Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về vụ Giám đốc quỹ tín dụng ôm 50 tỷ bỏ trốn

Thứ Năm, 23/11/2017, 21:28
NHNN chỉ đạo các cơ quan chức năng có các giải pháp tích cực để thu giữ và xử lý tài sản của Quỹ tín dụng Thái Bình; thu nợ người vay quá hạn để có các nguồn tiền trả cho người gửi tiền với tinh thần tích cực nhất, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền theo quy định của pháp luật. 


Liên quan đến vụ Giám đốc quỹ tín dụng Thái Bình ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) "ôm" 50 tỷ bỏ trốn, ngày 23-11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có ý kiến. 

Theo vụ việc, sáng 20-11, hàng chục người dân đã đến bao vây phòng giao dịch Quỹ tín dụng Thái Bình tại phường Tân Hòa (TP Biên Hòa), mang theo băng rôn và liên tục lên tiếng đòi giám đốc quỹ tín dụng trả tiền. 

Những người này cho biết họ gửi tiền vào Quỹ tín dụng Thái Bình để lấy mức lãi suất từ 4-6% mỗi năm. Ngoài lãi suất trong hợp đồng, họ được quỹ này thỏa thuận, thanh toán thêm (ngoài hợp đồng) 4-6%/năm. Do vậy, mỗi người gửi tiền đều được hưởng mức lãi suất từ 8-12% mỗi năm. 

Từ đầu năm, khách hàng của qũy không nhận được lãi suất như thường lệ. Khi người dân yêu cầu quỹ trả tiền gốc thì giám đốc là ông Vũ Công Liêm né tránh sau đó cùng người thân bỏ trốn khỏi địa phương.

Được biết, Quỹ tín dụng Thái Bình thành lập vào năm 1994 và do ông Vũ Công Liêm (ngụ phường Tân Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) làm giám đốc. Quỹ này hoạt động theo mô hình hợp tác xã và hiện mất khả năng chi trả cho 80 khách hàng với số tiền 50 tỷ đồng. NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai sau đó vào cuộc thanh tra, kiểm tra và phát hiện quỹ này vi phạm quy định trong huy động, sử dụng vốn. 

Trước đó, vào năm 2015, NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cũng đã thanh tra Quỹ tín dụng Thái Bình và phát hiện nhiều sai phạm. NHNN xử phạt hành chính và buộc lãnh đạo quỹ này phải khắc phục, chấn chỉnh việc huy động vốn.

NHNN cho biết vụ việc vi phạm tại QTDND Thái Bình đã được NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai phát hiện từ cuối tháng 4-2017. Trước vi phạm nghiêm trọng của Giám đốc QTDND Thái Bình, NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an tỉnh Đồng Nai điều tra xác minh và cơ quan điều tra của tỉnh đã khởi tố vụ án và xử lý vụ việc đúng quy định của pháp luật.

“Ngay khi phát hiện yếu kém, NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã thực hiện việc Kiểm soát đặc biệt đối với QTD này; đồng thời phối hợp cấp Ủy, chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp tích cực để thu giữ và xử lý tài sản của Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) này, thu nợ người vay quá hạn để có các nguồn tiền trả cho người gửi tiền với tinh thần tích cực nhất, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền theo quy định của pháp luật. Vừa qua do việc bỏ trốn của ông Vũ Công Liêm - Giám đốc QTDND Thái Bình đã làm cho một số người gửi tiền lo lắng và tập trung đến QTDND này rút tiền gửi trước hạn. Chi nhánh NHNN và các cơ quan chức năng của Tỉnh đã giải thích rõ cho người gửi tiền tránh vì yếu tố tâm lý lo lắng phải rút tiền gửi trước hạn làm mất quyền được hưởng lãi suất có kỳ hạn. Đến nay, sự việc đã dần ổn định”, NHNN cho biết.

Cơ quan này cũng thông tin việc xử lý một số QTDND yếu kém ở một số địa phương thời gian qua đã được NHNN Việt Nam chỉ đạo xử lý tích cực hiệu quả, tạo được niềm tin của người gửi tiền với nguyên tắc quan trọng nhất là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. 

Trong trường hợp cần thiết, thì NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai sẽ có những biện pháp xử lý thông qua nguồn vốn cho vay hỗ trợ thanh khoản trong hệ thống QTDND, và các biện pháp cần thiết khác để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân gửi tiền.

4 lỗ hổng ở các Qũy tín dụng nhân dân

Thứ nhất, theo quy định, quỹ TDND có tiền thì phải gửi vào NH Hợp tác xã,
nhưng nhiều quỹ có tiền thừa đã không thực hiện mà đem gửi ở các NHTM
khác để hưởng lãi suất. Một số trường hợp, việc gửi tiền này đứng tên cá nhân nên rất rủi ro, dễ bị chiếm đoạt. 

Thứ 2 là hiên tượng lập hồ sơ khống. Trên thực tế không phát sinh hồ sơ vay vốn, nhưng cán bộ quỹ vẫn lập hồ sơ giả để rút tiền. 

Thứ 3 là lập hồ sơ khống có thể tên vẫn là QTDND, nhưng tiền thực tế không vào quỹ. 

Thứ 4 là thu lãi vay nhưng không nộp vào quỹ. Tất cả những lỗ hổng này đều không phải ở quy định, mà là rủi ro về đạo đức con người. Bởi vậy, cách khắc phục duy nhất là tăng cường đạo đức cán bộ và công tác kiểm tra, kiểm soát con người.

Lệ Thúy
.
.
.