Thuế, phí, lãi suất, "bôi trơn" đè nặng vai doanh nghiệp

Thứ Ba, 12/04/2016, 10:46
20.044 doanh nghiệp (DN) tạm ngừng hoạt động trong 3 tháng đầu năm 2016 là một con số thực sự đáng báo động, dù nhiều ý kiến cho rằng, việc DN “tăng giảm” là hết sức bình thường. Song, TS Nguyễn Đình Cung lại cho rằng, con số này không bình thường một chút nào.

Theo báo cáo thống kê chuyên đề tình hình hoạt động DN của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số DN hoàn tất thủ tục giải thể những tháng đầu năm 2016 có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2015.

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi lãi suất ngân hàng có nguy cơ tăng.

Cụ thể, cả nước có 20.044 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: 8.026 DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 44,7% so với cùng kỳ; 12.018 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 13,1% so với cùng kỳ (so sánh 2015/2014: DN tạm ngừng tăng 14,2%).

Số lượng DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể phần lớn là những DN có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm 92,5% trên tổng số DN tạm ngừng hoạt động. So sánh với cùng kỳ của năm 2015 thì số DN tạm ngừng hoạt động có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ tăng 10,9%.   

Các nguồn thông tin dẫn số liệu cho biết, một nửa DN trong số này “chết” vì sản xuất thua lỗ kéo dài, lãi suất vay vốn mỗi ngày nhích lên một chút, chi phí cho lao động cao hơn, thuế tăng và phí cũng nhiều hơn. Tất cả cộng lại đã đánh gục DN.

Thực tế, câu chuyện thuế, phí, lãi suất ngân hàng “ăn mòn” lợi nhuận DN đã từng được đề cập. Cụ thể, trong báo cáo Doing Bussiness 2016 do WB công bố, DN Việt Nam phải dành gần 40% lợi nhuận để nộp thuế, chưa kể phí và các khoản chi phí “không tên” khác...

Dù tỷ trọng thuế trên lợi nhuận mà DN Việt Nam phải nộp thấp hơn một số nước như Mỹ, Trung Quốc... nhưng cao hơn rất nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, tỷ lệ này tại Singapore là 18,4%, Thái Lan cũng chỉ khoảng 27,5%, Campuchia 21%, Indonesia 29,7%... Một trong những nguyên nhân khiến tổng số thuế phải nộp trên lợi nhuận tại Việt Nam lên đến gần 40% là do mức nộp vào Quỹ bảo hiểm xã hội quá cao, lên tới 18%.

Mặc dù Bộ Tài chính đã lên tiếng giải thích bảo hiểm, phí công đoàn không phải là thuế “ăn mòn” lợi nhuận DN, nhưng những khoản đóng góp đang “cấu” vào ruột của DN, dù gọi là gì thì cũng vẫn đang tồn tại, đang tiếp tục là gánh nặng cho DN, đặc biệt là những DN nhỏ và vừa luôn ở trong tình trạng thiếu và yếu. Cộng hưởng với đó, vốn vay cũng đang “bào mòn” lợi nhuận của DN.

Câu chuyện tăng lãi suất huy động lên trên 8%/năm ở một vài ngân hàng thương mại khiến cho lo ngại về khả năng tăng lãi suất vẫn hiện hữu. Lãi suất huy động tăng đồng nghĩa với chi phí ngân hàng tăng lên và lãi suất cho vay có thể sẽ lên 11 - 13,5%/năm.

Điều này sẽ tác động lớn đến nền kinh tế, đặc biệt là với đại đa số các DN đang cố gắng “vượt cạn” bằng nguồn vốn vay ngân hàng. Các chuyên gia kinh tế tính toán tỷ suất lợi nhuận bình quân hiện nay của các ngành nghề khoảng từ 10 - 15%, nếu lãi vay dưới 8% là lý tưởng, 8-9% thì vẫn có thể “thở” được, còn nếu vọt lên 11-13,5% thì DN sẽ kiệt sức.

Ngoài ra, có hàng trăm khoản phí không chính thức, đặc biệt là phí “bôi trơn” là một trong những nỗi sợ hãi thực sự của DN, vì các khoản phí này không những phải chi định kỳ, mà kể cả bất thình lình xuất hiện. Điều đáng nói là dù khoản chi rất lớn nhưng không có một hóa đơn, giấy tờ nào nên kế toán cứ phải tìm mọi cách để hợp thức hóa số tiền. Bởi vậy, một kế toán được đánh giá giỏi là một người có quan hệ rộng để có thể mua khống được hóa đơn, hợp thức hóa được những hóa đơn quay vòng để có thể “chống chế” với lực lượng kiểm tra chuyên ngành, sau khi đã có phong bì “lót tay” đi kèm.

Thực trạng này không chỉ xảy ra nhỏ lẻ mà nó gần như là hiện tượng phổ biến. Các khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh (năm 2014 và 2015) đều cho thấy, "chi phí bôi trơn" của DN không những không giảm mà còn tăng lên. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan mới đây dẫn số liệu của WB: DN Việt cứ làm ra một đồng lợi nhuận thì mất 0,72 đồng, thậm chí 1,02 đồng để "bôi trơn"!

Như vậy, nguyên nhân vì sao DN “chết hàng loạt” đã rõ. Nếu cứ tiếp tục tình trạng này, liệu các DN và nền kinh tế Việt Nam bao giờ mới “lớn”?

Lệ Thúy
.
.
.