Thất thu thuế vì dịch bệnh

Thứ Bảy, 13/06/2020, 08:00
Sáng 12/6, trong cuộc họp báo chuyên đề về công tác quản lý thuế, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết sẽ tăng cường rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu, bù đắp một phần số hụt thu ngân sách nhà nước (NSNN) do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.


Ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, trong 5 tháng đầu năm, tình hình kinh tế trong và ngoài nước có diễn biến vô cùng phức tạp, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Trong nước, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại, nhiều ngành giảm lớn so với cùng kỳ. GDP quý I/2020 tăng trưởng 3,82% là mức tăng thấp nhất của quý I các năm trong giai đoạn 2011-2020.

Hầu hết các lĩnh vực, ngành kinh tế đều chịu tác động của dịch bệnh, trong đó một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng như: xuất nhập khẩu, giao thông vận tải (đặc biệt là vận tải hàng không), du lịch, dịch vụ, ăn uống, lưu trú, sản xuất ôtô, sản xuất điện tử, máy tính, dệt may, da giày… Số doanh nghiệp (DN) đăng ký mới giảm 10,08% so với cùng kỳ, DN tạm ngừng nghỉ kinh doanh tăng 18,23%... đã tác động xấu đến tình hình thu NSNN trong 5 tháng đầu năm 2020 và sẽ tiếp tục có những tác động làm giảm thu NSNN trong những tháng tiếp theo.

Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế.

Kết quả thực hiện thu NSNN lũy kế 5 tháng đầu năm 2020 mặc dù về tổng thể, tiến độ thu vẫn đạt 39,9%, xấp xỉ bằng mức thực hiện năm 2019. Tuy nhiên, tiến độ thu cao tập trung một số khoản có nguồn phát sinh kinh tế của năm 2019 nhưng kê khai, nộp thuế trong những tháng đầu năm 2020 theo quy định. Nếu loại trừ các khoản thu đó, thu nội địa lũy kế 5 tháng mới đạt được 36,3%, là kết quả thu thấp nhất trong nhiều năm qua cả về tiến độ và tốc độ.

Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN mà Chính phủ, Bộ Tài chính đã giao cho ngành Thuế, trong tháng 6 và giai đoạn 6 tháng cuối năm ngành Thuế sẽ phải thực hiện đồng bộ 6 giải pháp quản lý thuế. Theo đó, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị của Bộ Tài chính, và các Bộ, ngành, địa phương triển khai tốt Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho người nộp thuế.

Song song với đó là triển khai thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Toàn ngành Thuế cũng sẽ thực hiện rà soát toàn bộ người nộp thuế trên địa bàn bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Từ đó theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình “sức khỏe” DN, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế thuộc phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh, tổ chức đánh giá, xác định cụ thể mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây ra đến từng ngành, lĩnh vực, từng người nộp thuế, tổng hợp mức độ ảnh hưởng đến thu ngân sách. Trên cơ sở đó sẽ tập trung hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế ổn định sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN.

Đặc biệt, ngành Thuế sẽ rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu, bù đắp một phần số hụt thu NSNN do dịch bệnh COVID-19 gây ra như thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tăng cường quản lý đối với các đối tượng được hưởng lợi trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 xảy ra do tăng trưởng sản xuất hoặc thay đổi hành vi tiêu dùng như: hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ viễn thông, internet...

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Công an, hải quan, quản lý thị trường để kiểm soát chặt chẽ về giá cả hàng hóa, quản lý hiệu quả hơn hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng internet, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, qua đó chống thất thu ngân sách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để khuyến khích, thu hút đầu tư trên địa bàn, tạo nguồn tăng thu cho NSNN...

Thanh tra giảm, số tiền kiến nghị xử lý vẫn tăng hơn 172%

Trong 5 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, với chủ trương không thanh kiểm tra những doanh nghiệp có thiệt hại vì dịch bệnh và những doanh nghiệp rủi ro thấp, tính đến hết tháng 5, cơ quan thuế các cấp mới thực hiện được 18.638 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 20,16% kế hoạch năm 2020; kiểm tra được 202.767 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế.

Song, đáng chú ý, tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 23.365 tỷ đồng bằng 172,62% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 48 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 173,77 tỷ đồng; giảm lỗ 891,18 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 1.042,82 tỷ đồng.

Lý giải việc thanh tra ít, tiền kiến nghị xử lý vẫn tăng, đại diện Tổng cục Thuế cho biết do có những cuộc thanh, kiểm tra đã được theo dõi nhiều năm, chuyển qua 2020, còn nếu loại trừ những cuộc thanh, kiểm tra này, số tiền kiến nghị xử lý chỉ còn 12.726 tỷ đồng, bằng 97,8% so với năm 2019. (B.K)
Hà An
.
.
.