Tập đoàn Sao Mai: Tạo sự khác biệt và tìm “lối đi riêng” đến thành công

Thứ Hai, 18/01/2016, 09:37
Từ năm 2010 đến 2015, Tập đoàn Sao Mai đã có những bước phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng bình quân 15-20% mỗi năm. Đến cuối năm 2014, Tập đoàn Sao Mai có 12 công ty thành viên với tổng số CBCNV gần 6.000 người, tổng vốn điều lệ khoảng 4.000 tỷ đồng, tổng tài sản theo giá trị chuyển nhượng thị trường khoảng 15.000 tỷ đồng. Những con số này đều cao hơn ít nhất 4 lần so với thời điểm năm 2010.


Sao Mai được xếp vào TOP 50 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất cả nước, một trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sao Mai về những bí quyết để đưa doanh nghiệp phát triển bền vững và ổn định.

PV: Được biết, ông hết sức tâm đắc với mô hình kinh doanh đa ngành nghề, nhằm tạo thế chân vạc cho doanh nghiệp phát triển ổn định. Ông có thể chia sẻ đôi nét về những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính của Sao Mai Group hiện nay?

Ông Lê Thanh Thuấn (bìa trái) và một đối tác Nhật Bản.

Ông Lê Thanh Thuấn: Thực tế cho thấy, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp. Trong giai đoạn vừa qua và cho đến thời điểm này, theo tôi, doanh nghiệp nào chỉ “độc canh một nghề”, hay tôi vẫn thường nói vui là “để tất cả trứng vào một giỏ”, thì sẽ rơi vào tình trạng khó khăn, khốn đốn. Còn ngược lại, doanh nghiệp đa ngành hay “mô hình chân rết” thì họ biết khai thác mặt mạnh của ngành này bổ trợ cho cho ngành kia, sẽ ổn định và phát triển hơn.

Hiện, Sao Mai có 12 công ty thành viên tập trung vào các lĩnh vực: bất động sản (BĐS), chế biến thuỷ sản xuất khẩu, du lịch lữ hành, nhà hàng khách sạn, tư vấn thiết kế, xây dựng và dịch vụ. Trong đó, chúng tôi xem dịch vụ là 1 mảng kinh doanh năng động nhất, có thể cứu ứng cho các ngành nghề khác kịp thời. Tôi quan niệm rằng, mảng dịch vụ của Sao Mai không sản sinh ra những loại hàng hóa nào xã hội không có nhu cầu, mà luôn tìm kiếm và đáp ứng kịp thời hay cũng có thể là định hướng tiêu dùng của xã hội. 

PV: Có thể nói, những lĩnh vực kinh doanh của Sao Mai Group là không mới, nhưng chắc chắn ông có “chiến thuật” để tìm lấy lối đi riêng hiệu quả?

Ông Lê Thanh Thuấn: “Bầy đàn” là điều tối kỵ trong vấn đề quản trị nhân sự và chiến thuật kinh doanh của Sao Mai. Tôi có thể nêu ra vài ví dụ. Ở nước ta không thiếu những tập đoàn lớn, nhỏ kinh doanh BĐS. Nhưng không nhiều doanh nghiệp được tồn tại và phát triển bằng chính ngành này, trong khi đó Sao Mai vẫn “sống tốt, sống khỏe và sống có ích” từ BĐS cho dù phải đối mặt với sự: nóng - ấm - lạnh thất thường của thị trường địa ốc… Hoặc một ví dụ khác là dầu cá cao cấp Ranee chẳng hạn. Rất nhiều người đã biết đến lợi ích của dầu cá. Nhưng trước đây, dầu cá chỉ được dùng đơn giản như thực phẩm chức năng, uống bổ sung Omega 3 khi cần thiết và có sự khuyến nghị của bác sĩ. Nhưng cũng là dầu cá thì Sao Mai đã sáng tạo để đưa vào bếp ăn gia đình dành cho các bà nội trợ trổ tài nấu nướng. Đây là sự khác biệt rất lớn về cách sử dụng.

Rõ ràng, khác biệt của Ranee không chỉ nằm ở công dụng của sản phẩm, mà khác biệt từ trong bản chất của nó. Đó là sản phẩm mang tính nhân văn rất cao, vì chúng tôi sử dụng 100% nguyên liệu của Việt Nam mà đặc biệt là từ con cá da trơn vùng ĐBSCL. Cuộc sống thời hiện đại của chúng ta không thiếu những thực phẩm ngon nhưng thực phẩm hoàn toàn tự nhiên, tinh khiết như dầu cá cao cấp Ranee thì tôi cho rằng không dễ tìm trong một thị trường đầy rẫy những món ướp tẩm và thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc. 

Tập đoàn Sao Mai rất tự hào về sản phẩm dầu cá cao cấp Ranee, không đơn thuần vì Ranee là nguồn thực phẩm sạch, an toàn từ vùng nguyên liệu đến qui trình chế biến, mà nó còn là thương hiệu, sự đầu tư chất xám của Tập thể CBCNV Sao Mai Group đã dày công nghiên cứu và ứng dụng - mà tôi vẫn hay gọi vui đó là “Ái nữ “thể hiện tính đoàn kết - trí tuệ - nhiệt huyết của nguồn nhân lực Sao Mai.

PV: Không làm cái người ta đang làm hay cái mình thích, mà làm cái người dân đang cần – đó là quan điểm của ông khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Đó là quan điểm hết sức nhân văn và đúng đắn để doanh nghiệp phát triển bến vững. Ông có thể nói rõ hơn điều này?

Ông Lê Thanh Thuấn: Đúng! Kinh doanh cần phải có sự khác biệt. Bạn phải khác biệt ngay khi bạn đang tồn tại trong môi trường kinh doanh tưởng chừng như tất cả đều được mặc định sẵn và dùng chung công thức, nguyên tắc như nhau. Những vấn đề tôi đã trình bày ở phần trên  đã định vị rất rõ quan điểm kinh doanh của Sao Mai.

Bản thân tôi cũng là một người tiêu dùng nên khi sản xuất ra sản phẩm nào tôi cũng đặt tình cảm và tư duy của mình ở vị trí là người được thụ hưởng như những người tiêu dùng khác. Thực tế cho thấy, hàng hóa nào có độ “tinh xảo” càng cao thì càng được người tiêu dùng đón nhận nhanh, như dầu cá cao cấp Ranee chẳng hạn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông và chúc Tập đoàn Sao Mai ngày càng phát triển và thành công!

Thành Lương
.
.
.