Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước vẫn chậm so với kế hoạch

Thứ Ba, 24/11/2015, 08:45
Mới đây, thay mặt Chính phủ, Bộ Tài chính đã có báo cáo trước Quốc hội về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Theo đó, nhiều chỉ số đã có xu hướng giảm như lợi nhuận, nộp ngân sách; trong khi tỷ lệ nợ phải trả, hay tỷ lệ vay nợ lại có dấu hiệu tăng.


Theo số liệu báo cáo của các bộ quản lý ngành,ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2014, có 781 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó có 8 tập đoàn kinh tế, 85 tổng công ty Nhà nước, 26 công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, 277 công ty TNHH MTV độc lập hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích và 385 công ty TNHH MTV độc lập hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại. Tổng tài sản của các doanh nghiệp là hơn 3,1 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2013. Trong năm, tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt  hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 1%. Lợi nhuận trước thuế đạt 187.699 tỷ đồng, giảm 1%.

Cụ thể, khối các tập đoàn đạt 130.671 tỷ đồng, giảm 2% và chiếm 70% tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp toàn quốc. Khối các tổng công ty đạt 40.805 tỷ đồng, tăng 9%, chiếm 22% tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp toàn quốc. Trong năm, các doanh nghiệp khối này đã nộp ngân sách 278.212 tỷ đồng, giảm 1% so với 2013.

EVN là một trong những tập đoàn có số lượng vốn phải thoái khỏi lĩnh vực nhạy cảm.

Cũng theo báo cáo này, tổng số nợ phải trả là 1,56 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2013. Đáng chú ý, nợ vay ngắn hạn có xu hướng tăng lên, với tổng số 553.014 tỷ đồng, tăng 1% so với thực hiện năm 2013. Một số tập đoàn có tỷ lệ vay lớn đều là các tập đoàn quen tên như PVN, EVN, TKV, Tổng Công ty Hàng hải, Tổng Công ty Sông Đà… Nợ nước ngoài của các tập đoàn, tổng công ty là 381.419 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vay lại vốn ODA của Chính phủ (117.986 tỷ đồng) và vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh (124.104 tỷ đồng).

Theo Kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã được phê duyệt, giai đoạn 2014-2015 cả nước sẽ thực hiện cổ phần hoá 432 doanh nghiệp. Trong 2014, đã có 167 doanh nghiệp được sắp xếp lại, trong đó cổ phần hoá 143 doanh nghiệp, chuyển 1 doanh nghiệp thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, giải thể 3 doanh nghiệp, bán 3 doanh nghiệp, sáp nhập 14 doanh nghiệp và đề nghị phá sản 3 doanh nghiệp. Năm 2015, tính đến thời điểm 20/10, cả nước đã cổ phần hóa được 116 doanh nghiệp.

Như vậy, từ năm 2011 đến nay, cả nước đã thực hiện cổ phần hóa được 354 doanh nghiệp, và từ nay đến cuối năm 2015, cả nước còn phải thực hiện cổ phần hoá 173 doanh nghiệp. Trong đó, có 61 doanh nghiệp đã công bố giá trị doanh nghiệp, 100 doanh nghiệp đang thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, 12 doanh nghiệp đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa và đang thực hiện các bước tiếp theo để xác định giá trị doanh nghiệp.

Năm 2014, tình hình thực hiện thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực (chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, tài chính – ngân hàng, bất động sản) của các công ty mẹ - tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là 4.258 tỷ đồng, trong đó: giá trị thoái là 4.184 tỷ đồng, giá trị thu được 4.292 tỷ đồng. Năm 2015, lũy kế đến tháng 10, các đơn vị đã thoái được 4.460 tỷ đồng, thu được 4.113 tỷ đồng. Cụ thể, lĩnh vực chứng khoán là 41 tỷ đồng, lĩnh vực tài chính - ngân hàng là 1.213 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm là 105 tỷ đồng, lĩnh vực bất động sản là 2.930 tỷ đồng, quỹ đầu tư là 171 tỷ đồng.

Như vậy, tính từ thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết số 21/2011/QH13 ngày 26-11-2011, tổng giá trị đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm mà các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần phải thoái là 23.325 tỷ đồng. Lũy kế số thoái vốn từ năm 2012 đến tháng 10-2015 là 9.866 tỷ đồng (bằng 42% số cần phải thoái cuối năm 2011), thu được 9.496 tỷ đồng, đầu tư thêm 4.538 tỷ đồng (do chia cổ tức bằng cổ phiếu). Số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm cần phải thoái tiếp từ nay đến cuối năm 2015 là 16.193 tỷ đồng (do một số đơn vị điều chỉnh lại Đề án tái cơ cấu nên số phải thoái giảm 1.731 tỷ đồng), trong đó: lĩnh vực chứng khoán là 233 tỷ đồng, lĩnh vực tài chính – ngân hàng là 9.113 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm là 553 tỷ đồng, lĩnh vực bất động sản là 6.079 tỷ đồng, quỹ đầu tư là 215 tỷ đồng.

Nam Phương
.
.
.