Siết sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng

Thứ Tư, 23/08/2017, 10:09
Đây là nội dung đáng chú ý tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD) do Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến sáng 22-8.

Tại điều 29 dự thảo Luật lần này tiếp tục bổ sung một số điểm về mua bán và chuyển nhượng. Cụ thể, dự thảo bổ sung quy định các trường hợp mua bán, chuyển nhượng cổ phần có giá trị từ 1% vốn điều lệ của TCTD trở lên phải được NHNN chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện.

Nguồn tiền mua cổ phần ngân hàng phải được chứng minh rõ ràng và không có nguồn gốc từ vốn vay. Các TCTD không được cho khách hàng vay vốn để mua cổ phần ngân hàng khác. Các cá nhân từng có sai phạm không còn được tham gia các vị trí quản trị, điều hành ngân hàng. Ngoài ra, dự thảo cũng quy định, cổ đông lớn và người liên quan không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác.

Góp ý về quy định trên, đại diện UBCK Nhà nước cho rằng, quy định chuyển nhượng 1% cổ phần phải có văn bản chấp thuận của NHNN cần phải làm rõ, đặc biệt là với các ngân hàng đã niêm yết trên thị trường bởi các giao dịch chủ yếu là khớp lệnh thỏa thuận, không biết ai mua, ai bán và ai đang nắm giữ bao nhiêu cổ phần. Hơn nữa, nếu quy định “cứng” 1%, có thể các cá nhân vẫn sẽ tìm cách lách luật; vì vậy ngoài quy định 1%, có thể đưa ra thêm quy định về cộng dồn, nếu tổng giá trị giao dịch đạt 1% thì phải xin phép.

Ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (NHNN) thông tin:  Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các TCTD lần này đưa ra rất nhiều quy định về kiểm soát đặc biệt: trường hợp nào thì bị đặt vào diện kiểm soát đặc biệt, quy định rõ về thẩm quyền xử lý, về chấm dứt kiểm soát đặc biệt, phương án chuyển giao bắt buộc các TCTD được kiểm soát đặc biệt… Ngoài ra, dự thảo cũng quy định rõ thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN trong việc xử lý, cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Cụ thể, điều kiện chuyển giao bắt buộc là: TCTD không xây dựng được/không được phê duyệt phương án phục hồi hoặc đã được phê duyệt phương án nhưng không phục hồi được; Không thực hiện được việc thay đổi tư cách pháp nhân (sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, vốn góp cho nhà đầu tư mới); Giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ ở mức âm; Có TCTD, nhà đầu tư khác đề nghị được nhận chuyển giao bắt buộc. Hình thức chuyển giao bắt buộc là: Chỉ định TCTD, nhà đầu tư khác nhận chuyển giao bắt buộc. Đơn vị được giao thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao là NHNN (trình Chính phủ phê duyệt).

Chính phủ quyết định chủ trương và phê duyệt phương án phá sản, chuyển giao bắt buộc TCTD được kiểm soát đặc biệt theo đề nghị của NHNN. Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương phục hồi, xử lý pháp nhân NHTM, ngân hàng HTX, công ty tài chính được kiểm soát đặc biệt và đưa ra mức cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi với TCTD được kiểm soát đặc biệt theo đề nghị của NHNN, trừ phương án phá sản. NHNN có quyết định phê duyệt phương án phục hồi, phương án xử lý pháp nhân với các Quỹ TDND và tổ chức tín dụng vi mô…

L.T.
.
.
.