Ranee góp phần giữ lửa hạnh phúc gia đình

Thứ Tư, 06/11/2019, 08:40
Bữa cơm gia đình! Bếp còn đỏ lửa, mâm cơm còn rộn ràng niềm vui, thì nơi đó gia đình còn là tổ ấm trong mỗi người.

Một nghiên cứu mới đây của Tiến sĩ Karen Wu, Phó Giáo sư Khoa Tâm lý Đại học bang California, Los Angeles đã chỉ ra sức mạnh và tầm quan trọng của bữa cơm gia đình vì không chỉ đem lại sự thoải mái mà còn góp phần thay đổi cách ứng xử của mỗi người.

Bữa cơm gia đình thay đổi cách ứng xử

Nghiên cứu dựa trên 1.476 tình nguyện viên tham gia ở Đại học Cornell đã chỉ ra sức mạnh của kiểu ăn cơm chung này. Bữa ăn gia đình thúc đẩy sự phối hợp bằng cách buộc chúng ta cân bằng nhu cầu của mình với nhu cầu của người khác. Trong lúc ăn, chúng ta phải nghĩ và quan sát xem mình có đang lấy quá nhiều không, có để lại đủ cho người khác không.

Đầu bếp Cẩm Thiên Long chia sẻ bí quyết giữ lửa yêu thương trong từng bữa cơm gia đình.

Bữa cơm gia đình không chỉ là nơi cung cấp dinh dưỡng đơn thuần, đó là nơi tạo giá trị yêu thương, là nơi giáo dục tuyệt vời nhân cách cho những đứa trẻ. Một nhà giáo dục từng nói rằng, nếu trẻ không được hình thành thói quen tốt khi ngồi trên bàn ăn thì có nghĩa nó cũng sẽ không đủ trưởng thành khi lớn lên.

Nhân cách hay sự giáo dục gia đình đối với một người được thể hiện rất rõ trong bữa cơm gia đình. Bạn ứng xử ra sao với những người thân của mình cũng thể hiện ở thói quen ăn uống trên bàn ăn. Tình cảm và sự quan tâm hay những hờn ghen chất chứa trong lòng cũng được đo đếm rõ ràng trên mâm cơm.

Những điểm đặc sắc trong bữa cơm gia đình ở các quốc gia châu Á

Hàn Quốc xem trọng văn hóa gia đình quây quần bên nhau. Điều này được thể hiện qua việc con cái vẫn sống cùng nhà với bố mẹ và bữa cơm sáng, tối bắt buộc phải có mặt đông đủ các thành viên. Họ không có thói quen ăn sáng bên ngoài, thay vào đó mọi người chọn dùng bữa ở nhà với nhau trước khi mỗi người lên đường cho 1 ngày làm việc hay học tập. 

Theo dõi hàng loạt bộ phim gia đình, khán giả cũng có thể chứng kiến được những hình ảnh các thành viên cùng chia sẻ những câu chuyện thường ngày trong bữa ăn gia đình xứ kim chi, để từ đó thấu hiểu và rút ngắn khoảng cách với nhau hơn.

Còn người Hoa, bàn ăn là nơi thể hiện sự cầu kỳ, tỉ mỉ và những quy tắc phải tuân thủ, đó là tuyệt đối không được hút thuốc trên bàn ăn. Thứ tự ngồi phải theo vị trí ngôi vị trong gia đình. Nếu là một bữa tiệc có khách mời thì khách cũng phải ngầm chú ý theo thứ tự đó mà chính gia chủ là người lịch thiệp sắp xếp. Trước khi ăn, người nhỏ tuổi phải mời ông bà, cha mẹ trước rồi mới đụng đũa.

So với nhiều quốc gia khác ở châu Á thì Nhật Bản không phải là nước có quá nhiều quy tắc trong ăn uống. Thế nhưng bàn ăn của họ lại đầy tính thẩm mỹ và thể hiện sự lễ nghi đến từng chi tiết.

Đối với người Nhật, không có món chính món phụ mà được bày ra đều với số lượng như nhau bởi vì văn hóa Nhật đề cao sự cân bằng. Ngoài ra, họ rất tôn trọng không gian riêng cho từng cá nhân, vì vậy trên bàn ăn luôn có bộ bát đĩa riêng cho mỗi người và không ai được để tay hay bát lên bàn ăn chung mà phải để vào khay đựng của mình đã được định sẵn.

Bữa cơm gia đình Việt là nơi để trở về

Bữa cơm gia đình Việt thể hiện rất rõ văn hóa và sự gắn kết các thành viên trong gia đình.

Trong bữa cơm luôn có món chính, món phụ như những điểm nhấn trên bàn ăn và hầu hết mọi người có thói quen dùng chung bát nước chấm  thể hiện cho sự quây quần. Bữa cơm cũng là nơi mọi người phải tuân thủ những quy định đã trở thành nếp nhà: ăn phải mời, người ít tuổi mời người nhiều tuổi, người vai thấp mời người vai cao hơn. Khi ăn nên gắp cho nhau để thể hiện sự quan tâm chia sẻ…

Văn hóa ứng xử của mỗi chúng ta không chỉ được thể hiện ở lời ăn tiếng nói, nụ cười, ánh mắt hay cách giao tiếp đầy tính trang nghiêm, lịch thiệp mà  còn được thể hiện rất rõ trên bàn ăn đó là phải mời nhau trước khi ăn và "thông báo" khi kết thúc bữa, nhất là cử chỉ chăm sóc - chia sẻ - trò chuyện trong suốt thời gian dùng bữa. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy sức mạnh không ngờ của bữa cơm gia đình khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Vì thế, ai đó ngoài kia còn vội vàng với những bữa tiệc tùng liên miên, với những cuộc vui hẳn sẽ có thêm lý do để trở về với gia đình, để sum vầy bên mâm cơm. Ai đó còn để cơn hờn giận vương cả lên bàn ăn thì cũng biết kiềm chế lại, biết nhún nhường nhau để có được một bữa cơm gia đình đầm ấm, để nếp nhà trở thành điểm tựa vô hình trong mỗi người.

Quốc Hưng
.
.
.