Tìm giải pháp để kết nối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI

Thứ Năm, 05/07/2018, 08:10
Đây là chủ đề chính tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018 tổ chức tại Hà Nội ngày 4-7.


Hiện nay, câu chuyện liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Vì vậy, thúc đẩy tăng cường quan hệ giữa doanh nghiệp (DN) FDI và DN Việt Nam là yêu cầu hết sức quan trọng để Việt Nam vươn lên nắm giữ những vai trò hàng đầu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, mối quan hệ này đang khá lỏng lẻo, vì thế các cơ quan chức năng cần phối hợp với các hiệp hội DN, VCCI, các địa phương để thúc đẩy sự liên kết này.

Làm gì để DN trong nước hợp tác được với DN FDI?

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhiều năm qua, câu chuyện liên kết giữa FDI và DN nội vẫn cứ nhắc đi nhắc lại nhiều lần mà không có nhiều cải thiện. Trong khi các DN nội cho biết DN FDI không chịu chia sẻ, hợp tác thì các DN FDI cho rằng sở dĩ như vậy là do các DN nội không đủ năng lực tham gia chuỗi sản xuất, chất lượng nguồn nhân lực thấp. 

Nhiều năm qua, khu vực DN FDI vẫn được coi như “ốc đảo” dù tồn tại trong nền kinh tế. Đánh giá về sự kết nối giữa DN FDI và DN trong nước, ông Vũ Tiến Lộc ví von  “mặc dù vào Việt Nam 30 năm qua nhưng “chàng trai FDI” vẫn chưa “kết hôn” được với các DN trong nước. 

Môi trường minh bạch, ủng hộ và hợp tác sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận những thị trường quốc tế tốt nhất.

Do đó, để DN trong nước phát triển, vươn lên tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì tăng cường sự kết nối này là việc vô cùng quan trọng. Các cơ quan chức năng cần phối hợp với các hiệp hội DN, VCCI, các DN, địa phương để thúc đẩy sự liên kết này.

Tăng cường quan hệ giữa DN FDI và DN Việt Nam là yêu cầu hết sức quan trọng để Việt Nam vươn lên nắm giữ những vai trò hàng đầu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì thế, ông Kojji Ito, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, một trong những trách nhiệm của Chính phủ là đề ra những quy định để tạo điều kiện cho DN có môi trường hoạt động thông thoáng đến mức tối đa, trong khi vẫn bảo đảm kỷ cương chặt chẽ. 

“Cụ thể, phải làm thế nào để hai phía gồm DN Việt Nam với tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, và DN có vốn đầu tư nước ngoài với nguồn vốn, kinh nghiệm làm ăn, tăng cường tiếp cận được với các nguồn lực mà DN cần như con người, sản phẩm, vốn”, ông Kojji Ito nói.

Thực tế liên kết “lỏng lẻo” giữa hai khu vực này đã được Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc dẫn chứng ở các chỉ số đóng góp nên thứ hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) được công bố mới đây. Đó là mặc dù xếp hạng của Việt Nam trong năm 2018 tăng 4 bậc lên vị trí thứ 55 nhưng năng lực hấp thụ công nghệ của DN Việt Nam vẫn xếp thứ 93, chuyển giao công nghệ là 89 và độ sâu của chuỗi giá trị ở ví trị 106.

Trên thực tế, đã có một số điển hình về sự kết nối giữa DN FDI và DN trong nước. Ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho biết, DN Hàn Quốc đang rất nỗ lực để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam và nuôi dưỡng các DNNVV. 

Như trường hợp của Công ty Điện tử Samsung (SEV), dịch vụ tư vấn của điện tử Samsung dành cho 26 DN Việt Nam hợp tác với Samsung từ năm 2015 đến năm 2017 đã giúp cải thiện hiệu suất vận hành thiết bị hơn 30%, giảm tỷ lệ lỗi hơn 20%. Trong năm nay, điện tử Samsung cũng đang tiến hành tư vấn cho các DN hợp tác và có kế hoạch tăng số lượng DN được tư vấn hàng năm.

Tuy nhiên, con số này là rất nhỏ so với nhu cầu thực tế mà Samsung cần. Được biết, tới đây Samsung có ý định đưa 200 nhà cung ứng nước ngoài vào Việt Nam để cung ứng linh kiện cho Samsung. Theo ông Vũ Tiến Lộc, “đây là tin vui nhưng cũng là nỗi buồn, vui vì ta thu hút thêm được các nhà cung ứng cho các DN lớn, nhưng buồn vì giá như 200 DN này là 200 DN Việt. Câu hỏi đặt ra làm làm sao để DN Việt lớn lên, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, làm sao để kết nối được với các DN FDI lớn?”.

Cần chủ động tạo điều kiện cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị

Theo Chủ tịch KoCham Kim Heung Soo, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và nuôi dưỡng các DN nhỏ và vừa ngành chế tạo. Tuy nhiên, thực tế là đại đa số các DN địa phương ở Việt Nam vẫn chưa thể sản xuất các sản phẩm phụ trợ đáp ứng yêu cầu của DN FDI. Do đó, Chính phủ Việt Nam và các DN FDI cần nỗ lực để cải thiện tình hình này.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để tăng cường sự liên kết đó, các DN nước ngoài cần chủ động tạo điều kiện cho các DN Việt Nam có cơ hội từng bước tham gia vào chuỗi giá trị. Còn các DN trong nước phải nỗ lực đổi mới tư duy quản lý theo hướng hiện đại, tiếp cận công nghệ tiên tiến, nâng cao kỹ năng và trình độ lao động, tăng năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ đồng hành cùng với DN và phải có các biện pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ cho sự liên kết giữa DN trong nước và DN nước ngoài một cách hiệu quả và dễ tiếp cận.

Chia sẻ về vấn đề hỗ trợ các DN Việt Nam kết nối với DN FDI để tiến tới chuỗi giá trị toàn cầu, bà Orsolia Grove, đại diện nhóm công tác đầu tư và thương mại cho hay, những thị trường toàn cầu chính dành cho các sản phẩm của Việt Nam có các luật và tiêu chuẩn có thể tạo ra những thách thức lớn cho các DN Việt Nam.

Những tiêu chuẩn này đặt ra trở ngại lớn cho các DN Việt Nam, nhưng ngay cả các DN có cam kết tuân thủ các quy định trong nước cũng rất vất vả mới có thể tuân thủ. “Để DN Việt Nam tiếp tục tăng cường vai trò của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các cơ quan hành chính phải giảm nhẹ gánh nặng đối với việc tuân thủ, không phải bằng cách hạ các tiêu chuẩn mà bằng cách cung cấp các quy định rõ ràng, hướng dẫn đơn giản và thực thi thống nhất. Một môi trường minh bạch, ủng hộ và hợp tác sẽ tạo thuận lợi cho việc các DN Việt Nam tiếp cận những thị trường quốc tế tốt nhất”, bà Orsolia Grove nhấn mạnh.

Lưu Hiệp
.
.
.