Tập đoàn, tổng công ty nhà nước nào sẽ được kiểm toán năm 2016?

Thứ Sáu, 30/10/2015, 08:47
Theo dự kiến kế hoạch kiểm toán 2016 của kiểm toán Nhà nước (KTNN), cơ quan này sẽ kiểm toán hầu hết các địa phương và khoảng 50-60% số bộ, cơ quan Trung ương.


Ngoài kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2015 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, KTNN dự kiến kiểm toán 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 2 thành phố trực thuộc tỉnh và 16 bộ, cơ quan Trung ương.

Về kiểm toán chuyên đề, KTNN sẽ ưu tiên lựa chọn kiểm toán các chủ đề liên quan đến các chính sách, chế độ, chương trình và dự án trong cả giai đoạn 2011-2015, đặc biệt tập trung kiểm toán các chương trình, dự án và hoạt động liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế như: Tái cơ cấu đầu tư công, trọng tâm là Chương trình trái phiếu Chính phủ; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu nông nghiệp, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Dự kiến kiểm toán 13 chuyên đề, trong đó 2 chuyên đề (chương trình nông thôn mới và tái cơ cấu DNNN) do nhiều đơn vị trong ngành cùng tham gia kiểm toán; KTNN cũng lựa chọn để kiểm toán một số hoạt động liên quan đến thực hiện các chủ trương, chính sách về giáo dục đào tạo nghề; các chính sách mới về xã hội hóa y tế, tăng cường trang thiết bị y tế để giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương.

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình dự án, tập trung kiểm toán tổng hợp công tác quản lý, điều hành chi đầu tư xây dựng của bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trong năm 2015; lựa chọn để kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) và các hình thức đầu tư không sử dụng vốn nhà nước; các dự án đầu tư có quy mô lớn, được dư luận xã hội quan tâm như: Các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải; dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ODA, dự án BOT, BTO, BT… Ngoài ra, KTNN sẽ tiếp tục tập trung kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính nhà nước để đánh giá thực trạng thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp và đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015.

KTNN cũng dự kiến tổ chức kiểm toán đối với 3 chủ đề được dư luận xã hội quan tâm, trong đó có hoạt động giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính năm 2015 đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước của Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải; và kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước năm 2015 của huyện Đông Anh (Hà Nội).

Lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án, dự kiến kiểm toán 42 đầu mối, dự án (bao gồm Dự án đầu tư xây dựng Công trình Nhà Quốc hội), trong đó có 2 dự án BT và 9 dự án BOT. Lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng dự kiến kiểm toán tại 31 đầu mối, gồm 21 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, 10 ngân hàng và các tổ chức tài chính, tín dụng, trong đó có 2 đầu mối doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 50%. Lĩnh vực quốc phòng dự kiến kiểm toán 14 đầu mối, trong đó có cuộc kiểm toán tổng hợp Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2015 của Bộ Quốc phòng. Lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng cũng được dự kiến kiểm toán 6 đầu mối.

Theo KTNN, đến 1/10/2015, toàn ngành đã hoàn thành Báo cáo kiểm toán Quyết toán NSNN năm 2013, Báo cáo kiểm toán năm 2014 và một số báo cáo chuyên đề. Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán từ 110 báo cáo kiểm toán cho thấy đã kiến nghị xử lý tài chính là 11.141,8 tỷ đồng. Về thực hiện kiến nghị kiểm toán, năm 2013 thực hiện tăng số ngân sách được gần 13,4 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 63,1%; sang đến 2014, tỷ lệ đã tụt xuống 52,6%, chỉ thực hiện được 9,966 nghìn tỷ/18,934 nghìn tỷ kiến nghị.
Vũ Hân
.
.
.