Ưu đãi thuế nhưng phải minh bạch để chống chuyển giá

Thứ Tư, 11/07/2018, 10:34
Là vấn nạn nhức nhối, nhưng cũng là vấn đề không thể thiếu trong trong đầu tư toàn cầu hiện nay, giao dịch liên kết- hoạt động mà các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài lợi dụng để chuyển giá trốn thuế luôn là vấn đề bức xúc, xói mòn cơ sở thuế.


Hội thảo chuyên đề “Ưu đãi đầu tư, giao dịch liên kết: Thực trạng và giải pháp” diễn ra sáng 10-7 đã cập nhật và chia sẻ với các DN về những góc nhìn và định hướng của các chính sách ưu đãi đầu tư cũng như thực trạng và giải pháp của giao dịch liên kết tại Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, sau 30 năm mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN), Việt Nam đã thu hút được trên 24.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Khu vực DN có vốn ĐTNN đã đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước: Số thu ngân sách nhà nước từ khu vực DN có vốn ĐTNN luôn tăng trưởng ổn định, năm 2016 chiếm 19% tổng thu của ngân sách nhà nước; năm 2016 DN có vốn ĐTNN đóng góp 18,59% trong GDP của Việt Nam; giải quyết việc làm cho khoảng trên 4 triệu lao động.

DN FDI giải quyết việc làm cho khoảng trên 4 triệu lao động.

 Khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đồng thời là tiền đề quan trọng mở rộng quan hệ quốc tế, giúp Việt Nam nhận chuyển giao kỹ năng quản lý. Tuy nhiên, việc thu hút FDI còn nhiều hạn chế như chủ yếu gia công, tỷ lệ nội địa hoá thấp, chưa tạo liên kết với DN trong nước. 

“Từ việc nhìn nhận các điểm còn hạn chế, các cơ quan chức năng sẽ xây dựng chính sách thu hút FDI mới nhằm thu hút nhiều dự án đầu tư có chọn lọc, có công nghệ cao hơn trong thời gian tới”, Thứ trưởng Thắng nhấn mạnh.

Song đi cùng với đó là hiện tượng giao dịch liên kết- chuyển giá trốn thuế tăng mạnh. Số liệu phân tích báo cáo tài chính DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ năm 2012 đến năm 2016 cho thấy số lượng DN có vốn ĐTNN báo lỗ hàng năm là từ 44% đến 51% (đặc biệt năm 2015 là 51% và năm 2016 là 50% trên số lượng DN có báo cáo). 

Đồng thời, tốc độ tăng của quy mô đầu tư và hoạt động của các DN báo lỗ và DN lỗ lũy kế cao hơn tốc độ tăng về số lượng DN báo lỗ và DN lỗ lũy kế cho thấy tình trạng chuyển giá của khu vực FDI ngày càng gia tăng, phức tạp. 

Đáng chú ý, bên cạnh hiện tượng chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài của nhóm DN có vốn ĐTNN như nêu trên, còn xuất hiện hiện tượng chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược (từ nước ngoài vào Việt Nam) của một bộ phận DN có vốn ĐTNN trong nước được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất thuế TNDN và thời gian miễn, giảm thuế TNDN. 

Điều này thể hiện qua số liệu về tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân của DN có vốn ĐTNN trong một số ngành qua các năm luôn duy trì ở mức rất cao, như "Linh kiện điện tử, máy vi tính, thiết bị ngoại vi", "Viễn thông, phần mềm" (ROE trước thuế trên 30%),... 

Hay việc chuyển giá giữa các DN có vốn ĐTNN trong nước có quan hệ liên kết và được hưởng các mức ưu đãi thuế TNDN khác nhau: Một số dự án quy mô lớn được hưởng ưu đãi rất lớn về thuế TNDN như dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh và tại Thái Nguyên có hiệu quả hoạt động rất cao (tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2015 lần lượt là 30,1% và 61,4%, năm 2016 là 26% và 49%), trong khi các dự án sản xuất phụ trợ đi cùng có hiệu quả kinh tế thấp.

Dù là vấn nạn, song các chuyên gia cho rằng chuyển giá là hoạt động không thể thiếu trong đầu tư toàn cầu hiện nay. “Giao dịch giữa các bên liên kết là một phần không thể thiếu trong thương mại toàn cầu”, ông Thomas McClelland, Chủ tịch Tiểu ban thuế và chuyển giá của EuroCham, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam, khẳng định. Chính vì thế, “đối phó” với chuyển giá là câu chuyện bắt buộc mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải chấp nhận. 

Trên thực tế, trong khi chính sách thuế đã rất mở, ưu đãi đầu tư tập trung vào các chính sách thuế, các ngành nghề/địa bàn, các thủ tục cấp phép đầu tư thuận lợi là những quan tâm hàng đầu của các nhà ĐTNN khi thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, nhưng đồng thời DN lại có “kẽ hở” để chuyển giá.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, cải cách thuế giai đoạn 2011-2020 đã có được những kết quả như: chính sách thuế không có sự phân biệt, đối xử giữa các thành phần kinh tế, giữa DN trong nước với DN FDI, bình đẳng về nghĩa vụ thuế cho tất cả các nhà đầu tư; tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng và một bước tiến quan trọng chung cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. 

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế chia sẻ thêm, với DN, ưu đãi thuế chỉ là một yếu tố hấp dẫn. Điều quan trọng hơn cả là chính sách rõ ràng và môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi để DN hoạt động hiệu quả. 

“Trong tiến trình hội nhập quốc tế, việc thay đổi chính sách thuế và hệ thống các ưu đãi đầu tư là một trong các điều kiện thu hút ĐTNN tốt nhất. Chính phủ Việt Nam vẫn đang tiếp tục thay đổi nhiều thể chế, chính sách theo hướng tích cực và minh bạch, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà ĐTNN vào Việt Nam, tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia trong khu vực”, theo ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam cho biết.

Nhóm PV
.
.
.