Hệ thống nói chung và VPBank nói riêng đang nỗ lực xử lý nợ xấu theo đúng Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì một số doanh nghiệp như Công ty ATS lại đang lợi dụng chính sách của Nhà nước về ưu đãi doanh nghiệp để cố tình chây ỳ, không thanh toán nợ xấu mặc dù vẫn có điều kiện trả nợ.  

Điều này đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn cho VPBank nói riêng và cả hệ thống ngân hàng và nền kinh tế nói chung. Ngân hàng chúng tôi hiểu và chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, sẵn sàng miễn, giảm lãi và hỗ trợ bằng nhiều phương thức khác nhau để các doanh nghiệp được vay vốn, phục hồi sản xuất – kinh doanh. 

Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ doanh nghiệp như Công ty ATS lại đang lợi dụng chính sách để trục lợi, cố tình dây dưa, kéo dài việc xử lý nợ xấu, trong khi thực tế họ đã chiếm dụng nguồn vốn lớn của ngân hàng trong nhiều năm mà không thanh toán bất kỳ khoản nợ gốc, nợ lãi nào”, đại diện VPB bức xúc.

Thực tế, không phải chỉ VPBank, mà hiện Công ty ATS còn phát sinh nợ xấu tại nhiều Ngân hàng khác như Techcombank, Maritime Bank với số tiền lớn, kéo dài, tuy nhiên cũng chây ỳ và sử dụng nhiều thủ đoạn tương tự như đối với VPBank nhằm mục đích cản trở quá trình xử lý nợ của ngân hàng. 

Theo các chuyên gia, trong 4 vấn đề chính khi xứ lý nợ xấu, thì hoạt động xử lý tài sản bảo đảm có nhiều vướng mắc nếu không có sự hợp tác của khách hàng vay, bên bảo đảm. Bên nhận bảo đảm chỉ có thể thực hiện khởi kiện tại Tòa án để thu hồi nợ. Trong khi đó thời gian giải quyết vụ việc tại Tòa án thường bị kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Các quy định pháp luật hiện tại chưa tạo sự thông thoáng cho hoạt động, thậm chí còn hạn chế quyền của chủ nợ khi thực hiện xử lý nợ thông qua các biện pháp như bán nợ, bán tài sản bảo đảm.

Thừa nhận việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chưa hiệu quả, tỉ lệ nợ xấu được xử lý rất thấp, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nêu ra khó khăn là do thiếu quy định của pháp luật, quy định của pháp luật chưa phù hợp, hoặc do cách hiểu, áp dụng pháp luật của cơ quan của thẩm quyền khác nhau. 

Bởi vậy, ở góc độ pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, hiện nay, xử lý tài sản đảm bảo đang gặp nhiều vướng mắc và cần sửa đổi tới 9 luật, chưa kể Luật Đấu giá mà Quốc hội đang thảo luận. Tuy nhiên, việc sửa đổi cùng lúc 9 luật là rất khó khăn, đòi hỏi quá nhiều thời gian và sự tham gia của nhiều bộ ngành. Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần phải ban hành một bộ luật riêng về xử lý nợ xấu. Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cũng đồng tình quan điểm cho rằng cần có một luật riêng để xử lý nợ xấu giai đoạn 2008 – 2013… 

Nhóm PV
.
.
.