Tỷ trọng nội địa hóa ngày càng cao trong sản phẩm doanh nghiệp FDI

Thứ Bảy, 05/01/2019, 10:18
Để chọn nhà cung ứng công nghiệp hỗ trợ (CNHT), các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thường có yêu cầu cao về tiêu chuẩn DN, nhà xưởng, công nghệ hiện đại, công nhân giỏi, sản phẩm tốt...

Trong khi đó, các DN thuộc lĩnh vực CNHT có đến 96-97% là DN nhỏ và vừa, nên họ muốn có đơn hàng chắc chắn thì mới dám vay vốn để đầu tư máy móc, tuyển dụng đào tạo nhân lực. Chính sự mâu thuẫn này nên các DN FDI chưa hoàn toàn tin tưởng vào các nhà cung ứng trong nước.

Theo đánh giá của ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam: “Trong thời gian tới, chắc chắn sẽ có nhiều tập đoàn lớn, công ty đa quốc gia sẽ đầu tư vào Việt Nam, và đây là cơ hội lớn cho các DN lĩnh vực CNHT”...

Sản phẩm công nghiệp Việt Nam những năm gần đây thường xuyên chiếm tỷ trọng áp đảo (81-87%) trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Năm 2017, trong số 10 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất thì có tới 8 nhóm là hàng công nghiệp. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, có thể thấy mức độ tham gia của ngành CNHT vào chuỗi cung ứng toàn cầu còn rất hạn chế.

Nói về những thuận lợi, khó khăn của các DN Việt Nam trong lĩnh vực CNHT, ông Lê Dương Quang cho rằng, các nhà sản xuất lớn nước ngoài đều quan tâm đến việc giảm chi phí sản phẩm của DN CNHT. Hệ thống văn bản pháp luật ngày càng hoàn chỉnh, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng... Thuận lợi là, hiện nay các DN trong lĩnh vực CNHT hầu hết là doanh nhân trẻ, năng động, được đào tạo bài bản, áp dụng kỹ năng mới trong quản lý... Nếu được khuyên khích, tạo điều kiện để phát triển thì đây sẽ là một lực lượng đầy tiềm năng để trở thành những “mắc xích” trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, khó khăn thách thức là các nhà sản xuất lớn họ chưa hoàn toàn tin tưởng vào các nhà cung ứng Việt Nam, họ coi DN Việt Nam rất nhỏ bé, công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý, năng lực công nhân còn hạn chế... Ngoài ra, sự kết nối, phối hợp giữa các DN trong nước còn kém; môi trường pháp lý Việt Nam chưa hoàn thiện, thủ tục hành chính rườm rà, tiếp cận nguồn vốn vay của các DN luôn là vấn đề nan giải.

Trong khi DN FDI vay vốn lãi suất chỉ 1-2%/năm (vay từ ngân hàng nước ngoài), thì DN trong nước vay lãi suất 9-10%/năm, riêng việc này cũng đã làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của DN Việt.

Tại triển lãm CNHT năm 2018 do Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) và Trung tâm Phát triển CNHT – Sở Công thương TP Hồ Chí Minh tổ chức, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện JETRO tại TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay có gần 2.500 công ty Nhật Bản ở Việt Nam, và hơn một nửa trong số đó là các ngành sản xuất.

Tuy nhiên, do khó khăn trong việc tìm kiếm các nhà cung cấp tại Việt Nam nên hầu hết công ty Nhật phải nhập khẩu linh kiện và nguyên liệu từ Nhật Bản hoặc Trung Quốc để lắp ráp tại Việt Nam và xuất khẩu thành phẩm ra nước ngoài. Theo khảo sát của JETRO năm 2017, tỷ lệ cung ứng nội địa ở Việt Nam chỉ là 33,2%, thấp nhất trong số 6 quốc gia được JETRO khảo sát.

Theo đánh giá của các chuyên gia, chi phí nguyên vật liệu chiếm tỷ lệ 60% trên tổng chi phí sản xuất, do đó các công ty FDI tại Việt Nam đều mong muốn tăng nguồn cung ứng nội địa để giảm chi phí sản xuất và rút ngắn được thời gian giao hàng, nên họ đặt kỳ vọng cao vào các DN nội địa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những yêu cầu quá cao của DN FDI về chất lượng sản phẩm, tiến độ giao hàng, sự thay đổi mẫu mã thường xuyên... khiến các DN lĩnh vực CNHT trong nước khó đáp ứng, nhất là các DN nhỏ và vừa, DN mới. Điều đó cũng khiến DN FDI cảm thấy không yên tâm với các DN cung ứng Việt Nam.

Các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội hợp tác tại triển lãm.

 Xác định đây là ngành công nghiệp trọng yếu để phát triển kinh tế, đặc biệt là trong thời gian tới hội nhập sâu rộng, làn sóng DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam ngày càng lớn, tại TP Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế lớn của cả nước đã triển khai giải pháp để tập trung phát triển lĩnh vực CNHT. Theo đó, hỗ trợ cho các DN lĩnh vực CNHT lãi vay để đầu tư nhà xưởng và đầu tư công nghệ sản xuất mới với thời gian hỗ trợ là 7 năm, mức vay tối đa cho 1 dự án là 200 tỷ đồng.

Trong năm 2018, thông qua chương trình kích cầu đầu tư trong lĩnh vực CNHT, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã tư vấn cho 30 DN có nhu cầu tham gia chương trình. Đã tiếp nhận 16 hồ sơ dự án với tổng vốn đầu tư hơn 943 tỷ đồng, trong đó, 2 dự án đã được UBND TP phê duyệt với tổng vốn đầu tư gần 222 tỷ đồng (vốn vay được hỗ trợ lãi suất 110 tỷ đồng). Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh còn tổ chức những buổi kết nối để DN lĩnh vực CNHT trong nước tìm kiếm cơ hội để trở thành nhà cung ứng linh kiện cho các DN FDI.

Từ nguồn vốn kích cầu của TP Hồ Chí Minh, hiện đã có một số DN lĩnh vực CNHT đã tham gia được vào chuỗi cung ứng, trở thành nhà cung cấp cho các DN FDI. Điển hình, Công ty cổ phần Công nghiệp và Thương mại Lidovit, với mức đầu tư 47 tỷ đồng, công ty đã mở rộng sản xuất, đầu tư thêm máy móc thiết bị công nghệ hiện đại nâng công suất lên hơn 6.000 tấn sản phẩm/năm…

Nếu trước đây, DN chỉ sản xuất phụ tùng thay thế cho các DN trong nước thì nay có thể sản xuất được các linh kiện máy công nghiệp cho các DN Nhật Bản, Hàn Quốc tại Việt Nam xuất khẩu hàng đi châu Âu, thay thế dần phụ tùng từ nước ngoài chuyển về.

Để trở thành “mắc xích” trong chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất lớn, DN lĩnh vực CNHT cần phải làm gì? Ông Lê Dương Quang chia sẻ: DN cung ứng phải hiểu rõ nhu cầu của đối tác tiềm năng, từ đó xác định xem mình có thể làm được việc gì. Phải chuẩn bị kỹ để giới thiệu sản phẩm mình có thể cung cấp. Phải chủ động tiếp xúc với DN nước ngoài. Nói chung, việc thâm nhập chuỗi cung ứng luôn tồn tại vấn đề “Con gà - quả trứng”.

Đó là DN đặt hàng luôn muốn DN bán hàng phải chứng minh tính sẵn có (đủ năng lực sản xuất với công nghệ tiên tiến, có đội ngũ thợ lành nghề...), trong khi DN bán hàng (đa phần DN nhỏ) lại muốn phải có đơn hàng chắc chắn mới dám đầu tư trang thiết bị hiện đại, tuyển dụng đào tạo nhân viên... Để giải quyết 2 bất cập này, hai phía cần phối hợp chặt chẽ.

Thúy Hà
.
.
.