Chống chuyển giá: Dài cổ đợi “cơ chế”

Thứ Sáu, 28/02/2014, 10:25
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo kết luận thanh tra thu ngân sách tại khu chế xuất và doanh nghiệp (DN) chế xuất trên địa bàn TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai - là những địa phương hàng đầu trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong đó cho biết vẫn chưa có liều thuốc đặc trị nào cho bệnh chuyển giá của các DN đầu tư nước ngoài.

Sau “cú sốc” Coca Cola, rồi Keangnam Vina, đến nay các chính sách về chống chuyển giá vẫn mới chỉ dừng lại ở dạng “kiến nghị nghiên cứu xây dựng”, chưa biết bao giờ mới có hình hài.

Theo văn bản kết luận thanh tra, cả 4 địa phương đều có những bất cập cần xử lý. Riêng về tài chính, TP Hồ Chí Minh được đề nghị xem xét xử lý số thuế hơn 38 tỷ đồng, Đồng Nai hơn 14 tỷ đồng và 1,35 triệu USD, Bình Dương hơn 1,25 tỷ đồng và Hà Nội gần 5,2 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo rà soát lại doanh thu, thu nhập chịu thuế, phương pháp chuyển lỗ đối với doanh thu thu tiền trước nhiều năm và thời gian ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Loteco, báo cáo kết quả với Thủ tướng và Thanh tra Chính phủ; thu ngân sách số tiền sử dụng vốn mà Công ty Thái Sơn phải nộp từ năm 1996 đến 2004 nhưng đến nay vẫn chưa nộp là 1,35 triệu USD, cùng với số tiền thuế hơn 8,4 tỷ đồng mà các DN phải nộp; chỉ đạo Tổng cục Thuế đôn đốc thu đối với các trường hợp bị truy thu thuế, đồng thời theo dõi quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn đối với các DN là hơn 19,7 tỷ đồng, số lỗ tăng thêm tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam là 21,5 tỷ đồng.

Coca Cola đã để lại hình ảnh không thiện cảm trong nhiều người tiêu dùng Việt Nam sau scandal chuyển giá.

Cơ quan Hải quan cũng được kiến nghị xử lý những bất cập của DN trong đăng ký nguyên liệu, vật tư nhập khẩu của DN; chậm thanh khoản; thanh lý tài sản, vật tư hàng hóa không làm thủ tục hải quan… Được biết, những tồn tại trên đã được xử lý bước đầu, như cơ quan Hải quan Bình Dương đã truy thu thuế 686 triệu đồng, phạt 1 lần thuế là 686 triệu đồng đối với Công ty TNHH Việt Nam Onamba do tiêu hủy nguyên phụ liệu, hàng hóa là 115.065 USD nhưng không khai báo.

Ngoài những kiến nghị xử lý tài chính trên, Thanh tra Chính phủ còn cho biết, những tồn tại khác về cơ chế quản lý, về chính sách có thể bị lợi dụng gây thất thu cho Nhà nước. Đó là sự thiếu thống nhất của các văn bản pháp luật đối với doanh nghiệp khu chế xuất và quy định về thương mại, gây khó khăn cho cơ quan Hải quan và cơ quan Thuế trong việc hướng dẫn thuế. Đáng chú ý là việc xác định giá thị trường trong giao dịch liên kết, dù đã được Bộ Tài chính ban hành 2 thông tư hướng dẫn vào năm 2005 và 2010, nhưng vẫn tỏ ra bất lực vì không thể xác minh tại nước ngoài đối với dữ liệu, thông tin về dấu hiệu chuyển giá của DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Không phủ nhận những kết quả tích cực của việc các nhà đầu tư nước ngoài đưa vốn vào Việt Nam, tạo ra một hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, có giá trị lâu dài, đóng góp vào sự tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và trình độ cho người lao động… Tuy nhiên, những điểm bất ổn trong quản lý, đặc biệt ngăn chặn tình trạng chuyển giá, trốn thuế của các DN này vẫn là một bài toán lớn

N. Phương
.
.
.